Cơ hội gặp gỡ GS Kỹ nghệ phần mềm của ĐH Carnegie Mellon
Hôm nay 17/10, Giáo sư Martin Radley, đại diện ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) sẽ đến Việt Nam. Các bạn trẻ đang theo học chuyên ngành công nghệ thông có thể tham dự buổi trò chuyện cùng Giáo sư Martin Radley vào sáng mai, 18/10 tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Chuyến thăm này là kết quả của việc kí kết hợp tác đào tạo chuyển giao chương trình đào tạo Kỹ sư Kỹ nghệ phần mềm của Trường ĐH Carnegie Mellon - CMU cho Liên hiệp các trường đại học và doanh nghiệp đào tạo CNTT (SEGVietnam).
Theo đó, hàng năm SEGVietnam sẽ cử các giảng viên Việt Nam sang tu nghiệp tại CMU, đồng thời, CMU cũng cử các giáo sư của mình sang Việt Nam tham gia giảng dạy các khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn, sẽ được triển khai tại các đơn vị thành viên của SEGVietnam (DTT-HanoiCTT, Đại học Dân lập Duy Tân, Đại học Dân lập Văn Lang).
Bên cạnh việc giảng dạy, các giáo sư CMU còn tham gia các hoạt động về học thuật do SEGVietnam tổ chức. Các hoạt động của SEGVietnam với sự tham gia của CMU, không chỉ có ý nghĩa đối với các sinh viên theo học chương trình này tại Việt Nam, mà còn có ý nghĩa đóng góp to lớn đối với cộng đồng những người hoạt động trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là lĩnh vực phần mềm; những bạn trẻ quan tâm và yêu thích lĩnh vực CNTT...
Các bạn trẻ đang theo học chuyên ngành công nghệ thông tin tại các trường đại học cũng như các bạn quan tâm và yêu thích lĩnh vực phần mềm có thể tham dự buổi hội thảo do DTT-HanoiCTT đại diện cho SEGVietnam tại Hà Nội tổ chức vào sáng ngày 18/10/2008 tại Trường Đại học Bách Khoa. Với mục đích chia sẻ tài nguyên của CMU, các bạn trẻ sẽ được tiếp cận với những tinh hoa của đào tạo kỹ nghệ phần mềm qua sự dẫn dắt của một trong những giáo sư giảng dạy kỹ nghệ phần mềm và quản trị dự án phần mềm nổi tiếng của CMU, Martin Radley.
Bài toán nhân lực phần mềm, đặc biệt là vai trò quản lí dự án phần mềm đang đặt ra một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Giáo sư Martin cũng dành một buổi nói chuyện chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về vấn đề này với những người giữ vị trí quản lí dự án đến từ các doanh nghiệp phần mềm. Buổi nói chuyện được tổ chức tại DTT-HanoiCTT (141 Lê Duẩn, Hà Nội) vào chiều ngày 18/10/2008.
Hợp tác với CMU trong việc triển khai các chương trình đào tạo chuyên ngành Kỹ nghệ Phần mềm tại Việt Nam sẽ đem lại nhiều ý nghĩa to lớn cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam; góp phần vào sự nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo CNTT, hướng tới mục tiêu cung ứng nguồn nhân lực phần mềm đạt chuẩn quốc tế cho chiến lược hội nhập kinh tế Quốc tế của nước nhà. “Trong xu hướng hội nhập WTO và mong muốn đưa nhân lực CNTT Việt Nam ra thị trường thế giới, chúng ta cần tham khảo các chuẩn quốc tế và có thể áp dụng theo những quy chuẩn này”, ông Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, bày tỏ.
Trả lời phỏng vấn của Saigon Computer World về ý nghĩa của việc “nhập khẩu” chương trình đào tạo mang thương hiệu CMU vào Việt Nam, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc DTT Group cho biết: “Nếu không đưa được chương trình CMU này vào Việt Nam thì trình độ nhân lực phần mềm khó được nâng cao. Chương trình đào tạo này cung cấp nguồn nhân lực CNTT có chất lượng, được các nhà tuyển dụng toàn cầu đón nhận. Điều ý nghĩa của chương trình này không chỉ ở giáo trình đào tạo, mà thông qua chương trình còn được tiếp cận với cái “nôi” công nghệ của thế giới, để theo kịp thế giới về tri thức trong lĩnh vực phần mềm”.