Cô giáo 13 năm gieo ước mơ cho trẻ em nghèo ở vùng biển Ngư Lộc
(Dân trí) - Hơn 13 năm "gieo chữ" ở xã nghèo, cô giáo Trần Thị Anh không quản ngại khó khăn nào. Bởi hơn ai hết, nữ giáo viên hiểu rằng, học sinh trên đảo không chỉ thiếu thốn trang thiết bị học tập mà còn cả tình thương, kỹ năng sống và môi trường giao tiếp.
Tuổi thơ của cô giáo Trần Thị Anh (sinh năm 1980, giáo viên Trường Tiểu học Ngư Lộc) gắn với bãi biển và những chiếc thuyền đánh bắt cá của ngư dân xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Dù gia đình khó khăn nhưng với ước mơ cháy bỏng trở thành cô giáo, cô học trò của trường THPT Hậu Lộc 1 đã phấn đấu hết sức và thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1999. Tháng 1/2003, niềm vui được nhân lên gấp bội khi cô gái miền biển tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá và được về dạy học trên chính quê hương mình.
Cô Anh cho biết, Trường Tiểu học Ngư Lộc 2 là một trong những ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của xã đảo Ngư Lộc. Học sinh ở đây đa phần là con của các ngư dân đánh bắt hải sản trên đảo, lọc nước lấy cái kiếm sống chỉ bằng nghề chài lưới, nhìn ra xung quanh bốn bề là nước cho nên cuộc sống của các em bấp bênh theo cha mẹ.
Vì việc đánh bắt khó khăn nên bố mẹ các em phải đi làm ăn xa, gửi con lại cho ông bà nuôi nên trẻ thiếu vắng sự quan tâm, bảo bọc đủ đầy. Hơn 13 năm công tác ở xã đảo, cô giáo Trần Thị Anh không nhớ hết đã bao lần đến từng nhà vận động học sinh đến lớp.
"Còn nhớ, năm đầu tiên (năm học 2003- 2004) mới về trường được mấy tháng, tôi được phân công chủ nhiệm, dạy học cho các em lớp 5Đ - lớp học sinh cá biệt, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhất khối. Đến ngày thi tốt nghiệp lớp 5 có em Nguyễn Văn Dương gia đình quá khó khăn, bố mất sớm, nhà đông em, em Dương muốn nghỉ học để đi làm phụ giúp mẹ…nên đến ngày thi tốt nghiệp em ra biển, chèo đò lên thuyền lớn trốn thi.
Là giáo viên mới bỡ ngỡ ra trường nên tôi rất lo lắng, thương học trò và không biết làm cách nào để giúp em có tương lai tốt hơn. Vậy là tôi đã khóc ngon lành! Cuối cùng, các nhân viên nam trong trường đã dẫn tôi ra thuyền để vận động học sinh.
Tôi cũng không nhớ phải nói mất bao lâu và khóc nhiều thế nào để khuyên nhủ Dương. Có lẽ học trò đã hiểu được tình cảm của tôi nên nắm chặt tay cô giáo, cùng cô lên thuyền về thi tốt nghiệp” - cô Anh kể.
Trong quá trình công tác, cô giáo Trần Thị Anh tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm.
Từ năm học 2003-2004 đến nay, nữ giáo viên luôn đứng chủ nhiệm các lớp mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh năng khiếu của trường đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt năm học 2015-2016, đội tuyển giao lưu các câu lạc bộ cấp huyện của cô Anh tham gia 10 em thì 10 đạt huy chương, trong đó có 1 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 1 huy chương đồng.
Với tâm niệm tất cả vì học sinh thân yêu và tình yêu nghề, yêu trẻ, cảm nhận được sự thiếu thốn của các học trò, cô giáo 8X luôn nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu thương học sinh như chính con ruột, cố gắng tìm tòi nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để phục vụ công tác dạy học, phục vụ các em.
Từ năm 2003- 2011, cô Anh liên tục là Giáo viên giỏi cấp huyện. Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; Gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2005-2010; Gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015. Năm học 2012-2013: đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp Tỉnh; Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2012-2013; Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2014-2015. Năm học: 2015-2016, nữ giáo viên nhận nằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vì đạt thành tích xuất sắc.
Với những cống hiến của mình, cô vinh dự là 1 trong số 42 giáo viên biển đảo toàn quốc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016” do Bộ GD&ĐT tổ chức và được Đảng ủy xã Ngư Lộc tặng giấy khen nhiều năm liền..
“Mình chỉ có một mong muốn đó là có nhiều sức khỏe, có nhiều tình yêu thương với các học trò để gieo cho học trò ước mơ và kiến thức để các em lấy đó làm chìa khóa thoát nghèo, thoát khổ nơi xã đảo”, cô Trần Thị Anh tâm sự.
Cô giáo Phạm Thị Hải, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngư Lộc 2, cho biết: Hơn chục năm gắn bó với nghề, cô giáo Trần Thị Anh cùng với các thầy, cô giáo trong trường còn phát động nhiều phong trào, tạo sân chơi lành mạnh để các em thấy được mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Anh còn như một một người mẹ hiện thường xuyên quan tâm, sâu sát đến đời sống, hoàn cảnh của từng học sinh. Khi phát hiện có học sinh có ý định bỏ học, cô đã cùng các thầy cô giáo trong trường đến tận nhà vận động các em tới lớp.
Lệ Thu
(Ảnh: NVCC)