Cô giáo trẻ say nghề đạt giải Nhất cuộc thi tìm hiểu về Bác Hồ

(Dân trí) -Liên tục được nhận bằng khen về giảng dạy và giải thưởng ở các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, mới đây, cô giáo Tố Uyên (sinh năm 1987) xuất sắc giành giải Nhất toàn quốc cuộc thi “Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu”.

“Bài dự thi của tác giả Ngô Tố Uyên được Hội đồng ban giám khảo đánh giá là tuyển tập bài viết có chất lượng, hấp dẫn cả về nội dung và hình thức. Tác giả đã sưu tầm hết sức công phu, các bài viết có chất lượng cao, được sắp xếp với bố cục khoa học, logic; các nguồn dẫn trung thực, đáng tin cậy”, ông Chu Tuấn Thanh - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc, thành viên ban giám khảo cuộc thi cho biết.
 
Cô giáo Ngô Tố Uyên luôn yêu thích các cuộc thi tìm hiểu kiến thức.
Cô giáo Ngô Tố Uyên luôn yêu thích các cuộc thi tìm hiểu kiến thức.
 
Cô giáo Hóa học say mê Lịch sử

Cô Ngô Tố Uyên tốt nghiệp trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, hiện là giáo viên Trường THPT Minh Hà (Quảng Yên, Quảng Ninh). Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), bố mẹ đều là Đảng viên, bố là thương binh hạng 4/4, từ nhỏ, cô Tố Uyên đã yêu thích tìm hiểu các kiến thức lịch sử, đặc biệt là sưu tầm những cuốn sách viết về Bác Hồ. Chính vì vậy, khi Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh phát động cuộc thi ''Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu'' nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh nhật Bác, cô đã quyết định tham gia ngay.

Vừa tham gia công tác giảng dạy, vừa bận việc gia đình, lại phụ trách hoạt động Đoàn ở trường nên quỹ thời gian của cô giáo trẻ Tố Uyên khá eo hẹp. Nhưng cô vẫn tranh thủ tìm tư liệu và chuẩn bị bài dự thi vào những tiết trống không phải lên lớp, buổi tối và ngày nghỉ trong tuần. Chính niềm đam mê từ thuở bé đã giúp cô thuận lợi trong việc sưu tầm các tài liệu viết về Bác, cô tìm từ rất nhiều nguồn như thư viện của trường, tủ sách của Đoàn thanh niên, trên mạng internet...

Nhà trường và gia đình đã động viên cô rất nhiều trong quá trình tham gia cuộc thi, mọi người thường xuyên hỏi tiến độ đến đâu, cô cần giúp đỡ gì không. Đặc biệt, bố cô còn chăm chút đến từng chi tiết cho bài dự thi của cô con gái. Ông đã tìm giúp cô một cửa hàng in màu ưng ý.

Là một giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên nhưng cô Tố Uyên vẫn yêu thích, say mê các môn khoa học xã hội. Cô cho biết: ''Với tôi, môn học nào cũng có đặc trưng và thú vị riêng, ''văn học là nhân học'', còn lịch sử giúp mình hiểu được quá khứ, hiểu quá khứ mới có thể yêu hiện tại và cố gắng vì tương lai. Hơn nữa, một giáo viên khi giảng dạy để thu hút được học sinh, không chỉ cần sự chắc chắn về kiến thức chuyên môn, mà còn cần những kiến thức liên môn. Tham gia cuộc thi giúp tôi giảng dạy những tiết ngoài giờ lên lớp về Đảng, Bác Hồ, bản sắc văn hóa dân tộc hay và sinh động hơn''.
 
Cô giáo Ngô Tố Uyên và các em học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi Hóa
Cô giáo Ngô Tố Uyên (mặc áo dài hoa) và các em học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi Hóa lớp 12A2, trường THPT Minh Hà.

Thay đổi bố cục bài dự thi vào phút chót

Kỷ niệm đặc biệt với cô giáo Tố Uyên trong quá trình tham gia cuộc thi là việc xây dựng bố cục bài dự thi. Ban đầu, khi mới bắt tay vào làm, cô sắp xếp các tư liệu tìm được theo từng dân tộc thiểu số khác nhau, ví dụ Bác Hồ với dân tộc Dao, Bác Hồ với dân tộc Tày... Ưu điểm của cách sắp xếp này là thể hiện được sự đa dạng về tình cảm của Bác với các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cô nhận thấy nên sắp xếp tư liệu theo từng giai đoạn hoạt động cách mạng của Người.
 

Năm 2011, cô Ngô Tố Uyên đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp trường. Cô cũng là giáo viên trẻ 2 năm liền có học sinh đạt giải Nhất tỉnh Quảng Ninh môn Hóa học (năm học 2011-2012 và 2012-2013); đạt giải thưởng, bằng khen ở các cuộc thi: “75 năm lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam”, “Hiến kế tặng Đoàn”, “Bác Hồ với các dân tộc thiểu số - các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu.”; “LLVTND tỉnh Quảng Ninh - Lịch sử và những chiến công”; “Bình đẳng giới”...

Lúc đó cô đã làm được khoảng 400 trang, nếu thay đổi bố cục bài thi thì coi như phải làm lại từ đầu. Trong lúc phân vân, cô quyết định hỏi ý kiến cô Bùi Thị Ngọc Bách - phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Hà và cũng chính là giáo viên dạy Sử của cô khi học cấp ba và được cô khuyên nên chọn cách thứ 2. Và cô Tố Uyên đã mạnh dạn thay đổi lại toàn bộ bố cục bài thi khi hạn nộp bài chỉ còn hơn 1 tháng.

“Nên đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy”

Cô Tố Uyên cho rằng, khi giảng dạy lịch sử ở các trường phổ thông, ngoài những kiến thức sách giáo khoa, giáo viên cũng có thể kể thêm những câu chuyện lịch sử thú vị gắn với một sự kiện nào đó trong bài học để tăng hứng thú cho học sinh. Và các trường cũng có thể nghiên cứu đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy để tăng sự hiểu biết và nhân lên niềm tự hào của các em học sinh.

''Trong môi trường sư phạm, hình tượng của các thầy cô giáo là vô cùng quan trọng, và ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, hành động cũng như cách xử sự của học sinh. Thí dụ, các bạn tôi nghĩ rằng tôi sẽ thi kinh tế, thì tôi lại làm hồ sơ thi sư phạm, người khiến tôi quyết định theo nghề giáo chính là mẹ của tôi, và cô Bùi Thị Ngọc Bách. Cả hai đều là những người thầy rất tuyệt vời. Một người thầy luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, sáng tạo, phát huy tính độc lập cho học sinh, đồng thời giản dị và hiểu tâm sinh lý các em thì chắc chắn sẽ đào tạo được những thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh'', cô chia sẻ những quan điểm sâu sắc về nghề giáo. Và có lẽ cũng chính cách làm mới mình trong từng bài giảng đã giúp cô được nhiều các em học sinh yêu mến.

Với phương pháp giảng dạy sáng tạo, cô giáo Tố Uyên

Với phương pháp giảng dạy sáng tạo, cô giáo Tố Uyên được nhiều học sinh yêu mến.
 
Phương Nhung