Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh nói về mẹ:

Cụ không khuyên bảo mà sống làm gương

(Dân trí) - Các bà mẹ, dù ở góc độ nào cũng là những người vĩ đại nhất, là khởi nguồn của hạnh phúc và thành đạt của các người con. Theo cái logich đó thì thân mẫu của nhà cách mạng lão thành Vũ Oanh là một người mẹ hạnh phúc.

Có những bà mẹ đã hiến dâng các con cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do. Có những bà mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình vì công cuộc thống nhất giang sơn. Có những bà mẹ chỉ cần mẫn nuôi dạy, rèn giũa cho đất nước những người con thành đạt, đóng góp không nhỏ vào công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam. Các bà mẹ, dù ở góc độ nào cũng là những người vĩ đại nhất, là khởi nguồn của hạnh phúc và thành đạt của các người con. Theo cái logich đó thì thân mẫu của nhà cách mạng lão thành Vũ Oanh là một người mẹ hạnh phúc. Bà có bảy người con trừ ông cả mất sớm, sáu người còn lại đều là những người thành đạt. Có thời điểm cùng một lúc, ba người con của bà đều là Bí thư tỉnh ủy. Đó là Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Vũ Duy Hiệu, Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông Vũ Duy Chương (Vũ Oanh), Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Vũ Duy Quất (Vũ Thu). Vì sao mà một người phụ nữ chân lấm tay bùn, chưa một lần cắp sách tới trường lại có thể nuôi dạy nên những người con thành đạt như vậy? Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu đó?

 

Nhân Đại hội Khuyến học toàn quốc lần thứ IV, chúng tôi đã được nhà cách mạng lão thành Vũ Oanh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam kể cho nghe về thân mẫu của mình.

 

Các con tôi không có đặc quyền đặc lợi

 

Tôi là cán bộ lão thành, được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh nên nhà được cấp đúng theo chế độ quy định, khoảng 300m2, không có bất cứ sự ưu tiên riêng tư nào và duy nhất chỉ có một cái. Điều này Đảng biết, dân biết cả. Về tiền, tôi có một sổ tiết kiệm nhỏ để lo ốm đau, giỗ tết và làm các công tác từ thiện xã hội. Vợ tôi là cán bộ kỹ thuật nghỉ hưu. Về con cái, tôi có 3 cháu thì một cháu mất khi còn nhỏ, một cháu mất vì bệnh và hiện chỉ còn một cô con gái đang công tác tại Bộ Giáo dục & Đào tạo. Các con tôi như con cái bất cứ người dân bình thường, phải nỗ lực vươn lên, không có một chút đặc quyền hay đặc lợi nào khác.

Nhà cách mạng lão thành Vũ Oanh kể rằng, vì cảm đức độ mà ông ngoại ông đã gả cô con gái rượu của mình cho con trai người tá điền nổi tiếng thật thà, nhân hậu - là cha ông. Vốn con nhà khá giả trong làng, về làm dâu một gia đình nông dân nghèo nên mẹ ông chịu nhiều vất vả.

 

- Mười bốn lần sinh nở nhưng có đến 7 lần có sinh mà không có dưỡng.  Bản chất nết na, hay lam hay làm, phúc hậu đã giúp bà cụ vượt qua mọi gian nan của cảnh mẹ goá con côi. Mẹ tôi nhờ chút của hồi môn mấy sào ruộng nuôi bố tôi ăn học. Tôi không biết mặt bố vì cụ mất khi tôi mới 3 tuổi, một mình mẹ phải nuôi 7 anh em. Anh em tôi gắn bó và chịu sự nuôi dưỡng, dạy bảo chủ yếu từ mẹ. Mẹ tôi đã nuôi chúng tôi bằng tất cả tình thương với những đứa con côi. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên những đêm đông lạnh giá, mẹ tôi nằm giữa, tôi và chú Thu (Vũ Thu) mỗi đứa nằm một bên.

 

Ngày anh tôi đi hoạt động, bị bắt, mẹ tôi lặn lội tận nơi thăm nom, chăm sóc. Không chỉ quý con, mẹ tôi còn chăm sóc cả những người bạn cùng hoạt động với con mình nên gia đình tôi là cơ sở cách mạng, đã từng nuôi dưỡng rất nhiều các đồng chí trong thời kỳ gian khó. Những người cùng thế hệ với anh tôi như các anh: Tô Hiệu, Lê Thanh Nghị, Tô Quang Đẩu... đều đã từng lấy nhà tôi làm cơ sở. Sau này tôi tham gia cách mạng thì  những người bạn tôi như  Trần Phương, Lê Đức Bình... đều đã ở nhà tôi. Khi mở lớp huấn luyện đảng viên đầu tiên ở Hà Nội, cơ sở bị phá, tôi đưa cả lớp về nhà.  

