Có gỡ bỏ được rào cản “ngáng chân” đại học thực hiện tự chủ?

(Dân trí) - Dự thảo Luật Giáo dục đại học có cởi trói, giải quyết các nút thắt, "ngáng chân" để các trường đại học tự chủ tốt hơn? Liệu các trường có bị bỏ rơi khi không còn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước?

Sáng nay 16/11, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đại học - Nhìn từ chính sách, pháp luật”. Nhiều vấn đề vướng mắc trong thực hiện tự chủ của Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã được trường đại học, đại diện Bộ GD&ĐT, Ủy Ban văn hóa Giáo dục TTN&NĐ của Quốc hội thảo luận, giải đáp.


Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Vẫn phải ràng buộc nhiều

Năm 2014, để thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Chính phủ đã tiến hành thí điểm thực hiện tự chủ với các trường đại học công lập bằng Nghị quyết 77/NQ-CP. Thí điểm này để mở rộng tự chủ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Sau hơn 3 năm thực hiện, những kết quả bước đầu đã rất tích cực, nội dung của thí điểm cho 23 trường đại học của Nghị quyết 77/NQ-CP hiện nay đang được thể chế hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, mà Quốc hội dự kiến thông qua vào kỳ họp lần này.

Nội dung Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm trên 3 mặt: tự chủ về chuyên môn, nhân sự tổ chức và tài chính, tài sản.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, khi thực hiện thí điểm tự chủ, các trường đại học đã gặp rất nhiều rào cản. PGS. TS Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường gặp rất nhiều vướng mắc và khó khăn khi thực hiện tự chủ. Một trong vướng mắc lớn đó là hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước chưa được đồng bộ. Ví dụ như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Viên chức… chưa phù hợp với nội dung Chính phủ cho phép trường tự chủ.


PGS. TS Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Quang Khánh)

PGS. TS Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Quang Khánh)

Bà Thắng cho hay, một số nội dung trường được phép tự chủ nhưng trên thực tế không thực hiện được, ví dụ như việc liên kết sử dụng tài sản của nhà trường liên kết, liên doanh để phát triển đào tạo khoa học công nghệ. Các nguồn từ ngân sách Nhà nước như khoa học vẫn phải quyết toán theo Luật Ngân sách Nhà nước rất phức tạp, gây ra khó khăn trong quá trình thực hiện, không thể đẩy nhanh hơn được.

Ngoài ra, đối với quy định về Hội đồng trường trong Luật Giáo dục năm 2012 còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa phù hợp cho nên làm cho vai trò của Hội đồng trường trong việc quản trị nhà trường chưa được như kỳ vọng, mong muốn. Đối với chính sách miễn giảm thuế dịch vụ, còn chậm triển khai, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay chưa được triển khai…

Về vấn đề trên, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quan điểm sửa đổi luật là làm sao tạo hành lang pháp lý để các trường tự chủ một cách cao nhất. Hoạt động giáo dục đại học được chi phối bởi nhiều luật khác nhau, Luật cơ bản chỉ đạo đó là luật của ngành, còn các lĩnh vực khác lại do luật khác điều chỉnh.

Cụ thể, liên quan đến những nguồn thu được điều chỉnh bởi Luật Ngân sách nhà nước, con người thì theo Luật Viên chức; khoa học công nghệ lại do Luật Khoa học, công nghệ... Trong quá trình bàn để sửa đổi Luật Giáo dục lần này, cơ quan soạn thảo đưa một số quan điểm sửa đổi mang tính cởi trói, tháo gỡ những vướng mắc ở các luật khác vào trong luật.

Hiện nay, kỹ thuật lập pháp đang vướng, tức là luật này không thể sửa đổi các luật chuyên ngành khác như Luật Ngân sách, Luật Viên chức, Luật Khoa học công nghệ, mà phải có bước tiếp theo; sau luật này Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Quốc hội phải nghiên cứu để đề xuất sửa các luật chuyên ngành khác, thì lúc đó mới có thể tháo gỡ những điểm ngẽn trong quá trình phát triển của các cơ sở giáo dục đại học.


TS Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: Quang Khánh)

TS Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: Quang Khánh)

Theo ông Thắng, ở đây có một điểm rất đáng chú ý đó là phân cấp, phân quyền từ cơ quan quản lý. Những việc trước đây mà Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp thì nay phân cho cơ sở giáo dục đại học thông qua cơ chế giao quyền cho Hội đồng trường. Đây là điểm mới, đánh giá cao quan điểm của Ban soạn thảo...

Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc sửa đổi luật lần này chưa được như mong muốn, tất cả những chính sách hoạt động của nhà trường có thể tháo gỡ được hay không, nhưng điểm quan trọng nhất của tự chủ là tháo gỡ về cơ chế tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tự chủ đã được thể hiện trong luật này. Như vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần có nghiên cứu sửa đổi các luật khác tạo điều kiện cho các trường phát triển.

Thách thức đối với các trường đại học

Mặc dù được tự chủ, có nghĩa là được trao quyền nhiều hơn khi quyết định các vấn đề về tài chính, nhân sự, học thuật. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường đại học vẫn lo lắng vì sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách nhà nước, mà bị bỏ rơi.

