Có hay không việc phá vỡ kiến trúc ĐH Tổng hợp xưa?

(Dân trí) -Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH KHTN-ĐHQGHN) được xây dựng cách đây gần 1 thế kỷ (1927) do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Ernest Hébrard thiết kế. Gần đây một công trình mới đang được xây dựng trong khuôn viên nhà trường khiến một số cơ quan lên tiếng.

Cùng với bảo tàng của Viện Viễn Đông Bác cổ xây năm 1931 (nay là Bảo tàng Lịch sử) và Sở Tài chính Đông Dương xây năm 1931 (nay là Bộ Ngoại giao), ĐH Khoa học Tự nhiên được xem được xem là một trong 3 công trình lớn mang phong cách Đông Dương tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay. Thời gian gần đây, trong khoảng sân của trường xuất hiện công trình xây mới này nằm trên khoảng sân gần với khoa Hóa học. Hiện phần móng đã được đổ xong, mỗi cột cao khoảng 60cm. Theo đánh giá của các chuyên gia thì việc xây dựng công trình mới sẽ làm phá vỡ cảnh quan của một di sản kiến trúc quý giá. Câu hỏi đặt ra: Vì sao công trình xây dựng này lại được cấp phép? Mục đích xây dựng công trình là gì?
 

Chỉ là xây dựng tạm thời

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Đinh Văn Hường - Trưởng ban Chính trị và Công tác HSSV, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết: “Đây là một dự án quốc tế nhằm giúp Việt Nam nghiên cứu giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và góp phần xóa đói giảm nghèo. Một dự án lớn và rất có ý nghĩa đối với Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn chung về cơ sở vật chất của ĐHQGHN thì chúng tôi đã tạm xây phòng thí nghiệm tại địa điểm 19 Lê Thánh Tông để kết nối các máy móc thiết bị hiện đang có của nhà trường nhằm để đồng bộ thì mới vận hành được”.
 
Kiến trúc cổ của ĐH Tổng hợp xưa.

Kiến trúc cổ của ĐH Tổng hợp xưa.

Cũng theo ông Hường thì việc xây dựng này cũng chỉ là tạm thời để triển khai dự án cho kịp tiến độ và để đạt hiệu quả, mục đích đề ra như đã cam kết với đối tác quốc tế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 18/4/2012, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ Việt Nam đề nghị Chính phủ Nhật Bản cung cấp trang thiết bị phục vụ các hoạt động thử nghiệm năng lượng Biomass của Dự án hợp tác kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đồng thời giao cho ĐHQGHN tổ chức tiếp cận, sử dụng số trang thiết bị thực hiện Dự án.

Ngày 14/9/2012, ĐHQGHN đã có công văn đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm cho phép xây dựng “Nhà thí nghiệm” tại 19 Lê Thánh Thông để triển khai các thiết bị Dự án. Ngày 26/12/2012 UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp Giấy phép số 232/GPXD cho ĐHQGHN xây dựng công trình “Nhà thí nghiệm” tại 19 Lê Thánh Tông. Theo giấy phép này thì “Nhà thí nghiệm” được xây dựng quy mô 3 tầng, mái lợp tôn.
 
Công trình xây dựng đã hoàn thành phần móng và đang tạm dừng thi công

Công trình xây dựng đã hoàn thành phần móng và đang tạm dừng thi công để chờ quyết định mới.
 

Ngày 10/9/2013, ĐHQGHN đã tiến hành thi công “Nhà thí nghiệm” tại địa điểm trên. Ngày 4/10/2013, phần móng của công trình đã được xây dựng xong. Do có ý kiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thừa lệnh UBND Quận Hoàn Kiếm, UBND phường Phan Chu Trinh đã có công văn thông báo tạm dừng thi công xây dựng công trình chờ cấp có thẩm quyền xem xét. ĐHQGHN đã nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến của Quận Hoàn Kiếm, tạm dừng thi công công trình cho đến nay.

