Cô giáo cầm bút bằng chân ở Thanh Hóa được tuyển dụng đặc cách
(Dân trí) - Lê Thị Thắm, cô giáo không tay, cầm bút bằng chân ở Thanh Hóa được đặc cách tuyển dụng vào ngành giáo dục.
"Trước khi mặt trời mọc là khoảng thời gian tăm tối nhất. Bạn của tương lai đừng quên mình ở hiện tại. Bây giờ dù bạn đang đứng ở đâu cũng đừng quên rằng bản thân bạn sẽ luôn tiến về phía trước".
Đó là những lời tâm sự xúc động trong bài tham luận của em Lê Thị Thắm (thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trong lễ kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc"; sơ kết 3 năm thực hiện kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) và biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phát biểu bài tham luận, Lê Thị Thắm chia sẻ, bản thân đã may mắn khi được các ban, ngành, địa phương lựa chọn giới thiệu tham gia buổi lễ. Trong bài tham luận kéo dài hơn 5 phút, nhiều đại biểu tham dự hội nghị vô cùng xúc động trước hành trình trở thành cô giáo của "cô bé không tay".
Thắm kể, mình sinh ra trong một gia đình thuần nông, không được may mắn, khi chào đời em chỉ nặng hơn 1kg và không có hai tay.
"Cháu lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, đặc biệt là sự chăm sóc của mẹ. Vì đảm bảo mưu sinh cho gia đình, nên tất cả gánh trên vai bố cháu, do đó gia đình cháu rất vất vả. Khi cháu được 4 tuổi, mẹ cho cháu đi mẫu giáo, nhờ cô giáo trông nom để mẹ tìm việc làm thêm mưu sinh", Thắm tâm sự.
Nói về hành trình đi tìm con chữ, lời tâm sự của Thắm khiến cả hội trường nghẹn ngào.
"Sau 6 tháng đến trường mầm non, thấy tất cả các bạn được cô giáo cho tập viết mà cô lại chỉ trừ cháu ra, nên cháu cũng đòi bằng được cô cho mình tập viết. Cô giáo nghĩ cháu không có tay thì viết làm sao nên cũng chỉ đành đưa cho cháu tờ giấy và cây bút chì để vẽ nguệch ngoạc.
Thấy các bạn kẹp bút vào tay, cháu cũng lấy bút kẹp vào ngón chân trái của mình để tập viết theo các bạn. Vì chân phải của cháu ngắn hơn chân trái nên việc kẹp bút để viết thành chữ đã khó lại càng khó hơn, những ngón chân của cháu nhiều hôm trầy xước, phồng rộp khiến cháu rất đau và đêm về không thể ngủ được.
Không nản chí, dù ở trên lớp hay ở nhà, cháu đều tập viết rất miệt mài, chăm chỉ. Thấy cháu kiên trì tập viết như vậy nên ở lớp cô giáo cũng rất thương và cô luôn cầm chân của cháu để dạy cháu tập viết. Ở nhà, mẹ cũng mua vở, bút và cũng dạy cháu tập viết. Nhưng dù cháu có kiên trì, chăm chỉ tập viết đến đâu thì cũng không viết được giống như các bạn.
Vì chân cứng nên kẹp bút thì bút cứ bị rơi ra, có hôm tập nhiều đến nỗi chảy máu phải buộc giẻ, mẹ bảo cháu đừng viết nữa để khi nào lớn, con hãy tập viết nhưng cháu vẫn không từ bỏ, vẫn kiên trì tập viết. Lúc đó cháu nghĩ chỉ có viết được thì cháu mới được đi học, mới giống các bạn.
Quả là ông trời không phụ công sức của cháu, lên 5 tuổi, cháu không chỉ viết thành thạo mà còn đọc được số và chữ cái. Bố mẹ và gia đình rất vui, không nghĩ cháu có thể làm được. Vì vậy, khi cháu lên 6 tuổi, mẹ cho cháu vào lớp 1 trường làng như bao bạn trẻ xung quanh".
Suốt 12 năm học, Thắm đã không ngừng nỗ lực, vượt qua chính mình để bước vào cánh cửa đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thắm về quê mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí, bổ trợ cho các em gần nhà. Thời gian đầu, Thắm mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em trong làng, sau này một số phụ huynh gửi con học thêm, nâng cao kiến thức nên em quyết định mở lớp dạy thêm tại nhà, rồi xin bố mẹ mua thêm trang thiết bị để thuận tiện cho việc giảng dạy.
Cuối bài tham luận, cô bé không tay Lê Thị Thắm chia sẻ: "Mặc dù thân hình cháu khiếm khuyết và nhỏ bé nhưng mong muốn, ước mơ, quyết tâm và nỗ lực của bản thân cháu thì rất to lớn. Hiện tại, ước mơ có một lớp học tại nhà của riêng mình đã được hoàn thành nhưng mơ ước lớn nhất của cháu là một ngày được đứng trên bục giảng, quan sát và giảng dạy cho học sinh trên lớp và được cống hiến trong một môi trường giáo dục.
Cháu sẽ luôn hoàn thiện bản thân, luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, dù bản thân có nhiều hạn chế nhưng cháu tự tin sẽ nỗ lực, sẽ tận tâm tận lực cống hiến nếu được trao cơ hội. Vì cháu nghĩ rằng "Trước khi mặt trời mọc là khoảng thời gian tăm tối nhất. Bạn của tương lai đừng quên mình ở hiện tại. Cứ đi về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Bây giờ dù bạn đang đứng ở đâu cũng đừng quên rằng bản thân bạn sẽ luôn tiến về phía trước".
Ông Phạm Văn Tuấn - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, em Lê Thị Thắm là một tấm gương giàu nghị lực vượt lên chính số phận của mình.
"Là người khuyết tật, sinh ra không có hai cánh tay, em đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, rèn luyện để học tập và đã trở thành cô giáo dạy tiếng Anh cho các em có hoàn cảnh khó khăn của quê hương. Hy vọng nỗ lực cùng cố gắng của em sẽ là bài học cho những số phận bất hạnh khác có thêm niềm tin vươn lên trong cuộc sống", ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Đầu Thanh Tùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, sau khi nắm bắt được nguyện vọng của Thắm, lãnh đạo tỉnh này đã hội ý nhanh, thống nhất giao cho huyện Đông Sơn nghiên cứu tổ chức tuyển dụng đặc cách cho Thắm vào làm giáo viên trong năm học mới.
"Tỉnh giao cho huyện chủ động trong việc này, vì đây là thẩm quyền của huyện. Vì điều kiện hoàn cảnh nên bố trí cho cháu dạy tiếng Anh cấp tiểu học hoặc trung học cơ sở ở địa phương hoặc xã kế bên để cháu thuận tiện việc đi lại".