Cô giáo tương lai “uể oải” tinh thần
(Dân trí) - Đối diện với nhiều áp lực, trong đó có áp lực nghề nghiệp, các cô giáo tương lai đang đối diện với rất nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Cảnh báo này được đề cập trong bài nghiên cứu “Nữ sinh Sư phạm và vấn sức khỏe tâm thân” của tác giả Hoàng Anh Phước (ĐH Sư phạm Hà Nội) vừa công bố tại hội thảo khoa học toàn quốc “Sức khỏe tâm thần trong trường học” diễn ra tại Đồng Nai trong hai ngày 7 - 8/6.
Khảo sát được thực thiện với 300 nữ sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy họ gặp 11 vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tâm thần nữ sinh đã gặp phải ở nhiều mức độ. Trong đó, có các vấn đề nổi cộm như lo lắng; mệt mỏi, suy nhược cơ thể; giảm khả năng tập trung chú ý; cảm thấy áp lực, căng thẳng… Trầm cảm chưa nhiều nhưng cũng đã xuất hiện.
Nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề sức khỏe tâm thần ở các cô giáo tương lai là do áp lực học tập, nghề nghiệp (71%); phương pháp học tập và ôn thi thiếu khoa học (68,7%); do ít vận động (66,7%); do chế độ ăn uống không hợp lý (65%)…
Theo tác giả, SV nói chung thường phải chịu áp lực từ việc học tập, thi cử, đặc biệt các em lo lắng vào trước vào sau mỗi kỳ thi. Qua phỏng vấn, nhiều nữ sinh chia sẻ các em ôn thi theo cách “nước đến chân mới nhảy”. Đầu kỳ đi học về rồi để đấy, gần ngày thi mới thức đêm triền miên để học.
Ngoài ra, nữ sinh sư phạm chịu áp lực nghề nghiệp rất lớn trước thực trạng thừa thầy thiếu thợ trầm trọng như hiện nay, khi SV ngành Sư phạm ra trường thất nghiệp ngày càng cao. Điều này, khiến nhiều em hoang mang, lo lắng cho tương lai, một số em chán chường bỏ bê việc học.
Điều kiện sống không đảm bảo tác động không nhỏ đến sức khỏe tâm thần của nữ sinh cũng được cảnh báo. Phần lớn nữ sinh Sư phạm đến từ các tỉnh, các bạn phải thuê trọ hoặc ở ký túc xá. Họ phải đối diện với cuộc sống ở trọ đông đúc, hay mất trộm; ký túc cũng chật chội, hay đối diện với tình trạng mất điện, nước…
Hoài Nam