“Cô giáo” khuyết tật lết trên sàn nhà: “Tôi không bán chữ nên không nhận tiền”
(Dân trí) - Một người phụ nữ khuyết tật, bị liệt hai chân, phải dùng hai cánh tay chống xuống nền nhà rồi đẩy người lên đi từng bước, nở nự cười tươi đón chúng tôi. Đó chính là “cô giáo” Phạm Thị Lý (36 tuổi) bị teo hai chân trong một lần biến chứng sau phẫu thuật cách đây 17 năm.
“Cô giáo” không bằng cấp
Rời xa, trung tâm thành phố Hà Nội hơn 80 km, chúng tôi có mặt tại thôn Đỗ Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Hỏi bất cứ người dân địa phương nào cũng biết về “lớp học cô giáo Lý”.
Lúc này đồng hồ đã điểm 19h30 tối, cũng là lúc một lớp học “hỗn hợp” vừa bắt đầu vào lớp. Căn phòng rộng chừng 20m2, không bàn ghế khang trang, không bảng đen phấn trắng, không tiếng trống vào lớp… thay vào đó là những chiếc bàn mini dành cho học sinh ngồi bệt xuống sàn nhà để học.
Một người phụ nữ khuyết tật, bị liệt hai chân, phải dùng hai cánh tay chống xuống nền nhà rồi đẩy người lên đi từng bước, nở nự cười tươi đón chúng tôi. Đó chính là “cô giáo” Phạm Thị Lý (36 tuổi) bị teo hai chân trong một lần biến chứng sau phẫu thuật cách đây 17 năm.
Nhưng cô đã vượt lên sự đau đớn, sự chớ trêu của số phận để vươn mình thực hiện ước mơ được làm cô giáo dạy con chữ.
Phòng học nhỏ ấy cũng chính là ngôi nhà của “cô giáo” Lý. Thấy sự xuất hiện của những vị khách lạ mặt, 20 đứa trẻ cùng đồng thanh “Chúng cháu chào chú ạ!” rồi chúng lại vừa viết bài, vừa cười khúc khích với nhau như những chú chim non tập hót.
Nhìn lũ nhỏ viết bài, “cô giáo” Lý chia sẻ, đều đặn từ sáng thứ hai đến hết ngày thứ bảy, lớp học này không lúc nào ngớt tiếng trẻ con, nhất là vào các buổi tối, có khi lên đến 25 em cùng ngồi học. Chúng hồn nhiên chạy nhảy, trêu chọc, hỏi bài nhau, rộn rã khắp trong nhà ngoài ngõ, cũng làm cho cô giáo chẳng lúc nào còn biết buồn.
Do diện tích nhà hơi nhỏ, lớp đông học sinh nên “cô giáo” Lý chia đôi "lớp học". Một lớp ngồi phòng khách, một lớp ngồi trong gian bếp của cô, phải trang bị tới 6 cái bóng đèn huỳnh quang đảm bảo đủ ánh sáng cho các em học bài.
Vừa trò chuyện, thi thoảng cô Lý lại đưa mắt nhìn quanh lớp học để nhắc học trò tập trung làm bài. Đây là một lớp học hỗn hợp, học sinh trong độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5 đều là các em gần nhà đến nhà cô để học kèm môn Toán và tiếng Việt.
"Ca tối mình phải chia làm hai lớp vì nhà không đủ chỗ cho các em ngồi. Còn hai buổi sáng chiều, chỉ cần không phải đến trường, các con sẽ tự đến nhà để mình chữa bài hoặc nhận thêm tài liệu bài tập", cô chia sẻ.
Cô Lý thú thật: “Tôi không được học chương trình sư phạm bài bản và cũng chưa từng tốt nghiệp cao đẳng hay đại học. Danh xưng “cô giáo” là học sinh tự gọi tôi như vậy.
Tuy nhiên, suốt 12 năm ngồi dạy học tôi luôn tự ý thức được trách nhiệm của mình. Tôi tự tìm tòi, bổ sung kiến thức trên mạng, học hỏi thêm từ anh chị làm giáo viên cấp 1 trong gia đình và tìm đọc thêm rất nhiều loại sách chuyên môn, đã giúp tôi có một lượng kiến thức đủ để dạy các em học sinh tốt lên từng ngày”.
