Cùng phiên dịch viên Khang Nguyễn chia sẻ về nghề phiên dịch

Công việc phiên dịch đòi hỏi bạn không chỉ giỏi ngoại ngữ (tiếng Anh) mà bạn còn phải giỏi cả tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt), phải có sức khỏe tốt và thần kinh thép để theo đuổi những chương trình hội nghị kéo dài suốt cả ngày.

Thạc sĩ Khang Nguyễn, là một trong số ít phiên dịch viên đã rất thành công trong nghề phiên dịch tại TPHCM và là người thiết kế Chương trình giảng dạy kỹ năng phiên dịch tại Trung tâm Ngoại ngữ Báo chí  (Thông tấn xã Việt Nam), số 116-118 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP.HCM. Ông cũng là người đi tiên phong trong việc đưa hình thức phiên dịch hội nghị (cabin) vào Chương trình đào tạo phiên dịch tại đây.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn và được ông chia sẻ một số kinh nghiệm quý báu về nghề phiên dịch, đặc biệt là phiên dịch Cabin - Người diễn giả thầm lặng.

Thưa ông, Phiên dịch cabin tại các hội nghị là một nghề không mới, nhưng luôn hấp dẫn và  không phải bất cứ ai giỏi ngoại ngữ đều có thể làm được. Ông có thể mô tả một cách khái quát về nghề phiên dịch, đặc biệt là phiên dịch cabin, để  các bạn trẻ đam mê nghề phiên dịch có thể hình dung rõ hơn về công việc hấp dẫn này?

Khi là phiên dịch tại một hội nghị bạn có thể thực hiện được cả hai hình thức phiên dịch, dịch nối tiếp và dịch cabin - còn gọi là dịch song hành. Phiên dịch nối tiếp là khi người nước ngoài nói xong một đoạn hay diễn tả xong một ý muốn nói, bạn sẽ tiếp lời chuyển tải ý của người vừa nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia. Còn dịch cabin hay còn gọi là dịch song hành là bạn dịch đồng thời với người đang nói. Người nước ngoài vừa hoàn thành phát ngôn thì người phiên dịch cũng đồng thời hoàn thành xong việc chuyển ý sang ngôn ngữ kia. Dịch cabin có một lợi thế là tiết kiệm được thời gian và hình thức dịch này luôn được khuyến khích sử dụng trong các hội nghị, hội thảo quốc tế.

Công việc này đòi hỏi bạn không chỉ giỏi ngoại ngữ (tiếng Anh) mà bạn còn phải giỏi cả tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt), phải có sức khỏe tốt và có thần kinh thép để theo đuổi những chương trình hội nghị kéo dài suốt cả ngày với nhiệm vụ làm cầu nối ngôn ngữ cho các chương trình hội nghị. Một hội nghị thành cồng đều có sự đóng góp không nhỏ của những phiên dịch viên.

Công việc phiên dịch hội nghị là một công việc đầy thú vị nhưng cũng đầy áp lực, ông có thể chia sẻ đôi điều về những khó khăn, thách thức cũng như những niềm vui trong nghề phiên dịch?

Trong nghề phiên dịch, đặc biệt là phiên dịch tại các hội nghị, thời gian chỉ được tính bằng giây, kể từ lúc diễn giả cất tiếng cho đến lúc nội dung đó được chuyển ngữ hoàn chỉnh. Để trở thành một phiên dịch giỏi bạn phải học hỏi rất nhiều, học không ngừng nghỉ, học trong sách vở và cả trong thực tế. Như người ta thường nói, “There is no royal road in learning” (Con đường học tập không được trải bằng gấm hoa). Tuy nhiên nghề phiên dịch cũng đem lại cho bạn nhiều điều mới mẻ và cảm xúc. Với tôi điều thú vị nhất là hôm sau đọc báo hoặc xem truyền hình, thấy ngay được kết quả của việc mình làm trong hội nghị ngày hôm trước.

Hiện tại ông đang đảm nhiệm việc thiết kế Chương trình giảng dạy kỹ năng phiên dịch tại Trung tâm Ngoại ngữ báo chí (Thông tấn xã Việt Nam). Ông có thể giới thiệu khái quát về các chương trình phiên dịch của Trung tâm?

Chương trình phiên dịch của Trung tâm Ngoại ngữ Báo chí được chia làm 3 giai đoạn, từ căn bản đến nâng cao và cuối cùng là phiên dịch cabin. Các bạn có thể hình dung như việc chúng ta đi lên một quả đồi, lên đến đỉnh đồi có thể nhìn ra bốn phương. Đó là con đường đi của nghề phiên dịch. Bạn sẽ phải chăm chỉ học tập và tích lũy, bạn không chỉ biết một lĩnh vực mà bạn phải hiểu biết càng nhiều lĩnh vực càng tốt. Để vào các lớp phiên dịch bạn sẽ trải qua một bài thi đầu vào và qua phỏng vấn với giảng viên để được tư vấn vào trình độ lớp phù hợp với bạn.

Đặc biệt đối với lớp Phiên dịch cabin, phòng học sẽ được trang bị các thiết bị chuyên dụng để mỗi buổi học mô phỏng theo các cuộc hội nghị, hội thảo thực sự cho công việc phiên dịch.  

Phiên dịch được ví như một nghề “làm dâu trăm họ” vì không chỉ có vốn tiếng Anh tốt mà còn phải bổ sung một khối kiến thức rất rộng. Vậy ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ để họ có thể chuẩn bị tốt kiến thức cũng như tinh thần để đương đầu với công việc đầy thách thức này?
 
Cùng phiên dịch viên Khang Nguyễn chia sẻ về nghề phiên dịch
Phiên dịch viên Khang Nguyễn và Tiến sĩ Jumpasut, chuyên gia hàng đầu thế giới về thị trường cao su, trong buổi tập huấn tại Viện Công nghệ châu Á (AIT).

Trong cuộc sống hiện đại thì việc bổ sung kiến thức là quan trọng đến mức không cần bàn cãi. Đặc biệt đối với một phiên dịch cabin, việc thuờng xuyên trau dồi và sử dụng ngôn ngữ một cách thành thục là một điều kiện bắt buộc của nghề phiên dịch. Nếu có điều gì cần ghi nhớ sau buổi nói chuyện này, tôi sẽ sử dụng một hình ảnh “ý tại ngôn ngoại” như sau: Ngôn ngữ sẽ thể hiện hiểu biết và chính con người của bạn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm