Đà Nẵng đưa Hoàng Sa vào sách giáo khoa lịch sử địa phương

(Dân trí) - Sách giáo khoa Lịch sử Đà Nẵng, trong đó có nội dung về Hoàng Sa, đang hoàn thiện khâu trình bày và in ấn để đưa vào giảng dạy chính khóa cho học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Không chỉ có các bài học chính khóa với những cứ liệu lịch sử chính xác về Hoàng Sa trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Nẵng. Ở phần đọc thêm của sách giáo khoa (SGK) Lịch sử Đà Nẵng còn cập nhật vấn đề thời sự biển Đông như những hoạt động của quân và dân thành phố Đà Nẵng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, hay vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014 vừa qua…

PV Dân trí vừa có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Đà Nẵng, chủ biên hai cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng dành cho học sinh THCS và THPT trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng đưa Hoàng Sa vào sách giáo khoa lịch sử địa phương
 Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, chủ biên hai cuốn SGK Lịch sử Đà Nẵng cho học sinh THCS và THPT.

Xin ông cho biết nội dung căn bản trong hai cuốn SGK Lịch sử Đà Nẵng, trong đó nội dung về Hoàng Sa được đề cập đến như thế nào?

Sách bao gồm các nội dung: Tổng quan về thành phố Đà Nẵng; Đà Nẵng trong các thế kỉ XIV-XV, XVI-XVIII, XVIII-XIX, XIX; Đà Nẵng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc và thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1919-1954); Đà Nẵng trong thời kì kháng chiến chống Mĩ (1954-1975), thời kì xây dựng đất nước từ sau năm 1975 và Đà Nẵng từ 1997 khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huyện đảo Hoàng Sa được đặt trong mối quan hệ với tiến trình lịch sử đất nước, từ khi là vùng lãnh thổ cực đông của Đại Việt đến triều Nguyễn (1802-1884), giai đoạn từ năm 1919 đến 1954 và từ 1954 đến nay.

Được biết nội dung sách có đề cấp đến thời sự biển Đông như vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014 vừa qua. Ông cho biết rõ hơn về nội dung này?

Nội dung hai cuốn sách này có hai phần. Một phần là những bài học chính khóa, phần thứ hai là phần đọc thêm. Vì giới hạn của số tiết cũng như số trang và độ tuổi của học sinh, không thể nói hết về Hoàng Sa, cũng không thể cập nhật hết những vấn đề thời sự trên biển Đông cho nên những cứ liệu lịch sử, những chứng cứ chắc chắn thì đưa vào phần các bài học trong các tiết học lịch sử chính khóa ở trường; còn những vấn đề về thời ví dụ những hoạt động của quân và dân thành phố Đà Nẵng về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, hay sự kiện tàu Hải Dương 981… thì đưa vào phần đọc thêm để học sinh tìm hiểu thêm.

Và tình hình thời sự đối với Hoàng Sa, với biển Đông không khép lại, không dừng ở đó, mà còn có những diễn biến mới. Cho nên một trong những phương pháp các giáo viên khi dạy học môn Lịch sử, nhất là lịch sử đương đại hiện nay phải luôn luôn cập nhật tình hình, theo dõi những thông tin chính thống mới nhất và chọn lựa để giúp học sinh có thể hiểu thêm.

Tiến độ triển khai việc đưa SKG Lịch sử Đà Nẵng vào trường học đã đến đâu ạ?

Ngày 5/3/2015 vừa qua, UBND thành phố đã có văn bản 699 đồng ý ban hành hai cuốn SGKnày như những SGK bình thường khác để học sinh mua và sử dụng như một tài liệu để học. Hiện sách đang hoàn thiện khâu trình bày cuối cùng và in ấn. Hy vọng trong cuối tháng 3, đầu tháng 4 này, sách sẽ về đến tay học sinh và sẽ triển khai việc dạy học ngay trong học kỳ 2 này. Sở GD - ĐT đã tính phương án khi sách về đến trường, sẽ có một văn bản hướng dẫn thêm đối với giáo viên dạy tài liệu này.

Việc giảng dạy SGK lịch sử Đà Nẵng, trong đó có Hoàng Sa sẽ được tổ chức như thế nào để được hiệu quả?

Việc tổ chức dạy học hai cuốn sách này về mặt triển khai nội dung, phương pháp thì cũng tương ứng như SGK khác. Tuy nhiên, đây là cuốn lịch sử địa phương. Trong đó, lại có nội dung về chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa cho nên Sở GD-ĐT sẽ có một tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn để giáo viên có thể cùng các em học sinh tiếp cận tốt nội dung của hai cuốn sách.

Bên cạnh việc học bộ môn lịch sử, với tài liệu này, không chỉ là dạy học trong sách, mà thầy trò có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa để tìm hiểu thêm những nội dung như tìm hiểu các tài liệu trong thư viện của thành phố, ở Bảo tàng lịch sử Đà Nẵng, hoặc có thể gặp các nhân chứng lịch sử… để bổ sung kiến thức từ hai tài liệu này.

Mục tiêu của chúng tôi là qua hai cuốn sách với những kiến thức hết sức cơ bản này thì thầy và trò có thể nắm vững được những cứ liệu lịch sử, những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử, để bồi dưỡng cho các em học sinh những tri thức về lịch sử, truyền thống của quê hương. Qua đó, bồi dưỡng lòng yêu quê hương đất nước, ý thức gìn giữ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của thành phố, của đất nước.

Thưa ông, trong quá trình hoàn thiện hai cuốn SGK Lịch sử, ban biên soạn có gặp nhiều khó khăn?

Trong quá trình biên soạn đương nhiên gặp không ít khó khăn. Trước hết đây là tài liệu giáo khoa đầu tiên mà chúng ta viết về thành phố Đà Nẵng được tổ chức dạy học trong chương trình chính khóa. Và đây cũng là tài liệu đầu tiên của thành phố trong nhà trường nói về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là đối với huyện Hoàng Sa

Làm sao để xử lý tư liệu, tư liệu chúng ta không thiếu, rất nhiều, nhưng xử lý như thế nào để khoa học, chính xác và phù hợp với độ tuổi của học sinh. Chúng ta không thể tham lam đưa hết những vấn đề của lịch sử cũng như những vấn đề của Hoàng Sa vào chương trình vì học sinh còn học nhiều môn, còn tham gia nhiều hoạt động giáo dục, phải chú ý liều lượng cho phép, đảm bảo không quá tải đối với học sinh.

Một khó khăn nữa là không dễ để có đội ngũ biên soạn thật sự chuyên nghiệp. Nên ngoài các giáo viên Lịch sử giàu kinh nghiệm, các chuyên viên bộ môn, các nhà nghiên cứu lịch sử và các tài liệu, chúng tôi đã đưa cuốn sách này cho những người, những cơ quan có trách nhiệm kiểm định và cuối cùng là nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có hội đồng biên tập đọc kỹ lại để giúp ban biên soạn vượt qua những khó khăn trong khi biên soạn tài liệu này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Hiền (thực hiện)
 
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!