 

Một nách nuôi 7 người con. Sự vất vả, lam lũ có khiến bà hay mắng mỏ con cái không ạ?

 

- Mẹ tôi thương con, không bao giờ mắng mỏ con cái. Nhà tôi cũng là nhà có gia phong nên anh em ngoan ngoãn và đoàn kết, đùm bọc lấy nhau. Bà rất đảm đang, làm đủ mọi việc. Người đàn bà góa ngày xưa khổ lắm...

 

Nhà nghèo khó, bà cụ đã xoay xở thế nào mà các bác đều được học hành?

 

- Mẹ tôi rất chăm lo cho việc học hành của con cái. Gia đình tôi có truyền thống anh em đùm bọc nhau, người anh luôn có trách nhiệm với các em. Anh cả tôi có vợ nhưng vẫn ở chung với mẹ, có tiền, đều đưa cho mẹ nuôi chúng tôi ăn học. Khi anh cả tôi đi dạy học ở Nam Định, mang anh hai tôi (ông Vũ Duy Hiệu) theo. Khi anh Hiệu tôi mãn hạn tù ở Côn Đảo về, anh cả tôi mất, anh Hiệu lại thay vào vị trí của anh cả, gíup mẹ chăm lo cho các em. Nhà tôi cứ đùm bọc nhau như thế mà sống, học và hoạt động cách mạng.
 
Cụ không khuyên bảo mà sống làm gương - 1
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh.

 

Ông đã học được điều gì ở người mẹ của mình?

 

- Mẹ tôi đã nuôi chúng tôi nên người, thành những đứa con có nhân cách, bà luôn là tấm gương sống có nghĩa, có tình, yêu thương con cái, nhân hậu với hàng xóm láng giềng. Những gia đình có sự xích mích, bà đều đến hòa giải. Những năm tháng khó khăn nhưng tất cả vẫn ăn chung, ở chung. Anh em tôi không bao giờ suy bì, tị nạnh hay cãi cọ nhau. Các chị dâu tôi cũng rất kính trọng và yêu quý mẹ. Bà cụ thương và quý tôi lắm. Trong các anh em trong gia đình, tôi là hạt nhân quy tụ sự đoàn kết vì tính tôi điềm đạm, ôn hoà, dễ hoà thuận với mọi người. Thấy các bà chị dâu có chuyện không vui là tôi tâm sự, động viên các chị. Vì thế từ các ông anh trai, chị gái, chị dâu đến các cháu đều rất quý tôi.

 

Khi các con đều đi hoạt động cách mạng, một mình cụ ở nhà tự nuôi thân, cụ có than phiền hay yêu cầu con ở nhà trông nom mẹ không ạ?

 

- Không. Cụ vui vẻ lắm, lại khuyến khích bọn tôi làm tròn trách nhiệm. Cụ bảo: các con cứ yên chí, không phải lo lắng cho mẹ. Trong kháng chiến chống Pháp, anh em tôi mỗi người đi một ngả, mẹ tôi hồi đầu đi với anh Hiệu, được một thời gian, do điều kiện hoạt động nên anh ấy không chăm sóc được bà cụ nữa đành đi gửi cụ đến một cơ sở ở Thanh Hoá, nhờ bà con giúp đỡ. Mẹ tôi hồi ấy cứ đi tìm các ao, vét bùn lên bờ để trồng rau muống nuôi thân vì không muốn trở thành gánh nặng cho bà con lối xóm. Mà khi ấy, mẹ tôi cũng già yếu rồi. Cụ chấp nhận sống đạm bạc rau cháo mà không bao giờ than phiền một câu để các con yên tâm đi hoạt động cách mạng. Bọn trẻ con cánh chúng tôi quý và chăm bà lắm vì chúng nhận thức được hồi bé bà vất vả vì chúng quá. Mấy năm cuối đời cụ đã sống với vợ chồng tôi.

