Cô sinh viên phố núi “thổi hồn” vào những cuộn len

(Dân trí) - Cũng như nhiều sinh viên ở thành phố Buôn Ma Thuột, Bảo Trâm đã tìm được một nghề làm thêm để kiếm thêm thu nhập trong lúc đang học đại học, đó là nghề đan móc len. Không “chạy theo” những mẫu có sẵn, Bảo Trâm đã cách tân những họa tiết mang đậm chất Tây Nguyên để thổi hồn vào những cuộn len.

Bùi Thị Bảo Trâm hiện là sinh viên năm thứ tư, lớp Quản trị Kinh doanh K15 - Trường Đại học Tây Nguyên.

Cô sinh viên phố núi “thổi hồn” vào những cuộn len - 1

Cô sinh viên Bùi Thị Bảo Trâm “bén duyên” với nghề đan móc len để kiếm thêm thu nhập.

Trải lòng về cơ duyên đến với nghề, Bảo Trâm bộc bạch: “Kỷ niệm đầu tiên em khởi nghiệp nghề đan móc, đó là sau khi được chị gái đan tặng cho chiếc túi đựng điện thoại, có móc họa tiết núi rừng. Từ đó đã nhen lên trong em niềm đam mê len sợi và em quyết tâm học đan”.

Được chị chỉ cho cách móc len, Trâm học nghề rất nhanh. Nghề đan móc len này, theo Trâm không khó. “Chỉ cần chịu khó quan sát và phải có chút đam mê mới làm được. Công việc không bị áp lực như các bạn làm gia sư, hay phục vụ tiệc cưới, mà đòi hỏi, óc sáng tạo và tính kiên nhẫn cao. Tùy vào thời khoá biểu học mà em nhận hàng, nếu bận học thì nhận ít, rảnh thì nhận nhiều” - Bảo Trâm cho biết thêm.

Chia sẻ với chúng tôi, cô sinh viên 22 tuổi, có nụ cười hiền hòa, tâm sự: “Tuỳ mỗi sản phẩm, mà em được tiền công khác nhau, chẳng hạn, như móc túi xách, trung bình thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/1 túi. Những ngày đầu, em làm chậm nên thu nhập ít, nhưng nay quen tay nên sản phẩm làm ra nhiều, mỗi tuần nếu chăm chỉ đan, em có thể kiếm được khoảng 1 triệu đồng. Cứ 2 ngày em đan xong một chiếc túi”.

Đến nay, Bảo Trâm đã đan hàng trăm sản phẩm như túi xách, mũ, giày dép, thú bông... để sử dụng hoặc tặng người thân, ngoài ra còn để bán. Bên cạnh đó, cô không ngừng tìm tòi, học hỏi những trang web của nghệ nhân nước ngoài để trau dồi, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vừa làm, vừa học, Bảo Trâm say mê nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo từ len sợi, mở rộng bán thêm các mặt hàng như: len milk bò, sợi dù, sợi thô… Các sản phẩm của cô bắt kịp xu hướng thời trang hiện đại. Những chiếc túi được thiết kế kiểu dáng thanh lịch, với giá dao động từ 450.000 - 800.000 đồng, tuỳ từng loại.

Cô sinh viên phố núi “thổi hồn” vào những cuộn len - 2

Túi xách cách điệu hoa văn Tây Nguyên.

Ngoài ra, Bảo Trâm còn đang hướng tới việc thiết kế và lên mẫu sẵn để khách lựa chọn chứ không phải “ăn theo” những mẫu có sẵn. Vì thực tế, dù là hút khách nhưng những chiếc túi làm theo mẫu có sẵn này vẫn mang tiếng chạy theo thương hiệu nổi tiếng. Để có mẫu túi xách độc đáo, bản thân phải thiết kế tính toán số mũi móc, và tạo kiểu dáng khác lạ. Vì thế, Bảo Trâm đã mạnh dạn cách tân họa tiết Tây Nguyên trên từng túi xách để thể hiện nét đặc trưng riêng, mang đậm bản sắc văn hóa núi rừng, truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

Cô sinh viên phố núi “thổi hồn” vào những cuộn len - 3

Túi xách có họa tiết cách điệu hoa cúc quỳ.

Hiện khách hàng của cô không chỉ ở Buôn Ma Thuột mà còn mở rộng nhiều tỉnh lân cận. Bình quân mỗi tháng sau khi trừ các chi phí, cô thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng. Công việc hàng ngày của Bảo Trâm lúc rảnh rỗi là đan móc và cùng chị gái quản lý shop len sợi Cherry ở thành phố Buôn Ma Thuột). Bảo Trâm còn không ngại chia sẻ, hướng dẫn các bạn muốn học đan móc để có thể duy trì nghề đan móc được lâu dài.

Cô sinh viên phố núi “thổi hồn” vào những cuộn len - 4

Bảo Trâm cùng chị gái quản lý shop len sợi Cherry.

Dự định thời gian tới, Bảo Trâm sẽ dạy đan móc online và mở một cửa hàng đồ len, đồ lưu niệm cho khách du lịch với các mẫu cách điệu từ hoa văn Tây Nguyên, đồng thời, hỗ trợ các bạn sinh viên mới ra trường, chưa tìm được việc làm nhận hàng gia công để kiếm thêm thu nhập.

Có thể nói, qua bàn tay khéo léo của Bảo Trâm, họa tiết núi rừng đã được thổi hồn vào những túi xách. Do đó, sản phẩm của cô không chỉ thuần túy là đồ dùng, mà hơn nữa, nó còn kết tinh tâm huyết tình cảm của người đan len gửi gắm, với điểm nhấn là những nét hoa văn tinh tế, truyền thống của người bản địa Tây Nguyên. Bằng tình yêu với len sợi và đôi bàn tay “vàng”, cô sinh viên Bảo Trâm đã góp phần làm phong phú thêm nghề đan móc, vốn lâu nay dường như đang bị “thất sủng” trước các mặt hàng công nghiệp. Sự sáng tạo, đa dạng mẫu mã trong sản phẩm của cô đã mang đến cho khách hàng một cái nhìn thân thiện vừa hiện đại vừa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu thị hiếu hiện nay.

Tiến Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm