Đại dịch Covid -19 tác động gì đến thí sinh khối ngành sức khỏe?
(Dân trí) - Nhiều thí sinh muốn chọn khối ngành sức khỏe để vừa có kiến thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, vừa cảm nhận được rằng nhu cầu nhân lực của các ngành Y - Dược của Việt Nam còn rất lớn.
Trong thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, nhiều sĩ tử cho biết, đại dịch Covid-19 thực sự đã tác động tới quyết định chọn ngành học của mình.
Nhiều thí sinh muốn chọn khối ngành sức khỏe để vừa có kiến thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân, người thân và cộng đồng, vừa cảm nhận được rằng nhu cầu nhân lực của các ngành Y - Dược của Việt Nam còn rất lớn.
Khối ngành Sức khỏe tiếp tục đứng top 8 nhóm ngành đại học hot nhất năm 2021
Ngay từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, mỗi học sinh phổ thông khi lựa chọn nghề nghiệp đều truyền tai nhau câu nói "nhất Y nhì Dược".
Trải qua thời gian, Y - Dược vẫn luôn là ngành học hot thu hút sự quan tâm hàng đầu của người học, đặc biệt là số lượng học sinh khá - giỏi.
Hàng năm, tỷ lệ đăng ký xét tuyển trên chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường khối sức khỏe luôn nằm trong top cao nhất trong các khối ngành đạo tạo.
Năm 2021, theo số liệu thống kê của Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT, tỷ lệ NV1/chỉ tiêu của khối ngành Sức khỏe là 129.94%, đứng thứ 8 trong top 15 nhóm ngành đại học hot nhất năm 2021.
Bạn Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: "Bố mẹ em là bác sĩ nên từ nhỏ em đã mong muốn được nối nghiệp bố mẹ. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, em càng có thêm động lực để học ngành Y khoa. Em muốn được đóng góp công sức của mình trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực ngành Y tế ngày càng lớn hơn nên em rất yên tâm với lựa chọn của mình".
Ngay từ năm lớp 10, học sinh Trương Khánh Huyền - THPT Yên Phong (Bắc Ninh) đã được gia đình định hướng theo học ngành ngôn ngữ Hàn Quốc để vào làm việc trong các công ty Hàn Quốc tại khu công nghiệp gần nhà.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện, Khánh Huyền đã chuyển hướng ôn tập khối B để thi vào các trường Y, Dược. "Covid-19 đang ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghề nhưng chỉ có ngành Y tế là không bị ảnh hưởng, thậm chí nhu cầu nguồn nhân lực còn lớn hơn, có nhiều cơ hội phát triển hơn. Học ngành Y, Dược không chỉ giúp em có kiến thức bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng mà còn không lo thất nghiệp…" Khánh Huyền cho biết.
Nghề cao quý nhưng luôn đối mặt với khó khăn
Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Phạm Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN cho biết: "Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, mô hình bệnh tật của người Việt Nam đã và đang thay đổi. Bên cạnh các bệnh nhiễm trùng, tỉ lệ các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, sức khỏe tâm thần…. đang gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi nhu cầu nhân lực của ngành y tế rất lớn.
Đại dịch Covid - 19 cho chúng ta thấy nhu cầu đội ngũ thầy thuốc lớn thế nào cũng như vai trò, sự vất vả, hy sinh thầm lặng của họ trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, các bạn đừng quên, đến với ngành Y, không chỉ có vinh quang mà còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn vất vả, nhưng đây mãi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý".
Tuyển sinh các trường Y vài năm trở lại đây có điểm chuẩn cao "chót vót" do lượng thí sinh đăng ký đông. Không chỉ các trường ĐH công lập mà ngay cả các trường đại học ngoài công lập, số lượng thí sinh đăng ký ngành Y cũng cao không kém.
Trường Đại học Đại Nam tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế từ năm 2013 với 03 ngành Y khoa, Dược học và Điều dưỡng thu hút hàng ngàn sinh viên theo học.
Trong năm 2020 và 2021, mỗi ngày phòng tuyển sinh của trường tiếp nhận hàng trăm lượt thí sinh xin tư vấn và đăng ký xét tuyển vào các ngành Y khoa, Dược học và Điều dưỡng. Tính đến thời điểm này, số lượng hồ sơ xét tuyển vào khối ngành Sức khỏe của trường ĐH Đại Nam đã tăng lên gấp 10 lần so với năm 2020.
PGS. TS Vũ Văn Điền - Trưởng khoa Dược Trường Đại học Đại Nam nhận định: "Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành như hiện nay, hệ thống y tế và những dịch vụ đi kèm sẽ luôn được quan tâm hàng đầu.
Các nghiên cứu trong lĩnh vực y tế sẽ ngày càng được đầu tư rất lớn không chỉ từ các công ty tư nhân mà cả các chính phủ.
Bên cạnh đó, nhìn nhận ở một góc độ khách quan thì đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ may mắn hơn vì không rơi vào tình trạng thất nghiệp như nhiều ngành nghề khác. Và dù nền kinh tế -chính trị - xã hội có thay đổi như thế nào cũng không làm ảnh hưởng quá nhiều đến vai trò và chức năng của ngành y tế".
Diễn biến của đại dịch Covid -19 cho thấy tất cả các nước đều có thể thiếu trầm trọng nguồn nhân lực y tế, kể cả các nước phát triển có tỷ lệ cán bộ y tế/dân số cao nhất.
Nguyên nhân là do đại dịch diễn biến quá nhanh, nhiều người bệnh cùng nặng phải nhập viện trong thời gian ngắn nên hệ thống bị quá tải gấp rất nhiều lần.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, chất lượng đào tạo y khoa được quyết định đồng thời bởi nhiều yếu tố, như là nguồn nhân lực giảng viên, chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, lượng giá và đánh giá, cơ sở vật chất, cơ sở thực hành, người học (chất lượng đầu vào, động cơ học tập, phương pháp học tập)…
Do đó, để thực hiện mục tiêu của hội nhập đào tạo y khoa không phải chỉ là công nhận bằng cấp của nhau, mà sinh viên tốt nghiệp trường y của chúng ta phải vượt qua được kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề của thế giới. Muốn vậy sinh viên tốt nghiệp phải thực sự có năng lực quốc tế và ngoại ngữ tốt.