Chuyện học xứ người:
Công nghệ lòng tự tin, tự thân và nhân cách
(Dân trí) - Ở Đức, khi đứa trẻ bị ngã, người ta không bao giờ đánh xuống đất và nói: “Đánh chừa cái đất, mày làm cho con bà ngã!”. Sự ủ ê con vào lòng, khi trẻ ngã, làm thảm hại con người, khi mà cú ngã ấy tự trẻ gây nên...
Quanh chuyện đi học của cô con gái ở Đức, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ về cách giáo dục ở trường học Đức. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn tới độc giả.
Kỳ III: Công nghệ lòng tự tin, tự thân và nhân cách
Bà giáo chủ nhiệm con gái tôi thường bảo với con tôi: Toản Li có hai quê hương Việt Nam và Đức. Con gái tôi cũng công nhận điều đó, bởi vì nó sinh ra trên nước Đức và thụ hưởng đầy đủ nền văn hóa Đức khi tôi từng ngày vẫn dạy cháu tiếng mẹ đẻ và nói rõ vì sao nhà mình khác bạn Đức, có bàn thờ ông bà v.v...
Việc giáo huấn một con người có lòng tự tin ở Đức bắt đầu từ khi vào nhà trẻ. Từ đó con gái tôi bắt đầu biết nhường nhịn cho đứa bé hơn, biết tự làm những việc nhỏ nhất và tới khi lên mẫu giáo, nó tự rửa mặt, kéo đệm và cất đệm đi ngủ. Tôi cũng thương con lắm. Nhìn nó, khi cháu mới năm tuổi, kéo cái đệm nặng chịch cùng thằng Olech, cao hơn nó nửa đầu lòng, tôi cũng thắt lại. Nhưng tôi hiểu rằng, nếu không có điều ấy, con gái tôi sẽ như nhiều người đàn bà khác, luôn có tư tưởng phụ thuộc vào chồng và không dám đương đầu với sự nghiệt ngã của hoàn cảnh.
Lòng tự tin được giáo dục cẩn thận khi bắt đầu từ lớp ba, trẻ học ở Đức được đi dã ngoại tăng dần về thời gian và ngày theo từng lớp. Bắt đầu là những cuộc cắm trại dăm ngày quanh thành phố. Gần đây, là các chuyến dã ngoại, cách nơi tôi ở tám trăm cây. Từ cấp Trung học, mỗi năm học, trẻ được đi một nước, kể cả Anh và Mỹ. Chuyến đi năm lớp Bốn đầu tiên của cháu, tới một vùng đầm lầy, nhiều lau sậy và rừng. Nghe cháu tả lại nơi đó âm u lắm. Tất cả cha mẹ không được đi theo. Nhà trường bố trí thêm mỗi lớp, một sinh viên thực tập. Lớp nó hai chục trò, ba cô phụ trách. Đêm, trò ngủ lều ni lông giữa rừng, hai đứa một lều. Chúng mang theo túi ngủ. Buổi ngủ rừng đầu tiên, một phát hiện vĩ đại của nó, là đời sống đêm trong rừng quá phong phú. Chúng men theo ven hồ, tìm thấy cơ man đom đóm và nghe tiếng ếch, tiếng giun dế, dùng đèn soi tìm những con cú có đôi mắt “Như đèn pha ô tô, bố ạ” v.v... Người Đức xác lập từ nhỏ cho trẻ: “Trong rừng không có ma”. Trong rừng chỉ có cuộc sống chọn lọc tự nhiên và thân thiện của thú vật, cần được con người bảo vệ môi trường, sinh thái! Cũng như trong học tập, khái niệm cũ kĩ: Con hổ phải ác, con nai phải hiền... là không tồn tại nữa. Ở mỗi cảnh huống cụ thể, người ta chỉ rõ hành vi tốt xấu, lợi hại của từng loài chứ không ấn định một định kiến.
Cho tới hôm nay, tôi bắt đầu để con tôi đi xa nhà một mình trong bán kính tám mươi cây số. Tất nhiên việc đi lại ở Đức rất thuận lợi, nhưng với cháu gái 12 tuổi, lại ở nước mà Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc còn, thì việc đó không đơn giản, nếu như cháu thiếu lòng tự tin của con người.
Nhớ việc này ngay gần thôi. Ngày đầu tiên tôi về phép. Tilo, một thạc sĩ người Đức, đang làm công việc bảo vệ voọc tại Cúc Phương và Hiền, vợ anh, tới nhà tôi chơi. Mở cửa xe thế nào mà cậu con trai năm tuổi của họ bị cửa xe dập vào tay. Cháu kêu lên. Chúng tôi chạy tới. Đứa trẻ chực khóc, nhăn nhó. Tay nọ ôm tay kia thật chặt. Chắc nó đau vô cùng. Tilo bế con vào nhà. Hiền bình tĩnh đi theo. Chúng tôi lấy đá thả vào bát. Tilo bảo con, hãy nhúng tay vào! Và ông bình tĩnh như không có việc gì xảy ra, để lát nữa, cơn đau của con ông dịu đi. Thằng bé đau lắm vì gió đã dập cánh cửa xe vào tay cậu khi cậu vịn vào mép cửa bước xuống đường. “Bận sau con chú ý nhé. Xuống xe phải đẩy mạnh cửa ra, rồi mới bước xuống!” Hiền bấy giờ mới ôm con và lòng vuốt ve tay con và nói.
Tôi nhớ lại cả thời dằng dặc hơn mười năm qua của con tôi ở Đức. Nhiều lần cháu chơi trong sân tuyết. Trượt ngã cũng khá đau. Nhưng cô giáo bao giờ cũng nhắc, cháu tự đứng dậy, rồi sau đó mới kiểm tra xem cháu có sao không, vì sao mà cháu ngã? Tới khi lên lớp năm, một đứa trẻ ở Đức đã có thể tự làm nhiều việc, như tìm xe đạp hỏng ở đâu mà bảo cha mẹ sửa chữa. Tự xử lí xe cộ khi đi ở đường bị hỏng. Chỉ tới cảnh huống không thể làm gì được, nó mới gọi điện cho tôi: “Bố có thể giúp con không?”. Ở Đức, khi đứa trẻ bị ngã, người ta không bao giờ đánh xuống đất và nói: “Đánh chừa cái đất, mày làm cho con bà ngã!”. Sự ủ ê con vào lòng, khi trẻ ngã, làm thảm hại con người, khi mà cú ngã ấy tự trẻ gây nên. Con tôi, bây giờ có thể nói, nó không đổ lỗi cho khách quan, nếu nó làm hỏng cái gì đó. Điều này, tôi cho rằng sự giáo dục Đức, xây dựng không chỉ tự tin mà xây dựng, hình thành nhân cách trẻ, ở những sự vụn vặt đó.
Có thể tổng hòa nhiều phương cách mà trò lớp Sáu ở Đức đã giảm tiện thời gian ở lớp, để tìm ra một kết quả có chiều rộng và độ sâu hơn ở ta. Chúng tự tin lên mạng từ lớp Sáu để truy tìm thông tin, những điều mà ở lớp cô giáo không nói tới, chỉ bắt đầu chuẩn bị, gợi mở cho học trò phương thức tự nghiên cứu. Điều này quan trọng cho việc chuẩn bị tự nghiên cứu một vấn đề trước khi chúng lên trung học. Vì từ lớp Bảy tới lớp Mười Ba, sự tự thân nghiên cứu, vận động, không chỉ tăng thời gian có ích ở lớp, bớt sự thuộc bài ghi chép ABC, học kiểu con vẹt. Cách thức học không vẹt như thế, làm trò đã được rèn giũa để thành một kĩ năng, thói quen, giúp cho chúng khi lên đại học, có thể vững vàng hơn.
Tôi có cảm giác nói chung là, lối đào tạo phổ thông cơ bản ở Đức, giúp con người ta tự tin hơn khi bước ra khỏi trường phổ thông tham dự vào đời sống sau này. Không chỉ là kiến thức sách vở. Sự đào tạo, giáo dục phổ cập ở Đức làm trẻ vững vàng, hơn khi đối mặt với đời sống thực tế. Sự tự tin, theo tôi, cũng là một phần của nhân cách.
Ví dụ về trẻ con học thế nào và hành ra sao, ở hệ phổ thông, xin kể chuyện nữa.
Năm con nhạc sỹ Mai Lâm, cháu Mai Linh hết lớp 13, thi vào Trường tổng hợp Hamburg (Khoa nghệ thuật của trường này tuyển trò khắp châu Âu nên phải thi). Cháu tự liên hệ với cảnh sát quận Berlin, khu vực định quay bài tập; tự đọc trên mạng phương thức xây dựng một bộ phim ngắn. Một mình cháu, không một ai hướng dẫn, tổ chức một nhóm làm phim đều là bạn cùng lớp. Cháu tự viết kịch bản, phân cảnh, quay và kiêm luôn đạo diễn, để chọi với hai ngàn trò tới khắp châu Âu. Cháu Mai Linh đỗ, bước vào trường Đại học khoa dạy nghề điện ảnh.
Ví dụ thứ hai là, khi con dượng tôi đến Đức, cháu hoàn toàn mù chữ. Tôi dẫn cháu tới trường trung học thứ nhất. Trường từ chối, vì lí do, họ không có kinh nghiệm dạy trò đã lớn người nước ngoài. Nhưng ông hiệu trưởng giới thiệu cho cha con tôi tới trường thứ hai. Tại nơi đó, tôi được bà hiệu trưởng tiếp rất niềm nở và nhận cháu vào lớp Tám. Tụt đi năm lớp, so với việc cháu đã học ở Việt Nam. Việc một đứa trẻ đã 18 tuổi, ngồi như câm điếc giữa các trò đã thạo tiếng Đức, tôi hiểu đó là một sự tra tấn và là một khó khăn vô cùng lớn với thầy cô và cháu. Nhất là các môn xã hội. Nhưng lòng kiên trì của thầy cô Đức thật lớn lao không ngờ. Người ta phân công một giáo viên giỏi nhất sư phạm ngôn ngữ Đức, kèm cháu một tuần hai buổi, vào chiều. Kiên trì suốt ba năm như thế, con tôi đã bỏ ý định bỏ học và, giờ đây tốt nghiệp hệ 10 năm, trở thành một công nhân của nhà máy sản xuất Mecedess. Suốt cả quá trình ấy, họ tìm hiểu hoàn cảnh của cháu. Những nỗi buồn và niềm vui. Gặp gỡ tôi thường xuyên để nhằm giữ vững ý chí tới đích của trẻ. Khi cháu ra trường, cha con tôi tới cám ơn bà hiệu trưởng. Năm ấy tôi mang tới cho bà Thằng Tễu. Bà Hiệu trưởng ấy, cười tươi như hoa, đi vòng quanh tượng gỗ biết cử động và trầm trồ nhìn khuôn mặt hài của món quà tới từ Việt Nam trong lời giới thiêu của tôi về Nghệ thuật rối nước. Nói thêm là, đấy là duy nhất lần “hối lộ” của tôi với việc học hành của hai đứa con trên nước Đức. Cũng nói thêm là, người giáo viên nhận dạy thêm con tôi trong ba năm, không bớt một buổi dạy, không hề được nhận thêm một khoản thù lao ngoài lương. Quà cám ơn chỉ một con Rối nước như bà hiệu trưởng. Điều này có tác động rất lớn với con dượng tôi, một đứa trẻ có nhiều khiếm khuyết, chẳng tin vào thầy cô khi còn ở Việt Nam. Nó nói: “Thầy cô Đức kinh quá. Họ thật như thánh!”.
Người Việt có câu: “Cha sinh không tày mẹ dưỡng.” Tôi luôn dạy con tôi rằng, tổ tiên của chúng ta ở Việt Nam. Nhưng tôi thầm vô cùng biết ơn nước Đức, với công nghệ giáo dục của họ. Con tôi vẫn có tuổi thơ, chơi bời, vẽ vời, học cả võ châu Phi v.v... lại vẫn có các kiến thức phổ thông rộng và sâu, chậm mà chắc. Nó, công nghệ giáo dục học đường phổ thông... đương dìu dắt từng chặng, cho con gái tôi tới cái đích thứ nhất, giải tỏa câu hỏi: Làm người phải như thế nào.
(còn tiếp)
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