 

Ông và anh em trong gia đình nổi tiếng vì nết sống thanh bạch. Điều ấy có phải do mẹ ông tạo nên?
 

- Đúng vậy. Mẹ tôi là một người phụ nữ Việt Nam truyền thống nên có nếp sống thanh bạch, chăm chỉ nuôi chồng nuôi con. Sau này, anh em chúng tôi đều thừa hưởng nếp sống ấy, thừa hưởng cái gen ấy của mẹ. Sống trong thời phong kiến mà mẹ tôi giữ được như thế là hiếm. Mẹ tôi có tính tháo vát, lam lũ, tự chủ làm mọi việc, từ muối cà, muối dưa... đến chẻ lạt, đan lát rổ rá. Chẳng ai dạy cả mà cụ tự quan sát rồi làm.

 

Với tư cách là nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học, theo ông, trong thời đại mới này, nên xây dựng mô hình gia đình như thế nào để đảm bảo được việc nuôi dạy con cái nên người?

 

- Trong thời đại mới này, gia đình đã bị phân hoá. Việc xây dựng gia đình là một vấn đề lớn và rất khó. Tính sống động, cộng với sự giao lưu lớn khiến việc xây dựng và giữ gìn nếp gia đình khó khăn hơn trước nhiều. Ngày trước, bản thân nền kinh tế xã hội đơn giản hơn, người ta sống quần tụ với nhau. Xây dựng mô hình gia đình theo kiểu đại gia đình như nhà tôi khó và không thực tế. Theo tôi, trong hoàn cảnh hiện nay, mô hình gia đình tốt nhất là bố mẹ nên ở với một người con, con cả hay con thứ đều được vì như thế gia đình vừa có "nóc", có nếp và những người già cũng không còn cô đơn vì người già sợ cô đơn lắm. Nếu bố mẹ sống có văn hoá, có trách nhiệm, yêu thương nhau thì bản thân đứa trẻ đã được tắm mình trong môi trường giáo dục lành mạnh. Việc nuôi dạy con trẻ là trách nhiệm cao quý, đã là bố mẹ thì phải làm bằng được chứ không phải là làm được đến đâu thì hay đến đấy. Mà nhiều cặp vợ chồng bây giờ không xác định được điều này.

 

Xin cám ơn ông!

 

Sơ lược tiểu sử nguyên ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh và anh em trong gia đình

 

1. Nhà cách mạng tiền bối Vũ Duy Cương vốn là thày giáo dạy tiểu học. Ông tham gia cách mạng từ trước 1930, đã từng bị Pháp bắt giam, mất năm 36 tuổi

 

2. Nhà cách mạng lão thành Vũ Duy Hiệu tham gia cách mạng trước 1930, Bí thư

Tỉnh ủy Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên - 95 tuổi

 

3. Nhà cách mạng lão thành Vũ Duy Kiểm (Vũ Hạnh) tham gia cách mạng trước 1945, là Giám đốc Nhà máy in tiền đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau kháng chiến, ông là giám đốc Nhà máy điện Yên Phụ rồi được cử làm Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Thái.

 

4. Nhà cách mạng lão thành Vũ Duy Lực (Vũ Thanh Giang), tốt nghiệp Trường quân sự Bắc Sơn, là một trong bốn tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn cao xạ pháo của ta lúc đó và là một trong 2 tiểu đoàn trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đã từng là Phó Tham mưu trưởng bộ đội Hải quân. Trong chống Mỹ, ông là Sư đoàn trưởng Pháo binh và cuối đời binh nghiệp, ông làm Cục trưởng Cục thanh tra quân đội.

 

5. Nhà cách mạng lão thành Vũ Thị Diệu tham gia cách mạng trước 1945, đã từng là Cửa hàng trưởng mậu dịch quốc doanh đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từng là Tổng Giám đốc Tổng công ty bách hóa Trung ương.

 

6. Nhà cách mạng lão thành Vũ Duy Chương (Vũ Oanh) năm 22 tuổi là Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông. Năm 23 tuổi, làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Năm 24 tuổi, làm Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương…

7. Nhà cách mạng lão thành Vũ Duy Quất (Vũ Thu) đã từng làm Bí thư Huyện ủy Ninh Giang, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Cạn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Trước khi về hưu, ông làm Vụ trưởng Vụ tổ chức của Toà án nhân dân tối cao. 

 

Lã Xưa (thực hiện)