“Tôi không bán chữ, nên không nhận tiền”
Kể về bản thân, cô Lý tâm sự, sinh ra là con út trong một gia đình có 3 anh chị em, từ bé cô Lý lúc nào cũng còi cọc, yếu ớt hơn. Nhưng cũng ngay từ nhỏ cô bé ấy đã có ước mơ được trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng.
Mong ước là thế nhưng may mắn lại không mỉm cười với cô: "Khi lên 4 tuổi, bố tôi mất sau một trận ốm. Năm 2002, mẹ lại tiếp tục qua đời do bị tai nạn giao thông. Sự ra đi của mẹ khiến tôi suy sụp tinh thần nên bệnh tim đã tái phát rất nặng.
Sau nhiều lần chạy chữa, trải qua ca phẫu thuật tim phức tạp, ông trời đã thương hại tôi cho tim khỏe mạnh trở lại nhưng… lại cướp đi đôi chân của tôi bị liệt hoàn toàn do biến chứng sau ca mổ và ngày càng trở nên teo tóp", chị Lý có chút buồn bã.
Vượt qua những nỗi đau, năm 2002 cô Lý đăng ký thi tuyển vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng bị trượt do thiếu điểm đầu vào. Lúc ấy, cô Lý đã từng suy nghĩ quẩn: “Sao ông trời không để mình chết trên bàn mổ còn hơn để sống như thế? Nhưng giờ nghĩ lại thấy bản thân dại quá, sao lại có suy nghĩ nông nổi như vậy!".
Và rồi cô Lý cũng đã tìm thấy được niềm vui của mình nhờ vào việc dạy học. Nghề giáo đến với cô như một cơ duyên, xuất phát điểm từ việc kèm cặp con cháu trong nhà khi bố mẹ bận đi làm, không có thời gian chăm nom. Sau một thời gian khi thấy thành tích học tập của các cháu tốt lên, nhiều phụ huynh trong xóm, trong làng bắt đầu tìm đến cô để gửi gắm con.
Cô Lý cho biết: “Ban đầu, tôi đã từ chối vì sợ mọi người đàm tiếu mình không có trình độ học vấn, nhưng cũng vì nể toàn anh em trong nhà mà lại nhận lời. Cứ thế, từ 2, 3 học sinh lẻ tẻ, đến nay, “lớp học cô Lý” đang duy trì sĩ số trên 40 học sinh đến học mỗi ngày.
Dù dạy học như vậy nhưng mỗi lần phụ huynh học sinh gửi tiền học cho con, tôi đều kiên quyết từ chối. Bởi vì tôi đã có tiền trợ cấp dành cho người tàn tật được hơn một triệu đồng/tháng, thuốc uống cũng được phát miễn phí, cuộc sống sinh hoạt không phải lo nghĩ nhiều nên tôi sẽ không bao giờ lấy tiền học của các em. Tôi luôn nói với phụ huynh rằng “tôi không bán chữ, nên không nhận tiền…”.
Cứ như vậy, chưa lúc nào người giáo viên trẻ ấy có suy nghĩ sẽ nghỉ việc, sẽ ngừng công việc “gõ đầu trẻ”.
Chia sẻ về “lớp học cô giáo Lý”, phụ huynh Phạm Thị Phương Luyến (Yên Mỹ, Hưng Yên) chia sẻ: "Tôi cho con theo học lớp cô Lý được gần hai năm. Từ ngày con sang học, tôi cảm thấy cháu tiến bộ hơn. Vợ chồng tôi thường đi làm ăn xa, ít có thời gian chăm sóc con cái, nhưng may được cô Lý nhiệt tình giúp đỡ, gia đình tôi yên tâm hẳn. Mỗi lần đi học về con trai tôi hào hứng khoe mẹ nay được cô Lý dạy chữ, được cô chỉnh dáng ngồi, cách cầm bút cho đúng. Thấy con vui vẻ, học hành lại tiến bộ gia đình mừng lắm".
Hà Cường