Cuộc gặp mặt xúc động của những cựu giáo viên đi B tại Quảng Trị
(Dân trí) - “Các thầy, cô giáo đi B đã đem hết tuổi thanh xuân của mình để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh, trang bị kiến thức cho học sinh và nhân dân, tạo dựng nền móng ban đầu cho giáo dục ở vùng mới giải phóng”, TS. Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Ngày 28/4, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt những cựu giáo chức các tỉnh phía Bắc đi B ở chiến trường Quảng Trị. Tham gia buổi gặp mặt có các nhà giáo, nguyên lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh cùng các cựu giáo viên đi B tại Quảng Trị, hiện ở các tỉnh phía Bắc: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình và Quảng Bình.
Phát triển giáo dục vùng giải phóng
Sau khi Quảng Trị được giải phóng (tháng 5/1972), trên vùng đất hoang tàn do chiến tranh để lại, đứng trước muôn vàn khó khăn, hiểm nguy, quân và dân Quảng Trị đã tập trung sức người và của cải vật chất cho chiến dịch chống tái chiếm thị xã Quảng Trị của kẻ thù. Đồng thời, phải tổ chức đón dân sơ tán trở về, ổn định đời sống, tháo gỡ bom mìn, tăng gia sản xuất, khai hoang phục hóa, tập trung sức chống giặc đói, chống bệnh tật.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, TS. Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ phát triển giáo dục thời kỳ mới giải phóng. Theo TS. Lê Thị Hương, một trong những nhiệm vụ hệ trọng của chính quyền cách mạng sau ngày Quảng Trị được giải phóng là chăm lo sự nghiệp “trồng người” trên vùng đất mới giải phóng, phát triển quy mô và mạng lưới trường lớp, xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách này, một mặt tỉnh Quảng Trị sử dụng lực lượng tại chỗ gồm cán bộ, giáo viên đang giảng dạy hoặc đang đảm nhiệm các công việc khác ở vùng giải phóng tăng cường cho giáo dục; đồng thời mở các lớp đào tạo cấp tốc ngành sư phạm để đáp ứng yêu cầu mở lớp; mặt khác Quảng Trị đề xuất khẩn cấp với Trung ương xin chi viện con người và các điều kiện cần thiết trước mắt cho giáo dục Quảng Trị”.
Đáp ứng lời kêu gọi của Đảng và của Cách mạng miền Nam, từ năm 1972 một lực lượng đông đảo cán bộ, giáo viên, sinh viên thuộc 17 tỉnh miền Bắc XHCN như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... đã tình nguyện xung phong vào chiến trường miền Nam “gieo hạt ươm mầm” cho sự nghiệp trồng người ở những vùng đất còn đang mưa bom, bão đạn, chi viện cho chiến trường Quảng Trị.
Tại Quảng Trị, các thầy cô giáo đi B đã đem tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà; trang bị cho học sinh và nhân dân vùng giải phóng có đầy đủ kiến thức để hàn gắn vết thương chiến tranh tiến lên xây dựng XHCN; tạo dựng nền móng ban đầu cho giáo dục ở vùng mới giải phóng.
Đề cập đến những thành tựu đạt được của ngành giáo dục Quảng Trị, TS. Lê Thị Hương cho biết: “Hiện quy mô, mạng lưới trường lớp không ngừng phát triển, đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông được nâng cao. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh”.
Sau hơn 20 năm xây dựng trường chuẩn, đến nay toàn tỉnh có 256/496 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 51,62%. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả.
TS. Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho rằng, những chiến công, đóng góp và cả sự hi sinh của thế hệ thầy cô giáo từng tham gia chi viện cho miền Nam hơn 40 năm trước vô cùng ý nghĩa. Đóng góp của các thầy cô cho ngành giáo dục, cho công cuộc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng để đi đến thắng lợi vẻ vang của dân tộc thật sự là một kỳ tích anh hùng.
Chấp nhận hy sinh, đương đầu với khó khăn
Cựu nhà giáo Nguyễn Thị Yên - Trưởng Ban liên lạc Hội cựu giáo chức đi B Quảng Trị chia sẻ: Những năm kháng chiến chống Mỹ, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những giáo viên trẻ của Thủ đô và các tỉnh trên toàn miền Bắc đã không ngại hy sinh gian khổ, hăng hái viết đơn tình nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm những gì Tổ quốc cần.
Vào đầu năm 1972, các giáo viên nhận quyết định của Ban tổ chức Trung ương lên đường làm nhiệm vụ. Với hành trang là chiếc ba lô trên vai, chiếc gậy Trường Sơn, các giáo viên đã vượt rừng vào Nam, đối diện với biết bao hiểm nguy, cái chết luôn cận kề.
