Cô giáo trường nghề miền núi thi tay nghề ngay trong khu cách ly
(Dân trí) - Huyện Yên Dũng là tâm dịch của tỉnh Bắc Giang ngay đúng ngày tham gia thi hội giảng nhưng cô Giáp Thị Thức vẫn nỗ lực tham gia hội thi tay nghề ngay trong khu cách ly và xuất sắc giành giải Nhì.
Bén duyên với nghề may tại ngôi trường miền núi
Đến với nghề may vì nhu cầu của thị trường đang cần nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng cao, phần vì cũng yêu thích với nghề "làm đẹp cho đời".
Cô Thức chia sẻ: "Lúc đầu, mình lựa chọn nghề may là theo nhu cầu thị trường, nghề may đang phát triển rất nhiều doanh nghiệp may mới được xây dựng, thời điểm đó ra trường rất dễ xin việc làm.
Sau đó, mình lại thấy nghề may là một trong những nghề làm đẹp cho đời, làm đẹp cho bản thân mình và cho người khác thì bắt đầu thấy thích nghề. Đến khi ra trường đi làm trong doanh nghiệp thì mình thấy nghề may rất đa dạng về vị trí việc làm, mức thu nhập.
Nghề may có thể làm việc tại nhà, làm mọi lúc nên với các chị em phụ nữ phải chăm lo cho gia đình, con cái thì vẫn có thể kết hợp làm nghề ở nhà".
Hai lần được mời về giảng dạy tại trường, cô Thức đã từ bỏ một công việc lương cao ổn định để quyết định với công việc giảng dạy, truyền đạt kỹ năng nghề "làm đẹp cho đời" đến những em học sinh khó khăn miền núi.
Kể về ngôi trường mà cô Thức đã gắn bó 12 năm qua, cô tâm sự: "Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế nằm trên địa bàn huyện vùng núi, học sinh của trường đa số là con em dân tộc và thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhà các em khá xa trường, nhiều em không có phương tiện đi lại nên cũng hay nghỉ học.
Mặt khác, đa số phụ huynh vẫn có tâm lý thích cho con vào các trường phổ thông công lập nên việc tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn, giáo viên phải đi đến từng nhà học sinh để tư vấn giúp phụ huynh và các em hiểu rõ hơn về học nghề.
Nhà trường cũng lập một quỹ (trích từ tiền lương của giáo viên và sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, các em học sinh trong trường) để hỗ trợ giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn như mua xe, mua sách vở, mua quần áo cho các em được đến trường".
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ban giám hiệu nhà trường luôn đầu tư trang thiết bị máy móc nhiều, hiện đại, theo sát với thực tế trong doanh nghiệp nên chất lượng đào tạo tốt. Mỗi khóa học sinh ra trường đều có các doanh nghiệp đến liên hệ để đón các em đi làm ngay.
Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng giảng dạy, nên luôn ưu tiên cho việc nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng tay nghề cho giáo viên. "Với những nỗ lực của Ban Giám hiệu, cán bộ giáo viên nhà trường mấy năm trở lại đây các em học sinh đến với trường ngày càng đông hơn", cô Thức nói.
Tham gia hội giảng ngay trong khu cách ly
Tại thời điểm thi Hội giảng, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Bắc Giang, đặc biệt là huyện Yên Thế trở thành tâm dịch của tỉnh Bắc Giang. Chủ tịch UBND Huyện Yên Thế quyết định thiết lập vùng phong tỏa, cách ly y tế, việc tổ chức Hội giảng gặp những khó khăn nhất định.
Nhưng cô Thức đã cùng tổ kỹ thuật, các em học sinh nỗ lực cố gắng quyết tâm tham gia Hội giảng với tâm thế sẵn sàng và không ngại gian khó.
"Mình và một số thầy, cô trong tổ kỹ thuật hỗ trợ bài giảng do ở huyện khác nên không thể vào Yên Thế để chuẩn bị cho bài trình giảng, phòng trình giảng. Học sinh tham gia bài trình giảng có em ở vùng đỏ, em ở diện F1, F2 phải cách ly nên cũng không tham gia chuẩn bị bài giảng được.
Sát ngày thi cô, trò, tổ kỹ thuật phải lên cách ly tại trường để chuẩn bị phòng trình giảng và bài trình giảng. May mắn thay, hội giảng diễn ra tốt đẹp và mình giành giải Nhì trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021", cô Thức bộc bạch.
12 năm gắn bó với công tác giảng dạy, cô Thức đã đạt: Giáo viên giỏi cấp cơ sở; Giải ba hội giảng giáo viên dạy nghề cấp tỉnh Bắc Giang lần thứ VIII năm 2017; Giải nhì hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021; Năm 2015, 2016, 2017, 2019 nhận giấy khen của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang.
Mỗi khóa học sinh ra trường đều để lại một phần kỷ niệm trong trái tim nữ giáo viên. Cô Thức tâm sự: "Những năm đầu tiên đứng trên bục giảng cùng với khóa học sinh đầu tiên của trường là để lại dấu ấn sâu đậm nhất với mình. Thấy các em hăng say học nghề mình lại muốn được chia sẻ, truyền đạt những gì mình đã được học, được trải nghiệm với các em.
Những ngày lễ 20/11, Tết Nguyên đán các em đã vượt gần 30 cây số bằng chiếc xe đạp để đến tận nhà cô chúc mừng. Chính những điều đó khiến cho mình từ một người không thích đứng trên bục giảng trở nên yêu nghề, yêu trò và cố gắng vì các học trò của mình".
Ngoài ra, kỷ niệm khiến cô in sâu trong tâm trí là hình ảnh ba mẹ con, bà cháu bồng bế nhau đi học. "Cô con dâu mới sinh bé được hơn hai tháng tham gia lớp học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, hôm nào đến lớp học cũng có mẹ chồng bế em bé theo vì em bé không ăn sữa ngoài.
Chỉ hôm nào trời mưa không đưa em bé theo được thì em học viên đó đến lớp học một lúc rồi xin về sớm cho em bé ăn sữa. Cứ như vậy suốt ba tháng. Bạn ấy bảo học may dễ học, dễ xin việc, lại có rất nhiều công ty, nhiều xưởng gần nhà rất tiện. Vì con nhỏ nên bạn ấy học may để làm ở nhà có thời gian chăm con", cô Thức kể.
Để nâng cao hiệu quả giảng dạy, cô Thức thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đi thực tế tại các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt những đổi mới về thiết bị, công nghệ. Thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp để thay đổi, cập nhật, chỉnh sửa chương trình đào tạo cho phù hợp.
Bên cạnh đó là lắng nghe học sinh chia sẻ trong học tập, cuộc sống để hiểu các em hơn, có phương pháp phù hợp. Cô giáo trường nghề này luôn có quan điểm: "phải làm cho các trò nhìn (nhìn để noi gương), phải nghe các trò nói (mới biết các em đang nghĩ gì, cần gì). Từ đó sẽ biết mình cần phải làm gì".
Khi được hỏi về mong muốn của bản thân trong tương lai, cô Thức tâm sự: "Mình mong muốn sẽ đào tạo được nhiều học sinh có kỹ năng tay nghề cao, đáp ứng được ngày càng nhiều các nhu cầu của doanh nghiệp. Và mình cũng muốn truyền được ngọn lửa yêu nghề (sư phạm) tới nhiều học trò hơn nữa vì giáo viên dạy nghề hiện tại còn gặp nhiều khó khăn nên có nhiều người muốn ra ngoài doanh nghiệp làm việc".