Về cách nhìn nhận này, PGS.TS Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, tự chủ - nghĩa là các trường phải tự xây dựng thương hiệu bằng chất lượng, để Nhà nước đủ tin tưởng “đặt cọc”, “đặt hàng” đào tạo. Trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học không có nội dung nào bỏ rơi các trường công lập tự chủ. Chỉ là cách thức sẽ phân bổ về sau này sẽ có cơ chế đặt hàng để các trường phải cạnh tranh nhau, kể cả công lập và ngoài công lập đều phải thực hiện cơ chế đó. Các trường ngoài công lập nếu đủ điều kiện vẫn được Nhà nước đặt hàng và đầu tư kinh phí như các trường công lập.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và ông Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học tại buổi tọa đàm

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và ông Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học tại buổi tọa đàm

Theo ông Việt, khi luật được thông qua, các trường sẽ phải vượt qua 3 thách thức lớn để có thể nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, kể cả công lập và ngoài công lập:

Thứ nhất, phải đổi mới năng lực quản trị của nhà trường để làm sao tận dụng hiệu quả nhất các nguồn lực (đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính) để vận hành cho hiệu quả.

Thứ hai, giải trình và chịu trách nhiệm trước xã hội, trước các cơ quan quản lý, trước người học. Ví dụ, trước cơ quan quản lý hiện nay, giao tự chủ rồi, thí điểm 2 - 3 trường và sau đây giao tự chủ đồng loạt theo những nội dung Dự thảo Luật sẽ thông qua.

Như vậy, tự chủ không có nghĩa là làm gì thì làm, tự chủ phải theo khuôn khổ của pháp luật, theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ chuyên ngành, phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra của Bộ, quản lý của Nhà nước.

Ông Việt cho rằng, hiện nay có tâm lý, nhiều trường được giao tự chủ hơi “run”. Những tiêu chí, tiêu chuẩn trước khi giao tự chủ được Bộ GD - ĐT kiểm soát và cấp phép mã ngành, cấp phép đào tạo trong và ngoài nước, và kiểm tra các tiêu chí, tiêu chuẩn, xong mới cấp phép. Nhưng bây giờ, giao tự chủ nghĩa là các trường được tự làm, song nếu không đúng sẽ bị “thổi còi”. Đây là một thách thức lớn, đó là giải trình và chịu trách nhiệm trước xã hội, trước cơ quan quản lý Nhà nước, trước người học.

Thứ ba, phải tự xây dựng thương hiệu. Có thương hiệu thì Nhà nước mới đặt hàng đào tạo, tổ chức nghiên cứu khoa học…

“Dự thảo Luật đang định hướng như vậy chứ không phải các trường công được giao tự chủ thì Nhà nước sẽ bỏ rơi” - ông Việt nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, chi phối vào các trường đại học về mặt pháp lý không chỉ có Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục mà còn có nhiều Luật khác như Luật Công chức viên chức, Luật Ngân sách nhà nước... khi những Luật này có những yếu tố cản trở đối với tự chủ ĐH sẽ dẫn tới khó khăn cho các trường ĐH. Như vậy, việc thể chế hóa trong văn bản cao nhất của giáo dục đại học rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý vững chắc, lâu dài cho các trường đại học thực hiện việc tự chủ của mình.

Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này cũng chưa sửa đổi hết được vì có các Luật chuyên ngành khác. Sau này khi sửa đổi các Luật khác cũng phải có sửa đổi tương ứng để giúp cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Lần này, 3 nội dung lớn của tự chủ về chuyên môn, học thuật; tổ chức, nhân sự; tài chính, tài sản đều đưa vào trong dự thảo, tạo điều kiện cho các trường khi thực hiện.

Thứ trưởng Phúc cho rằng, không chỉ với cơ sở giáo dục đại học công lập, nội dung tự chủ được mở rộng các cơ sở giáo dục đại học tư thục, đặc biệt là nội dung liên quan đến vấn đề chuyên môn học thuật, như mở ngành, liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế... Các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục bình đẳng như nhau, chỉ căn cứ trên vấn đề bảo đảm chất lượng.

Đây là những nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển, để tạo sự cạnh tranh bình đẳng, năng động và hướng tới chất lượng cao hơn, hiệu quả tốt hơn của toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đang được lấy ý kiến để QH thông qua tới đây, có thể nói điểm mấu chốt được thể hiện rất rõ trong luật đó là tạo hành lang pháp lý, tạo được các cơ chế để các cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ một cách mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất.

Cụ thể, trong khuôn khổ quy định của pháp luật, những gì có thể đã được giao cho các trường, quyền năng, trách nhiệm rất lớn để thay mặt các cơ quan quản lý để thực hiện chức năng quản lý, quản trị cơ sở của mình. Các ý kiến của các ĐBQH tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật đều đánh giá cao, Dự thảo đã được thực hiện công phu, nghiêm túc, có nhiều quan điểm đổi mới.

Hồng Hạnh (ghi)