Đội ngũ giáo viên chi viện từ miền Bắc có nhiệm vụ bổ túc văn hóa cho những cán bộ trưởng thành trong kháng chiến, xóa nạn mù chữ, phát triển rộng khắp hệ thống giáo dục phổ thông.
Các giáo viên miền Bắc đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tăng gia sản xuất với người dân. Nhanh chóng tạo nên những phòng học tranh tre, nứa lá để các em nhỏ mau chóng được đến trường.
“Dù phải đối mặt với bao gian khổ nhưng chúng tôi được các cấp lãnh đạo, người dân yêu thương, đùm bọc, chia sẻ. Nhờ đó, chúng tôi yên tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ”, cô Yên nói.
Nhà giáo Nguyễn Thị Yên gợi nhớ nhiều câu chuyện cảm động, nhiều tấm gương nhà giáo hy sinh. “Trong đội ngũ giáo viên chúng tôi, có những đồng đội đã nằm lại nơi này như đồng chí Nguyễn Văn Bưu - giáo viên Hà Nội, có đồng chí bị thương vì bom đạn ngay từ khi đặt chân đến Quảng Trị như Dương Văn Ninh. Cũng có những đồng chí bị chất độc da cam như Vũ Đức Thắng đã ra đi từ năm 1996 và để lại một cháu gái không có khả năng làm người bình thường. Có đồng chí Nguyễn Thị Nhã bị chất độc da cam với hoàn cảnh khó khăn đã ra đi năm 1997, để lại cháu gái 10 tuổi, hôm nay cùng chúng tôi trở lại chiến trường. Có những đồng đội của chúng tôi trở về không có mái ấm trọn vẹn và cả những đồng đội không có mái ấm cho riêng mình. Chiến tranh đi qua nhưng đã để lại di chứng hết sức nặng nề…”, nhà giáo Yên xúc động.
Nghe vị trưởng đoàn cựu giáo chức kể về những ngày tháng gian khó bám lớp công tác giữa thời điểm còn chiến tranh, những hy sinh do bom đạn, khiến cả hội trường lặng im, người không cầm được nước mắt.
Chuyến trở về nghĩa tình
Tại buổi gặp mặt, nhiều cựu nhà giáo đã chia sẻ những câu chuyện xúc động của riêng mình. Lúc trước, những giáo viên trẻ ấy mới 18-20 tuổi, gác lại tuổi thanh xuân để nhận nhiệm vụ và hăng hái vào chiến trường, gieo những con chữ cách mạng trên vùng đất này.
46 năm sau, cũng thế hệ giáo viên ấy quay trở lại và chứng kiến bao sự đổi thay trên vùng đất ác liệt năm xưa. Những giáo viên ấy bày tỏ sự vui mừng khi nhìn những học trò của mình trưởng thành, có nhiều đóng góp cho quê hương. Họ vui mừng khi thấy hệ thống trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang.
Buổi gặp mặt càng ấm áp khi những cựu nhà giáo cất lên những bài ca, những vần thơ xúc động về sự thay đổi của mảnh đất Quảng Trị hôm nay.
Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị cũng là giáo viên đi B đã chia sẻ nhiều câu chuyện về quá trình công tác của mình. Bén duyên với vùng đất Quảng Trị, cô giáo Vân ngày ấy đã ở lại và lập gia đình ở mảnh đất này.
Nhà giáo Trương Sỹ Tiến - nguyên Phó Chủ tịch tỉnh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã chia sẻ về sự thiếu thốn giáo viên thời kỳ đó. Theo Nhà giáo Trương Sỹ Tiến, lúc ấy Quảng Trị được chi viện 600 giáo viên, cùng với các giáo viên tại địa phương để phát triển sự nghiệp giáo dục. Đội ngũ giáo viên đã góp phần nâng cao dân trí, cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương phục vụ sự nghiệp phát triển quê hương.
“Những cống hiến của các thế hệ nhà giáo đi B vô cùng ý nghĩa. Nhân dân Quảng Trị và những người làm công tác giáo dục luôn biết ơn sự đóng góp của đội ngũ giáo viên chi viện” - thầy Tiến bày tỏ.
Thay mặt ngành giáo dục Quảng Trị, TS. Lê Thị Hương trân trọng cảm ơn, tri ân những công lao to lớn, những cống hiến, hi sinh thầm lặng của các thế hệ thầy cô giáo đi B trong sự nghiệp trồng người ở một giai đoạn cách mạng cực kỳ gian khó của quê hương Quảng Trị.
Đăng Đức