Cô giáo Hà Nội bén duyên với Đà thành dạy tiếng Nga xuất sắc
(Dân trí) - “Với tôi, sinh viên không chỉ là học trò mà còn như là người nhà. Niềm vui của nghề giáo chính là sự trưởng thành của bao lớp học trò, là những học trò mỗi khi có dịp lại trở về trường thăm thầy cô giáo như những đứa con xa quê về sum họp gia đình”.
Cô Vũ Thanh Tâm - cô giáo xuất sắc đoạt nhiều giải thưởng trong cuộc thi “Giáo viên giỏi môn tiếng Nga ở nước ngoài” ở Moscow (Nga) trải lòng về niềm vui nghề giáo. 30 năm từ ngày tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và từ Hà Nội vào nhận công tác ở Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, cô Thanh Tâm đã "bén duyên" với Đà thành và nghề giáo với tất cả lòng đam mê và sự tận tâm.
“Tôi dạy học trò rằng đọc sách là chìa khóa mở kho tri thức ngoại ngữ”
Trong Cuộc thi “Giáo viên giỏi môn tiếng Nga ở nước ngoài” lần thứ III - năm 2015 được tổ chức tại Moscow (Nga) vừa qua, cô Vũ Thanh Tâm - Phó Trưởng khoa tiếng Nga - ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng là giáo viên Việt Nam duy nhất vượt qua hơn 600 giáo viên ở khắp thế giới lọt vào top 15 giáo viên dự vòng chung cuộc. Cô giáo Việt Nam dạy tiếng Nga đã xuất sắc đạt liền hai giải thưởng “Nghệ thuật thuyết phục” và “Văn hóa lời nói”.
Với các chủ đề “Học sinh của tôi và những cuốn sách tôi đọc” và “Người Nga trong văn học Nga”, cô giáo Việt Nam có 30 năm dạy tiếng Nga đã tập trung phương pháp làm thế nào để dạy - học ngoại ngữ trong môi trường thiếu tiếng bản ngữ. Và cũng như nội dung thuyết trình thuyết phục Ban giám khảo cuộc thi, ở giảng đường bao năm, cô Tâm luôn lưu ý sinh viên của mình vai trò quan trọng của việc đọc sách.
Cô Tâm chia sẻ, may mắn của cô là được sống trong thế giới sách từ những ngày đi học. Cô yêu việc đọc sách, và cô yêu với tiếng Nga từ những cuốn truyện Nga mà cô đọc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.
“Tôi dạy học trò rằng đọc sách là chìa khóa mở kho tri thức ngoại ngữ. Cho dù hiện nay, với sự hỗ trợ của các tiện ích đa phương tiện như là máy từ điển, mạng internet,..., thì việc đọc sách bản ngữ vẫn luôn quan trọng. Chính từ việc học ngôn ngữ qua ngữ cảnh của từng cụm từ, từng câu trong sách, như các cuốn truyện Nga, sẽ giúp người học hiểu nghĩa từng từ vựng rộng hơn, thẩm thấu tiếng bản ngữ hơn là cứ gặp từ mới lại tra từ điển. Quá phụ thuộc vào từ điển cũng giống như việc lạm dụng máy tính sẽ làm giảm khả năng tính nhẩm của học sinh hiện nay.” - cô Tâm nói.
“Sinh viên không chỉ là học trò mà còn như là người nhà”
Không chỉ giảng dạy kiến thức, cô Tâm và các đồng nghiệp luôn tìm cách tạo cơ hội cho sinh viên thực hành ngoại ngữ mà các em đang học. Sau một thời gian trầm lắng, nhu cầu người biết tiếng Nga tăng trở lại cùng với sự phát triển của ngành du lịch. Trong những ngày nghỉ, dịp hè, cô khuyến khích học trò tham gia làm hướng dẫn viên du lịch, vừa là công việc làm thêm, vừa là cơ hội học tiếng rất tốt cho sinh viên ngoại ngữ.
Cô Tâm cùng các đồng nghiệp và học trò trong ngày hội 30 năm thành lập khoa tiếng Nga - ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng.
“Với tôi, sinh viên không chỉ là học trò mà còn như là người nhà. Niềm vui của nghề giáo chính là sự trưởng thành của bao lớp học trò, là những học trò mỗi khi có dịp lại trở về trường thăm thầy cô giáo như những đứa con xa quê về sum họp gia đình” - cô giáo có 30 năm đứng trên bục giảng trải lòng về niềm vui nghề giáo mà mới đây nhất là sự ấm áp của cô và các đồng nghiệp cảm nhận được trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập khoa tiếng Nga ở trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng.
Cô kể, học trò về sớm hơn ngày hội trường từ rất nhiều ngày trước, dẫn theo cả vợ chồng, con cái về trường như là về sum họp gia đình ngày Tết. Không giấu được xúc động, cô nói: “Có những học trò của tôi từ những khóa đầu tiên khi trường mới thành lập về thăm trường. Học trò lớn rồi trở về trường vẫn bồi hồi hỏi “Cô còn nhớ em không?”. Tôi hầu như vẫn nhớ từng học trò, không chỉ là những em nổi trội cho dù nhiều em đã ra trường từ cách hàng chục năm trời. Những ngày thầy trò gặp nhau như thế, chúng tôi thấy ấm áp lắm!”.
Điều mà cô giáo có 30 năm tuổi nghề trăn trở, là hiện nay, bởi nhiều sự chọn lựa thực tế trong cuộc sống, rất ít sinh viên giỏi tốt nghiệp ra trường theo nghiệp giáo viên dạy tiếng Nga. “Số giáo viên trẻ ở khoa hiện nay rất ít. Thế hệ tôi và các đồng nghiệp ở khoa, những người gắn bó với khoa, với trường từ những ngày đầu thành lập trường nay đã đều có tuổi. Vài ba năm nữa là hưu. Chúng tôi mong có một lớp giáo viên trẻ có tài, có tâm tiếp bước chúng tôi.”
Khánh Hiền