1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Cô giáo tâm sự: Giáo viên cũng áp lực khi ôn thi tuyển sinh lớp 10

(Dân trí) - Thông thường sau khi học sinh lớp 9 thi xong học kì 2 thì các trường THCS bắt đầu tổ chức bồi dưỡng 3 môn thi tuyển sinh lớp 10 (Toán, Văn, Anh). Đây được coi là giai đoạn chạy nước rút của cả thầy và trò. Không chỉ học sinh căng thẳng, lo lắng mà ngay cả giáo viên dạy cũng cảm thấy chịu không ít áp lực.

Bản thân tôi đã từng nhiều năm ôn thi cho các em nên tôi cảm nhận rất rõ điều này. Năm nào gặp học sinh chăm ngoan, đậu cao thì cả thầy và trò đều vui mừng. Còn năm nào gặp học trò lười học, có em bị điểm liệt thì ôi thôi, giáo viên lãnh đủ sự buồn tủi. Khi ấy thầy cô còn phải viết giải trình lí do vì sao học sinh bị điểm liệt. Chưa kể một số phụ huynh thì xì xào thầy cô chưa có kinh nghiệm bồi dưỡng. Họ còn so sánh cô này với cô kia giỏi hơn... Nói chung là giáo viên bồi dưỡng buồn hết sức.

Thực ra đề thi tuyển sinh lớp 10 của khối không chuyên không quá khó. Các kiến thức tập trung khoảng 75% trong sách giáo khoa. Những em học sinh học lực trung bình có thể làm được 50%. Tuy nhiên, nhiều em vì lười học bài nên kiến thức hổng quá nhiều. Những ngày ôn thi giáo viên phải củng cố lại gần như hết lí thuyết. Nhiều bài tập dạng nhận biết thông thường mà học sinh cũng không làm được.

Đã vậy, nhiều học trò còn cúp tiết trốn học đi chơi. Ngày nào giáo viên cũng phải gọi điện thông báo để phụ huynh biết. Dường như khái niệm học bây giờ với các em là xa vời. Một số em đến lớp với thái độ miễn cưỡng, gượng ép. Nhìn cảnh ấy tôi chẳng biết nói sao nữa.

Chỉ còn hơn hai tuần nữa là các em bước vào kì thi tuyển sinh lớp 10. Bên cạnh một số em học hành nghiêm túc thì vẫn còn rất nhiều em lơ là việc học. Nhiều em coi việc thi tuyển không quan trọng. Có em còn suy nghĩ, trước sau gì chẳng đậu. Không vào trường này thì vào trường khác. Mang tâm lí ấy nên một số em có thái độ bất cần. Chỉ đến khi nhận kết quả mới “ngã ngửa” vì ân hận.

Những ngày này, giáo viên bồi dưỡng lúc nào cũng phờ phạc với công tác ôn thi. Lượng kiến thức thì rất nhiều. Bản thân giáo viên phải hệ thống lại tất cả kiến thức từ đầu năm đến giờ. Làm sao để truyền tải đến các em một cách dễ hiểu nhất. Nhiều lúc vừa dạy vừa dỗ các em học. Những nội dung rất đơn giản mà tôi cứ phải nói tới nói lui mãi các em mới hiểu bài. Giá như các em chịu học từ đầu năm thì đâu đến nỗi, đằng này cứ nước đến chân mới nhảy, thành thử khổ cả cô và trò.

Mặc dầu vậy, tôi cũng chẳng dám gây áp lực lên các em. Tôi chỉ biết động viên các em cùng cố gắng. Mỗi lần các em giải xong được các bài tập là tôi thở phào nhẹ nhõm. Lúc nào cũng phải khen trò giỏi để các em còn đến lớp, chứ nặng lời là mai trò nghỉ ngay. Buồn thế mà chúng tôi vẫn phải cố gắng để vượt qua.

Mỗi ngày đến trường, ban giám hiệu luôn nhắc nhở: “Thầy cô cố gắng bồi dưỡng để các em đạt kết quả cao. Tất cả vì học sinh thân yêu thầy cô nhé. Cha mẹ thì luôn miệng gửi gắm "trăm sự nhờ thầy cô giáo”. Vì thế mà áp lực lại đổ dồn về phía giáo viên bồi dưỡng.

Có lẽ ai đã từng ôn thi thì sẽ hiểu rất rõ áp lực này. Nhà trường đã giao trọng trách thì thầy cô phải cố gắng để hoàn thành. Nhiều lúc về đến nhà vẫn thấy áp lực. Chỉ sợ trò không học rồi bị điểm liệt. Nhiều lúc đầu óc cứ căng như sợi dây đàn. Mong sao trò hiểu nỗi lòng thầy cô mà cố gắng.

Ôi mùa thi, ai bảo chỉ có trò mới lo lắng, áp lực. Chúng tôi, những người thầy cũng mất ăn, mất ngủ vì mùa thi. Làm nghề dạy học là vậy đó. Nếu trò chăm ngoan, thầy cô hạnh phúc. Trò làm biếng, thầy cô buồn lòng. Chỉ khi nào các em thi xong thì thầy cô mới thở phào nhẹ nhõm.

Loát Trần

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!