Trong thông báo tạm ngừng thi công xây dựng công trình ngày 4/10/2013 của UBND phường Phan Chu Trinh nhấn mạnh: Hiện công trình đang được thi công hạng mục móng theo đúng thiết kế phê duyệt, chưa phát hiện vi phạm các quy định về trật tự xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình Văn phòng ĐHQGHN tiến hành xây dựng công trình đã có nhiều ý kiến của nhân dân và cơ quan ngôn luận về việc xây dựng tại vị trí đang thi công. Do đó, đề nghị tạm thời ngừng thi công xây dựng.

Không xây dựng mới còn phá vỡ nghiêm trọng hơn

Giải thích thêm về việc bắt buộc phải xây dựng “Nhà thí nghiệm” ở 19 Lê Thánh Tông, PGS.TSKH Lưu Văn Bôi - Chủ nhiệm khoa Hóa (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) nhấn mạnh: “Có nhiều lý do dẫn đến việc phải xây dựng tại địa điểm này. Thứ nhất, các thiết bị viện trợ của Dự án phải sử dụng hệ thống thiết bị phụ trợ đã có của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tại đây mới hoạt động và phát huy được hiệu quả. Thứ hai, việc vận hành các thiết bị viện trợ được thực hiện hoàn toàn bằng lực lượng cán bộ là các giảng viên của Trường làm việc tại đây. Thứ 3, để nâng cao hiệu quả thiết bị, các máy móc viện trợ được dùng để nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ Dự án, đồng thời, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển Dự án trong tương lai”.
 
Muốn sử dụng các phòng hiện có bắt buộc phải phá tường để đưa

Muốn sử dụng các phòng hiện có bắt buộc phải phá tường để đưa thiết bị vào làm ảnh hưởng đến cấu trúc tòa nhà cổ.

PGS Bôi cũng cho biết, sở dĩ phải xây dựng Nhà thí nghiệm” mới mà không thể tận dụng các phòng đã có là do các thiết bị có kích thước lớn (3,0m*4,7m*3,4m), nếu cố đưa vào lắp đặt trong các phòng thí nghiệm hiện có, sẽ phải đục phá để mở rộng hệ thống cửa ra vào, sẽ ảnh hưởng xấu đến sự toàn vẹn của cấu trúc ngôi nhà cổ.

Minh chứng cho việc khó khăn, PGS Bôi trực tiếp đưa phóng viên đi quan sát trực tiếp thiết bị tại một kho hàng ở khu công nghiệp Nam Thăng Long. Có chứng kiến mới thấy sự “khổng lồ” của thiết bị này.
 
Thiết bị khổng lồ đang được để tạm ở kho hàng khu công nghiệp Nam Thăng Long.

Thiết bị "khổng lồ" đang được để tạm ở kho hàng khu công nghiệp Nam Thăng Long.

“Khi xây chúng tôi đã bàn rất là cẩn thận và sau đó quyết định chọn vị trí xây dựng “Nhà thí nghiệm” nằm sâu phía trong cùng khuôn viên của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, khuất sau nhà vệ sinh, cách mặt phố 19 Lê Thánh Tông khoảng 35m và cách các khối nhà cổ từ 8,5 m đến 27m” - PGS.TSKH Lưu Văn Bôi chia sẻ.

Được biết, sau khi nhận được thông báo tạm dừng xây dựng công trình, ĐHQGHN đã có công văn gửi UBND Thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, UBND Quận Hoàn Kiếm đề xuất: “Để bảo vệ di sản kiến trúc cụm công trình 19 Lê Thánh Tông và đảm bảo cho dự án được triển khai theo thỏa thuận với Chính phủ Nhật Bản, phát huy hiệu quả đầu tư vì lợi ích chung của đất nước, ĐHQGHN đề xuất giữ nguyên vị trí mặt bằng xây dựng, điều chỉnh quy mô xây dựng công trình chỉ cao 1 tầng. Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, ĐHQHN sẽ hoàn trả nguyên trạng mặt bằng sau khi dự án hoàn thành”.

Nguyễn Hùng