Cựu nhà giáo đi B kể chuyện đào hầm, dựng lán dạy học
(Dân trí) - Thời chiến tranh chống Mỹ, họ là những giáo viên trẻ tuổi, có người mới ra trường được cấp trên giao nhiệm vụ lên đường vào Nam công tác. Sau nhiều năm, khi mái tóc đã điểm bạc, các cựu giáo chức trở lại chiến trường xưa, thăm lại vùng đất mình từng gắn bó, xem như là quê hương thứ hai.
Cuộc hội ngộ xúc động trên “đất lửa”
Sau hàng chục năm, những cựu giáo viên lần đầu quay trở lại Quảng Trị - mảnh đất họ từng gắn bó dạy học trong những năm chiến tranh. Người may mắn hơn thì được trở lại thăm Quảng Trị lần thứ 2, thứ 3.
Những ngày tháng Tư lịch sử này, mảnh đất Quảng Trị lại chào đón người dân khắp mọi miền trở về tri ân các liệt sĩ, những con người đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp thống nhất đất nước, mang lại hòa bình hôm nay.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, hơn 65 cựu giáo viên và cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã dâng hoa và thắp nén tâm nhang viếng các liệt sĩ. Trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ, nhiều cựu giáo viên đã không cầm được nước mắt. Họ khóc vì quá xúc động, thấy những hy sinh, mất mát quá lớn đối với biết bao gia đình Việt Nam.
Trong tâm tưởng của những cựu nhà giáo, ký ức về những ngày tháng gian khổ dạy chữ trong sự khốn khó trăm bề, giữa đạn bom rình rập chợt ùa về.
Cách đây hơn 43 năm, các thanh niên, giáo viên trẻ đã gác lại tình riêng, tạm xa gia đình và những người thân để theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ vào Nam công tác.
Với hành trang là chiếc ba lô con cóc chứa những cuốn giáo án… những giáo viên trẻ dám đối mặt với hiểm nguy rình rập, như những người lính ra trận. Và, mặt trận của những giáo viên là văn hóa, với yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục ở những địa phương mới giải phóng. Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa ngày ấy cũng như bao người lính khác phải đối diện với các cơn sốt rét ác tính, thám báo, biệt kích, bom mìn.
Đào hầm, dựng lán dạy học
Đã nhiều năm trôi qua, cô giáo Trần Thị Hằng (xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) vẫn chưa bao giờ quên những kỷ niệm sâu sắc ở chiến trường Quảng Trị. Cô Hằng nói mình là thế hệ giáo viên vào công tác tại Quảng Trị đợt đầu tiên, năm 1972 và tham gia dạy học ở vùng sơ tán huyện Gio Linh hiện nay.
Thăm lại vùng đất năm xưa, cô Hằng lại rưng rưng nước mắt. Cô giáo Hằng kể giữa thời điểm chiến tranh, mọi thứ đều vô cùng thiếu thốn nhưng không làm những giáo viên trẻ nhụt chí. Dù mới làm quen với vùng đất mới, chiến tranh gây nên sự chết chóc gieo rắc khắp nơi, song họ vẫn đứng vững để dạy chữ.
“Do bom đạn kẻ thù còn rình rập trên đầu nên phải khoét đất đào hầm làm phòng học, kiếm que gỗ gác lên rồi đi lấy tranh về che. Đêm đến thì đốt đuốc sinh hoạt, hoặc tập văn nghệ”, cô Hằng chia sẻ.
Theo cô giáo Hằng, năm ấy cô vừa tròn 23 tuổi, mới ra trường liền được phân công vào chiến trường dạy học. Các cô mang theo sứ mệnh khai thông nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, làm tốt công tác tư tưởng, đào tạo, vận động, bồi dưỡng, hướng dẫn các giáo viên khác ở địa phương để phát triển sự nghiệp giáo dục.
Đối với cô giáo Nguyễn Thị Thanh, cô Đỗ Thị Bào (ở Hà Nội), được quay trở lại vùng đất xưa công tác khiến các cô cảm thấy vô cùng phấn khởi. Đến Quảng Trị vào năm 1973, cô Thanh cùng một số người khác được phân về xã Triệu Trạch dạy học.
Khi đặt chân lên đất lửa Quảng Trị, cô Thanh chỉ mới 21 tuổi, học Cao đẳng ra trường đã tham gia giảng dạy một thời gian.
“Lúc ấy, Quảng Trị mới giải phóng một nửa nên vẫn còn ác liệt lắm. Chiến tranh, bom đạn tàn phá dữ dội nên ở Triệu Trạch không có nhà nào còn nguyên. Chúng tôi có nhiệm vụ dạy văn hóa, bổ túc cho người dân. Người chưa biết thì học 2 năm một lớp, người bình thường thì một năm, ai có thành tích tốt thì được bồi dưỡng lớp cấp tốc để tạo nguồn. Thời gian này, học sinh học hết cấp 2 đã được đưa đi đào tạo cấp tốc để bổ sung giáo viên rồi”, cô giáo Thanh kể.
Vượt qua bao khó khăn, các thế hệ giáo viên ngày ấy đã tích cực dạy chữ cho học sinh. Cô Thanh cho biết: “Do chiến tranh tàn phá nên trường lớp phải che tạm để học chứ không như bây giờ. Phải lấy ván gỗ ghép lại thành bàn, lấy tôn ở sân bay ghép lại, lấy tranh lợp lên để học. Tuy vậy, học sinh hiếu học lắm”.
Cùng ăn ở với dân, bám lớp dạy học
Tại những vùng vừa mới giải phóng, bom đạn, hiểm nguy vẫn rình rập khắp nơi, nhưng các thế hệ giáo viên miền Bắc sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, không quản gian khó để bám trường, bám lớp.
Với những thầy giáo được phân công lên giảng dạy ở miền núi càng phải đối diện với nhiều gian nan, thử thách.
Thầy giáo Bùi Duy Hằng (SN 1950, quê ở Hà Nội) cho biết, năm 1973 ông vào dạy ở Triệu Lễ, Triệu Phong. Đến 1975 thì di chuyển lên dạy học ở Khe Sanh. “Lúc ấy trường rất đơn sơ, mọi người đi lượm lại táp lô, gạch vỡ dựng lên, lấy tranh làm mái. Chúng tôi ở cùng người dân để dạy học”.
Trở về chiến trường xưa, đứng trước anh linh các liệt sĩ, thầy Hằng xúc động: “Các anh đã đóng góp máu xương của mình để cho đất nước được tự do, nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no. Chúng tôi, những người ít cầm súng, người không trực tiếp cầm súng, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nguyện ghi nhớ công ơn, sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ”.
Với cựu nhà giáo Đinh Bảo Hưng, nay mới có dịp trở lại thăm mảnh đất Quảng Trị nên có nhiều suy tưởng. Những năm 1973, thầy giáo Hưng tham gia giảng dạy ở vùng Ba Lòng, Cam Lộ. Đến năm 1979, ông hoàn thành nhiệm vụ và trở về quê hương. “Hồi đó mới giải phóng một số nơi nên bom đạn còn ác liệt. Việc dạy học cũng thiếu thốn đủ thứ, nhưng chúng tôi đã bám dân, bám lớp và hoàn thành nhiệm vụ được giao”, thầy Hưng nói.
Đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị, thả hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn, các cựu nhà giáo bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các anh hùng, liệt sĩ. Nơi ấy, có những đồng đội, người thân của các cựu giáo viên đã anh dũng ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này.
Từ năm 1961-1974, trong hành trình vượt Trường Sơn từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, cả nước đã có gần 3.000 nhà giáo vừa dạy học vừa tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, có không ít thầy cô giáo đã anh dũng hi sinh cho thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Các thế hệ giáo viên thời ấy đã góp phần viết nên bản anh hùng ca cho sự nghiệp giáo dục cách mạng.
Đăng Đức