Con nghỉ học dài tránh dịch Covid-19, bố mẹ chọn giải pháp gia sư online

(Dân trí) - Sợ con quên hết kiến thức do nghỉ học quá lâu trong mùa dịch bệnh Covid-19, nhưng lại lo lắng khi gia sư đến nhà dạy học, nhiều phụ huynh đã chọn cách cho con học online với gia sư.

Anh Mai Ngọc Tân, giáo viên Trung tâm bồi dưỡng kiến thức Trạng Nguyên (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, gần 2 tháng nay, anh chuyển sang dạy online sau khi Trung tâm được yêu cầu đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19.

Nam giáo viên cho biết, công việc gia sư online vẫn giống như dạy trực tiếp tại nhà, học sinh được bố mẹ trang bị cho điện thoại thông minh hoặc máy vi tính. Giáo viên và học sinh sẽ tương tác qua màn hình, với thời gian như các tiết học bình thường.

Con nghỉ học dài tránh dịch Covid-19, bố mẹ chọn giải pháp gia sư online - 1

Công việc gia sư online mùa dịch đang được nhiều trung tâm triển khai

“Do thời gian nghỉ học dài quá, nhiều gia đình đành phải chọn phương án này để đảm bảo con em mình không quên kiến thức mà vẫn hạn chế tiếp xúc với người khác. Công việc này đòi hỏi cả thầy và trò phải “làm bạn” với chiếc điện thoại trong khoảng 1,5 tiếng đồng hồ”, anh Tân nói và cho biết thêm, học phí dạy online cũng tương tự như dạy trực tiếp tại nhà.

Chị Bùi Thị Bích Trâm, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Hướng Dương (TP. Gia Nghĩa) cho biết, từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay, có hàng chục phụ huynh liên hệ với Trung tâm để tổ chức dạy online.

“Phụ huynh mong muốn làm sao duy trì được thời gian học của các cháu như bình thường, đồng thời củng cố, ôn tập kiến thức đã học. Nghỉ học lâu quá, nhiều phụ huynh cũng lo ngại con em mình sẽ mất kiến thức khi quay lại trường”, chị Trâm cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo người quản lý của Trung tâm này, nhu cầu của phụ huynh là cao, song số giáo viên không đáp ứng đủ. 

Con nghỉ học dài tránh dịch Covid-19, bố mẹ chọn giải pháp gia sư online - 2
Nghỉ học chống dịch, nhiều gia đình chọn cách thuê gia sư online cho con

“Hiện nay chúng tôi đang có khoảng 20 học viên đang theo học các lớp online. Dựa trên đề nghị của phụ huynh và của chính những học viên này, chúng tôi mở lớp miễn phí nhằm ôn luyện kiến thức cho các em. Tất cả các em này đều xác định xét tuyển vào các trường đại học nên rất có ý thức trong việc học”, chị Bích Trâm nói.

Theo tìm hiểu, từ đầu mùa dịch tới nay, nhiều phụ huynh tại TP. Gia Nghĩa cũng liên hệ với các trung tâm gia sư, dạy kèm trên địa bàn để dạy online cho con em mình. Nhiều phụ huynh còn đề xuất tăng buổi, tăng giờ học online, như là cách để “quản” con trong mùa dịch.

Con nghỉ học dài tránh dịch Covid-19, bố mẹ chọn giải pháp gia sư online - 3

Con tự học nhưng không hiệu quả, nhiều phụ huynh phải tìm gia sư online cho con trong mùa dịch Covid-19.

Chị Phí Thị Nguyệt, phụ huynh học sinh lớp 10 tại TP. Gia Nghĩa cho biết, trước đây con chị theo học các bài giảng trên một đài truyền hình, nhưng không hiểu gì. Sau đó, chị cùng một số phụ huynh khác tìm đến trung tâm gia sư để tìm giáo viên dạy online.

“Học online là lựa chọn “bất đắc dĩ” trong thời điểm này. Tuy nhiên, vì sợ con quên kiến thức nên buộc phải nhờ thầy dạy bài qua điện thoại. Các cháu học theo nhóm 3, 4 người nên việc học cũng rất vui vẻ, khá là hiệu quả. Cháu nói là vẫn hiểu bài như dạy học trực tiếp”, chị Nguyệt nói.

Tương tự, chị Tô Thị Hồng Loan (ngụ phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hiện chị đang cho hai cháu học lớp 3 và lớp 5 học hình thức online để các cháu không quên kiến thức đã học. Mỗi tuần các con chị học 3 buổi, mỗi buổi từ 30 phút đến 1 giờ.

“Ban đầu các cháu còn bỡ ngỡ chưa quen nên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được các giáo viên hướng dẫn nhiệt tình các cháu bắt đầu quen dần. Tôi cho các cháu học online môn tiếng Anh vì môn học này không có sự trau dồi sẽ nhanh quên và mất khả năng phản xạ nên tôi thấy đây là hình thức học tập phù hợp”.

Chị Võ Thị Cẩm Diệu, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Superkids (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, từ khi nghỉ học tập trung, phụ huynh học sinh có đề nghị trung tâm mở lớp học online hoặc giới thiệu giáo viên dạy online. Vì các em nhỏ ở tiểu học việc tiếp cận với kỹ thuật còn hạn chế nên hầu hết đơn vị chỉ triển khai ở các cấp lớn cấp 2 và chủ yếu là học sinh cấp 3.

“Dạy có khó khăn tiếp cận công nghệ thông tin nhất là vào các buổi đầu, chưa qua lớp online nên khó tiếp thu hơn. Các buổi học, học sinh sẽ tự học là chính, cô giáo luyện nói, luyện giao tiếp và ôn luyện lại kiến thức thức đã học”, chị Diệu cho hay.

Dương Phong - Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm