TPHCM:

4.000 tỷ đồng thí điểm đề án sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng

(Dân trí) - Theo đề án sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng, TPHCM sẽ trang bị trên 337.500 máy tính bảng cho giáo viên và học sinh lớp 1, 2, 3 với tổng kinh phí thực hiện thí điểm dự kiến 4.000 tỷ đồng.

Nội dung đề án với tên gọi “Thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TPHCM năm học 2014 - 2015” được đề cập tại hội thảo “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” diễn ra vào chiều 18/8 tại Sở GD-ĐT TPHCM.

Quản lý, giáo viên ở TPHCM thử nghiệm việc dạy học với sách giáo khoa điện tử qua máy tính bảng
Quản lý, giáo viên ở TPHCM thử nghiệm việc dạy học với sách giáo khoa điện tử qua máy tính bảng.

Theo đề án, lớp học sẽ được trang bị Wifi, mỗi học sinh (HS) sử dụng một máy tính bảng riêng, trong đó cài đặt nội dung sách giáo khoa chính thức của Bộ GD-ĐT ở tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 3 đã được số hóa theo công nghệ 3D.

Giáo viên sẽ sử dụng phần mềm để soạn giáo án, quản lý lớp học và có thể kiểm soát các em đang thao tác gì trên máy.

Đề án thí điểm trong năm học 2014 - 2015, với 60% số lượng GV và HS từ lớp 1 đến lớp 3. Tổng số máy tính bảng cần trang bị là 337.516 chiếc. Trong đó, nguồn ngân sách thành phố sẽ trang bị cho mỗi GV một máy tính bảng, số lượng là 10.389 chiếc và 5.334 chiếc và cho HS thuộc diện đối tượng chính sách.

HS không thuộc đối tượng chính sách thì phụ huynh chịu kinh phí hoàn toàn, số lượng là 321.793 chiếc. Nguồn xã hội hóa do phụ huynh đóng góp mua máy tính bảng được thanh toán trong 2 năm kể từ ngày bàn giao thiết bị cho HS.

Đề án cũng đưa ra 5 lựa chọn máy tính bảng từ cỡ 7.85 inches đến 10.1 inches có giá từ 3 đến 5 triệu đồng.

Bên cạnh máy tính bảng trang bị riêng cho GV và HS, dự kiến sẽ trang bị thêm 6.386 bộ thiết bị dạy học dùng chung trong phòng học (488 bộ đã được trang bị từ trước). 3 mô hình bộ trang thiết bị này có mức giá 157,5 triệu, 262 triệu và 566,5 triệu được nhắc đến.

Dự kiến đến cuối năm 2015, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tổ chức đánh giá và tổng kết, trên cơ sở đó tiếp tục đề xuất các giải pháp.

Hiện đề án đang chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt.

 Hoài Nam