Con ôn thi quá đà đến mức có "biểu hiện lạ", cha mẹ lo lắng không dám ngủ

Quang Trường

(Dân trí) - Chị Thúy con đi khám bệnh sau nhiều lần con chán ăn, đau bụng lúc đang học khuya. Bác sĩ kết luận con bị viêm dạ dày, một số nguyên nhân có thể là do con căng thẳng và thức khuya trong thời gian dài.

Con có biểu hiện lạ vì ôn thi quá sức

Tan ca làm việc, chị Nguyệt Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) vội vã vượt qua 8km đường trong giờ tan tầm để kịp về đưa con trai đi học thêm. Con trai chị mặc nguyên bộ đồng phục từ lúc đi học ở trường về, khoác sẵn ba lô, tay cầm bánh mì và hộp sữa chờ mẹ.

Chị Hà chở con vượt qua thêm 8km đường tắc nữa để đến lớp học thêm. Đây đã là buổi học thêm thứ 3 của môn toán trong tuần.

Con bước vào lớp vừa kịp giờ, chị Hà thở phào nhẹ nhõm. Đến 20h30, chị nhờ chồng đón con đi học về.

Kể từ sau Tết nguyên đán, ngày nào cũng vậy, vợ chồng chị Hà thay phiên nhau đưa đón con đi học thêm 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh. Con học cả tuần từ sáng đến tối với hy vọng thi đỗ vào một trường THPT công lập ở Hà Nội.

Con ôn thi quá đà đến mức có biểu hiện lạ, cha mẹ lo lắng không dám ngủ - 1

Một học sinh giải quyết hàng "núi" bài tập mỗi buổi tối (Ảnh minh họa: Canva).

Con đi học thêm về, ăn tối và tắm rửa xong, đồng hồ đã chỉ quá 21h30. Chị Hà lại giục con ngồi vào bàn học đến 23 giờ. Những buổi phải ôn tập cho các kỳ thi thử tại trường, con thường rời khỏi bàn học sau 23 giờ.

"Chừng nào con còn học thì tôi chưa được đi ngủ. Nhiều hôm vì quá mệt, tôi định ngủ trước con nhưng không tài nào ngủ nổi vì trằn trọc lo cho con. Thỉnh thoảng, tôi lại sang phòng con xem thằng bé đã học đến đâu.

Có hôm, thấy con ngủ gục ngay trên bàn học, tôi xót xa. Tôi như "ngồi trên đống lửa" trong giai đoạn nước rút này", chị Hà nói.

Chị Hà cho biết, sau khi mắc Covid-19, sức khỏe của con trai chị không tốt như trước, con hay quên và mất tập trung. Điểm toán của con trong các bài kiểm tra định kỳ dưới trung bình, dù trước đó con từng là một học sinh giỏi toán.

Để có hy vọng đỗ vào lớp 10, chị phải tăng số buổi học thêm của con từ 4 buổi lên 8 buổi mỗi tuần.

Gần đây, nhà trường đã cắt giảm các môn học khác của con trên lớp để dành thời lượng ôn tập các môn toán, ngữ văn và tiếng Anh.

"Con bảo con rất mệt vì suốt 5 tiết, có khi cả ngày chỉ học 1 môn. Con chỉ tập trung trong khoảng 2 tiết đầu, đến tiết thứ 3 là chán nản. Tinh thần học tập của con sa sút hơn rất nhiều.

Phải học nhiều, thằng bé cứ về đến nhà là lăn ra ghế nằm, không muốn ăn cơm", chị kể.

Dạo gần đây, chị Hà thấy con có biểu hiện lạ khi thỉnh thoảng lại mang sách, truyện vào nhà vệ sinh đọc, có khi ngồi trong đó rất lâu mà không biết làm gì cả. Con cũng ngại giao tiếp hơn. Chị đang lo ngại con xảy ra vấn đề do áp lực của kỳ thi.

"Tôi rất lo lắng cho tình trạng của con nhưng không thể bảo con đừng học nữa. Nếu con không đỗ vào trường công, nhà tôi không có điều kiện cho con học trường tư với chi phí đắt đỏ, cũng không có nguyện vọng cho con học nghề.

Áp lực của kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội là quá lớn. Tôi về quê thấy học sinh ở quê và nhiều tỉnh khác cũng áp lực nhưng không đến nỗi vất vả và tốn kém như thế này. Mỗi tháng, tôi tốn gần 4 triệu tiền cho con học thêm", chị Hà than thở.

Con áp lực đến viêm dạ dày

Khi con bắt đầu vào học lớp 8, chị Vũ Thị Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) đã có nguyện vọng cho con thi vào Trường THPT Yên Hòa. Để thi đỗ, lịch học thêm của con chị dần lấp đầy tất cả các buổi nghỉ trong tuần ngay từ học kỳ 1 năm lớp 8. Cường độ học đó giữ nguyên cho đến nay.

Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội năm học 2022-2023, Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) có tỷ lệ chọi là 3,03, có điểm chuẩn cao thứ hai chỉ sau Trường THPT Chu Văn An, với 42,25 điểm.

Con ôn thi quá đà đến mức có biểu hiện lạ, cha mẹ lo lắng không dám ngủ - 2

Một số học sinh tìm thêm tài liệu trên mạng để học (Ảnh: Q.T).

Chị Thúy cho biết, trong các kỳ thi thử, con chị chỉ gần đạt mức điểm chuẩn của ngôi trường này. Vì vậy, đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Yên Hòa là một thử thách không nhỏ đối với con. Gia đình đang phải cân nhắc rất kỹ cho nguyện vọng 2 và 3 của con.

"Mục tiêu mà con và gia đình đặt ra là không nhỏ, vì vậy, ngay từ đầu năm lớp 8, cường độ học của con đã rất cao. Ngoại trừ các dịp lễ, tết ra, con không bao giờ có một ngày nghỉ trọn vẹn. Vì chịu áp lực từ sớm nên đến thời điểm này con đã quen, không phải "nước đến chân mới nhảy" như nhiều bạn.

Tuy nhiên, tôi lo ngại ở chỗ con đang ở tuổi ăn, tuổi lớn mà suốt ngày phải học, không có thời gian vui chơi. Hôm nào chẳng may giáo viên dạy thêm ốm hoặc có việc bận là con vui như Tết dù vẫn phải tự học ở nhà. Một đứa trẻ mới chỉ 14-15 tuổi không nên chịu áp lực quá lớn như thế. Biết là vậy nhưng con vẫn phải học vì tương lai", chị Thúy nói.

Chị Thúy cho biết, ngoài những bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ theo chương trình học, gần đây, con còn thường xuyên phải làm bài thi thử của nhà trường. Vì vậy, con liên tiếp phải ở trong trạng thái ôn hết kỳ thi này đến kỳ thi khác.

Tuần trước, chị Thúy con đi khám bệnh sau nhiều lần con chán ăn, đau bụng lúc đang học khuya. Bác sĩ kết luận con bị viêm dạ dày, một số nguyên nhân có thể là do con căng thẳng và thức khuya trong thời gian dài.

Áp lực của kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS.NGƯT Đặng Quốc Thống - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho rằng, chỉ có hơn 60% trong số hơn 100 nghìn học sinh lớp 9 tại thành phố này được vào học lớp 10 THPT công lập, đó là một trong những lý do mà kỳ thi này gây áp lực lớn lên học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Mặt khác, một số phụ huynh đòi hỏi con phải vào học trường chuyên, lớp chọn để không thua kém ai. Từ đó, họ bắt con đi học thêm quá nhiều khiến con rất vất vả.

"Nhiều người cho rằng chúng ta nên bỏ kỳ thi vào lớp 10 nhưng theo tôi, đã học là phải thi. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên coi đó là một bài kiểm tra kết thúc một giai đoạn học chứ đừng quá nặng nề với học sinh.

Học cái gì thì thi cái đó như những bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ trong chương trình học, tuy các em có một chút lo lắng nhưng không quá áp lực như kỳ thi chuyển cấp này.

Nếu em nào có nhu cầu, năng lực học THPT thì nên học tiếp. Em nào có khả năng, tố chất ở một lĩnh vực nghề nghiệp thì nên đi học nghề chứ không nhất thiết theo con đường học thuật. Nhiều em học nghề, có kỹ năng nghề tốt đang rất được thị trường lao động trong và ngoài nước chào đón, với những công việc và mức lương hấp dẫn", ông Thống chia sẻ.

Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, phương pháp dạy con, câu chuyện học sinh, sinh viên... tại ô bình luận bên dưới hoặc gửi về email: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cảm ơn!