"Công khai" dịch vụ thi online hộ, trường đại học xử lý thế nào?

Lê Phương

(Dân trí) - Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay việc học hay thi đều bằng hình thức trực tuyến đã khiến không ít SV tìm cách gian lận để "qua" môn. Điều này buộc các trường ĐH tăng cường biện pháp đối phó.

Nhan nhản dịch vụ thi online hộ

Do dịch Covid-19 nên các trường đại học buộc phải tổ chức thi học kỳ, kết thúc học phần, thậm chí thi tốt nghiệp hay bảo vệ khóa luận tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến. Kéo theo đó, nhiều dịch vụ hỗ trợ thi cử, làm bài kiểm tra tất cả mọi cấp học, từ các bài kiểm tra đến làm tiểu luận, thi học phần, luận văn tốt nghiệp cam kết đạt điểm cao cũng xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.

Công khai dịch vụ thi online hộ, trường đại học xử lý thế nào? - 1

Nhộn nhịp hoạt động trao đổi nhờ thi hộ, làm tiểu luận hộ trên các mạng xã hội (ảnh chụp màn hình).

Chỉ cần lên mạng xã hội gõ "nhận làm bài thuê" thì kết quả xuất hiện rất nhiều nhóm công khai lẫn riêng tư nhận dịch vụ này. Trong một nhóm mang tên giúp đỡ làm tiểu luận, báo cáo, chuyên đề, luận văn thu hút đến gần 37.000 người tham gia hoạt động trao đổi, giao dịch diễn ra rất rộn ràng. Trên nhóm này, không khó thấy rất nhiều sinh viên, học sinh công khai nhờ người hỗ trợ thi lẫn thuê làm tiểu luận. Không chỉ cần hỗ trợ một môn, nhiều sinh viên nhờ người thi dùm đến 3-4 môn học và ngược lại có người quảng cáo thi hộ, làm tiểu luận tất tật các môn.

Một nhóm công khai khác cũng nhận làm bài tập thuê không cần cọc trước với hơn 17.000 thành viên tham gia cũng có hoạt động tương tự, thậm chí việc thỏa thuận giá cả diễn ra rất công khai. Có trường hợp sinh viên lên nhóm tìm người thi hộ cách thời gian thi chỉ vài tiếng đồng hồ thì lập tức có nhiều người nhận thi, cũng có trường hợp mới sinh viên năm nhất cũng cần người thi dùm.

Công khai dịch vụ thi online hộ, trường đại học xử lý thế nào? - 2

Công khai quảng cáo nhận viết tiểu luận, làm bài thi hộ (ảnh chụp màn hình)

Mới đây, một trường đại học tại TPHCM đã lên tiếng cảnh báo sinh viên phải nghiêm túc khi tham gia thi kết thúc học kỳ. Trước đó, trường này đã đình chỉ thi gần 80 trường hợp sinh viên và chấm 0 điểm vì vi phạm quy định thi trực tuyến của trường. Các sinh viên bị kỷ luật đình chỉ thi do thông qua camera và micro cán bộ coi thi phát hiện sử dụng tài liệu; nhờ người thi hộ; nhờ người hỗ trợ làm bài thi và làm bài theo nhóm hoặc trao đổi bài.

Trường ĐH tìm mọi cách chống gian lận trong thi trực tuyến

Thi và kiểm tra bằng hình thức online là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện tại, nhiều trường đại học cũng đã lường trước tình trạng gian lận có thể xảy nên đối phó ngay từ cách ra đề thi và hình thức đánh giá để giảm thiểu điều đó.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Truyền thông trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM cho biết suốt thời gian qua trường chưa ghi nhận được trường hợp nào vi phạm quy chế khi thi online. Bà Bích thừa nhận việc phát hiện gian lận trong thi cử ở hình thức thi trực tuyến là một khó khăn với các trường tất nhiên tình trạng này cũng không phải là mới mẻ. Trong bối cảnh học và giảng dạy online điều này đặt ra cho các trường bài toán về giám sát và cải tiến công nghệ, nghiệp vụ giám sát của cán bộ coi thi.

Công khai dịch vụ thi online hộ, trường đại học xử lý thế nào? - 3

Công tác coi thi trực tuyến của một trường đại học (ảnh: UEL)

Theo bà Bích, so với bình thường nhà trường phải tăng cường lực lượng giám sát coi thi để phát hiện nếu sinh viên cố tình gian lận. Bên cạnh đó, sinh viên trong quá trình thi bắt buộc phải điểm danh, bật camera suốt thời gian làm bài, vào phòng thi đúng quy định, thực hiện các quy định mà cán bộ coi thi hướng dẫn…

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết nếu chỉ tổ chức một phương thức đánh giá thì rất dễ xảy ra gian lận nên nhà trường phải đau đầu chuẩn bị kế hoạch thi kết hợp nhiều cách thức. Do đó, tùy theo đặc thù môn học, trường điều chỉnh cách thi và đề thi. Đối với các môn thi trắc nghiệm như ngoại ngữ thì sinh viên làm bài trên hệ thống LMS luôn được giám sát bằng camera và mỗi câu trắc nghiệm chỉ xuất hiện 3 phút để làm, không dừng lại quá lâu để có thể gian lận.

Đối với những môn dễ gian lận, yêu cầu giải toán thì trường áp dụng một số hình thức đánh giá khác nhau có kết hợp với vấn đáp hoặc tổ chức thi vấn đáp hoàn toàn. Những môn thi đề mở hoặc làm tiểu luận, trường này có kết hợp thêm nội dung vấn đáp trực tiếp để đánh giá thực chất người học.

"Có những môn dù thi theo hình thức tự luận hoặc nộp tiểu luận, nhưng vẫn dành khoảng thời gian từ 5 - 7 phút để giảng viên vấn đáp trực tiếp sinh viên. Vì vậy dù sinh viên có nhờ người làm hộ thì giảng viên vẫn có thể phát hiện mức độ hiểu bài, bài làm có phải thực chất của người học hay không", ông Nhân chia sẻ. Theo tiến sĩ Nhân, do lường trước mọi tình huống có thể xảy ra, khâu chuẩn bị thi tốn nhiều kỳ công nên học kỳ vừa qua chưa phát hiện sinh viên nào vi phạm.

Còn theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, việc thi hộ khi thi trực tuyến có xảy ra thì các trường sẽ có cách để giám sát. Như tại trường, giám khảo giám sát 24/24, sinh viên buộc phải có mặt suốt giờ thi thì mới chứng nhận bài làm.

Tương tự như thi trực tiếp, sau khi thi xong thì giám khảo 1 sẽ thu bài thi và giám khảo 2 sẽ giám sát sinh viên, nếu bất cứ sinh viên nào gian lận thì sẽ bị đình chỉ. Sau khi thi xong giảng viên sẽ chấm và nếu bài nào có dấu hiệu bất thường thì chấm hội đồng để thẩm định lại bài thi ấy.

Đối với các hình thức làm tiểu luận, luận văn, ông Sơn cho hay trường sẽ ra đề mở để sinh viên có quyền dùng tài liệu, nhưng sẽ có phần mềm để kiểm tra xem sinh viên có lấy bài của người khác không. "Ý tưởng mỗi người là không giống nhau, nếu nhờ người khác viết hộ thì người làm hộ cũng chỉ copy trên mạng lúc đó giảng viên khi chấm sẽ biết được ngay", ông nhìn nhận.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm