Con đỗ, mẹ lo

(Dân trí) - Nghe tin con đỗ đại học, chị Hương bảo có cảm giác mừng như trúng xổ số. Chỉ khác một điều trúng xổ số thì được nhận thưởng, còn con đậu đại học mừng thì mừng thiệt, nhưng nguy cơ… “sạt nghiệp” của cả gia đình đang rất gần.

Mừng ít, lo nhiều

 

Chị Nguyễn Thị Hương, quê Thái Bình, làm nghề buôn bán hoa quả rong ở Hà Nội. Nhà chị có 4 đứa thì 3 đứa vẫn đang còn đi học. Cả hai vợ chồng quanh năm làm lúa cật lực cũng chỉ đủ ăn. Những lúc nông nhàn chị lên Hà Nội nhận thêm việc buôn bán kiếm tiền cho con ăn học.

 

Thằng Hải con trai chị năm nay thi vào Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ban đầu chị nghĩ là cho nó đi thi để thỏa 12 năm đèn sách vì đứa con trai đầu tốt nghiệp phổ thông xong cũng đi phụ thợ nề với bố. Không ngờ Hải thi đỗ thật, với số điểm khá cao 24,5 điểm.

 

“Nuôi 3 đứa học phổ thông đã mệt, giờ nó đỗ đại học biết lấy đâu ra tiền cho nó lên Hà Nội ăn học đây. Học phí, tiền thuê trọ, tiền sách vở, rồi tiền ăn uống hàng tháng, tính sơ sơ cũng vài triệu đồng, biết lấy đâu ra?”, chị Hương thở dài.

 

Như chị lên Hà Nội buôn bán cũng phải tụm năm tụm bảy chị em ở chung một phòng, chắt chiu dành dụm lắm một tháng cũng chỉ được thêm vài trăm nghìn đồng. “Nhìn ánh mắt vừa háo hức vừa lo lắng của con mà mình thương quá, không biết rồi xoay sở ra sao để lo cho con vào đại học”, chị Hương tâm sự.

 

Cũng lâm vào cảnh nỗi lo át niềm vui con đỗ đại học là chị Trần Thị Yến, giáo viên của một trường trung học tại Hà Nội. Lương giáo viên 1,8 triệu đồng/tháng phải nuôi “2 người lành và 1 người bệnh”. Đó là chồng chị và 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Hơn 1 năm nay chị Yến phải xoay trăm đường để thuốc thang cho chồng.

 

Là hộ được xếp vào diện “nghèo” nhưng chồng chị lại bị căn bệnh của nhà giàu, bệnh “gút”. Thế nên lao động chính trong nhà chỉ mỗi mình chị. Tất cả khoản thu nhập ở trường, dạy thêm ngoài giờ làm cật lực cả tháng cũng chỉ đủ ăn. Biết mẹ vất vả, 2 đứa con càng chăm học cho bố mẹ vui lòng. Thế nhưng, nghe tin con đỗ đại học, lòng mẹ vui chỉ tày gang vì sẽ thêm trăm khoản cần phải chi tiêu cho con vào đại học.

 

Thời buổi xăng tăng giá, lương thực thực phẩm giá lên chóng mặt, một sự phát sinh ngoài ý muốn cần đến tiền thì cả nhà lao đao. “Mình đang nợ ngân hàng hơn 15 triệu đồng, giờ con vào đại học chắc lại một phen liều vay”, chị Yến nói mà gánh nặng trên đôi vai bé nhỏ của chị như càng nặng thêm.

 

Gian nan đường đến trường

 

Đỗ đại học có bố mẹ lo toan đã đành, nhiều trường hợp sinh viên vào đại học với hành trang chỉ có đôi bàn tay lao động của chính mình. Sinh viên Đức Dũng, chuyên ngành Tin học năm thứ 3 của Đại học Bách khoa Hà Nội kể: “Ba năm trụ học (chứ không phải trọ học như lời của Dũng - PV) ở Hà Nội là một khoảng thời gian lao động cật lực và một ý chí kiên cường của mình. Bạn cứ tưởng tượng ngày nhập học chỉ có trong túi hơn 600 ngàn đồng. Tưởng như nhiều lúc chuyện học phải ngắt lại vì khi nào cũng thường trực nỗi lo về tiền”.

 

Để trụ lại trên ghế giảng đường, Dũng đi làm đủ thứ nghề, miễn là kiếm ra tiền để sống và học. Từ đi dọn dẹp vệ sinh cho nhà hàng, phụ thợ nề, bán cà phê hay khá hơn là làm gia sư, Dũng đều đã trải qua. “Đồng tiền kiếm ra khó nên mình càng quyết tâm phải học. Học để sinh tồn”, Dũng nói. Hiện giờ thì Dũng sống có vẻ khá hơn khi cậu được một công ty tin học nhận vào làm ở phòng bảo hành, sửa chữa máy tính.

 

Là con trai như Dũng lăn lộn kiếm sống bằng chuyên môn của mình vất vả là thế, nhưng với cô bé Cẩm Lệ, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Kinh tế Huế, học đại học là cả giấc mơ. Năm ngoái, ngay khi nhận giấy báo đỗ, Cẩm Lệ không dám báo tin cho bố của mình. “Em sợ báo tin bố sẽ không cho đi học, hoàn cảnh gia đình của em quá khó khăn, em lại không muốn mình trở thành gánh nặng cho bố”, Lệ tâm sự.

 

Nhà Cẩm Lệ thuộc “xóm vạn đò” trên phá Tam Giang (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), gia đình có đến 7 chị em. Năm anh, chị đầu đều bỏ học sớm lao động kiếm tiền, chỉ mỗi Cẩm Lệ và đứa em sau cùng còn được đi học. Năm lớp 11, mẹ Lệ mất vì căn bệnh ung thư, chuyện học của em tưởng như phải chấm dứt. May có cô giáo và bạn bè động viên nên Cẩm Lệ mới được bố cho học tiếp.

 

Thế rồi thi đỗ đại học, để lo có tiền học phí, Cẩm Lệ đã nói dối bố lên thành phố phụ giúp dì buôn bán. Nhưng rồi bố em cũng biết, không ngờ ông quyết định bán luôn gia tài là con đò để có tiền cho Lệ theo học đại học. “Em cũng vừa xin được vay vốn tín dụng học sinh sinh viên 10 triệu đồng để theo học đại học. Không biết sau này ra trường có kiếm được việc làm để trả nợ không chứ nợ nần nhiều em lo lắm”, Lệ nói.

 

Thế Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm