Công bố danh tính thí sinh gian lận điểm thi: Thẩm quyền thuộc cơ quan điều tra

(Dân trí) - Tại buổi họp báo sáng nay 26/3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc công bố danh tính thí sinh gian lận điểm thi sẽ phải tuân thủ một số quy định của luật pháp và thực tiễn điều tra của cơ quan chức năng.

Tại buổi họp báo định kì sáng 26/3, Bộ GD&ĐT đã công bố một số vấn đề quan trọng như: Hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); Chương trình giáo dục phổ thông mới; Chuẩn bị kì thi THPT quốc gia 2019; Tình trạng lạm thu trong nhà trường; Xử lý gian lận thi cử THPT quốc gia 2018…

Về việc xử lý gian lận thi cử, nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Theo ông Mai Văn Trinh, quan điểm của Bộ là sẽ xử lý nghiêm, xử lý đến cùng các đối tượng sai phạm trong khuôn khổ của quy chế thi và quy chế tuyển sinh. Đặc biệt, có thể thấy quyết tâm rất lớn của Bộ Công an, đã đầu tư về máy móc về con người.

Công bố danh tính thí sinh gian lận điểm thi: Thẩm quyền thuộc cơ quan điều tra - 1

Cục trưởng Mai Văn Trinh thanh tra khu vực chấm thi trắc nghiệm của Hòa Bình 

Theo quy chế, kết quả chấm thẩm định là kết quả của kì thi và được sử dụng để xét tuyển tốt nghiệp. Hiện, Sở GD&ĐT Hòa Bình, Sơn La đã có sự phối hợp rất tốt.

Theo công văn chỉ đạo, ngày 25/3, tỉnh Hòa Bình báo cáo kết quả cập nhật điểm thi nhưng đến thời điểm này Bộ vẫn chưa nhận được. Mặc dù vậy, Cục trưởng Trinh đánh giá đơn vị này khá nghiêm túc trong triển khai.

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra, có nên công khai danh tính các thí sinh và phụ huynh liên quan đến gian lận thi cử?

Ông Trinh cho hay, việc công khai danh tính các thí sinh phải tuân thủ hiến pháp 2013 và luật dân sự 2016, căn cứ vào thực tiễn của cơ quan chức năng trong quá trình xử lý. Do đó, công bố đến đâu thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra.

Công bố danh tính thí sinh gian lận điểm thi: Thẩm quyền thuộc cơ quan điều tra - 2

Việc chấm thi ở Hòa Bình theo đầy đủ các bước nhưng vẫn xảy ra sai phạm

Trước đó, tại Hòa Bình, dựa trên kết quả điều tra của cơ quan an ninh, Bộ GD&ĐT cho biết, có 64 thí sinh, trong đó 63 thí sinh năm 2018 và một thí sinh của năm 2017, đã được nâng điểm, do vậy, điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm đã công bố.

Có 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã được nâng điểm. Trong đó, môn có điểm nâng nhiều nhất là 9,25 điểm. Trong đó, có thí sinh được nâng điểm 3 môn cao nhất là 26,45 điểm.

Đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá, đây là sự can thiệp rất nghiêm trọng làm sai lệch kết quả thi. Người chịu thiệt thòi là thí sinh và mang lại hiệu ứng không tốt đối với xã hội. 

Về việc các thí sinh có điểm cao hiện nay đang học tại các trường ĐH, CĐ sẽ bị xử lý ra sao, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay, công việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường.

Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn tiếp theo, theo và có sự bàn bạc thống nhất nhưng trên tinh thần sẽ bám theo hai quy chế: Quy chế thi và quy chế tuyển sinh.

Mỹ Hà

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm