Cô giáo 11 năm đi vá tâm hồn của những trẻ "nhiễm H"

(Dân trí) - Hơn 10 năm nay, từ khi cô Thủy nhận công việc dạy học cho những trẻ em mồ côi bị bỏ rơi mang trong mình virus của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, cô Thủy chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn về nhiệm vụ mà nhà trường giao phó. Chúng tôi gọi cô Thủy là người đi vá những tâm hồn của trẻ nhiễm H”, ông Phùng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Bài B nhận xét.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, PV báo Dân trí đã đến thăm lớp học đặc biệt dành cho những trẻ em mồ côi bị bỏ rơi đang mang trong mình virus của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2, xã Yên Bài, huyện Ba Vì.

Trong lớp học, cô giáo Đinh Thị Thủy vẫn miệt mài cầm tay nắn từng nét chữ cho học sinh của mình thật ân cần. Lớp của cô giáo Thủy dạy là lớp ghép giữa lớp 1 và lớp 2 nên công việc khiến cô lúc nào cũng luôn chân, luôn tay.

“Việc người ta tránh đi không được mà mình lại lao vào”.


Cô giáo Đinh Thị Thủy và học trò

Cô giáo Đinh Thị Thủy và học trò

Cô giáo Thủy nhớ lại lần đầu tiên được trực tiếp gần gũi với các cháu bị nhiễm HIV: “ Cháu thì bị sổ mũi, cháu bị xước khắp người do bị ngứa, cháu lại chảy máu cam...vì sức đề kháng của các cháu rất yếu nên rất nhiều bệnh ngoài da, nhìn vậy lại càng thương. Khi cầm tay các con dạy tập viết, thấy máu dính vào tay mình, tôi đã phát hoảng vì sợ” chị Thủy không khỏi giật mình.

Ban đầu khi được tiếp nhận lớp, cô giáo Thủy gặp phải sự phản đối rất nhiều. Lúc bấy giờ, Cô vừa là Đảng viên, là tổ trưởng tổ nữ công trong Ban chấp hành Công đoàn nên BGH trường, đồng thời là giáo viên giỏi được phụ huynh và học sinh yêu quý nên việc quyết định nhận lớp dạy các cháu “nhiễm H” rất khó chấp nhận với gia đình và học sinh của Cô.

Thời gian đó, cô Thủy rất nản lòng, vừa sợ mình bị lây bệnh khi dạy các em, vừa bị chồng con và gia đình kịch liệt phản đối cô khi nhận nhiệm vụ này. Nhưng rồi, những ánh mắt ngây thơ của con trẻ đã níu lòng cô Thuỷ lại. “Tôi kiên trì thuyết phục các thành viên trong gia đình. Bây giờ tôi không thấy lo lắng, hoảng sợ nữa mà những người thân yêu của tôi còn cùng tôi mang niềm vui và hạnh phúc đến cho các con”, cô Thuỷ cho biết.

Ấy vậy mà đã 11 năm trôi qua, sau khi cô giáo Thủy nhận nhiệm vụ mà theo chồng chị gọi đó là “việc người ta tránh đi không được mà mình lại lao vào”. Trong quá trình dạy, có lúc các con bị ốm, bị chảy máu cam phụt ra như mạch tiết gà hoặc nôn trớ bắn hết vào quần áo, tôi lại lấy giấy ăn lau và thấm cho các con.

Quả thật, ban đầu tôi rất hoang mang sợ rằng mình không để đảm đương nhiệm vụ được lâu. Mỗi lần như vậy, tôi chỉ biết chạy ra máy nước để rửa tay xà phòng cho sạch. Sau đó, chị được các bác sĩ, cán bộ y tế ở Trung tâm dạy cách phòng tránh, cách chăm sóc các con những lúc thay đổi thời tiết. Rồi cô Thủy quen dần với những tình huống và vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.

Những món quà từ sáp mầu


Cô Thủy nắn từng chữ cho học sinh

Cô Thủy nắn từng chữ cho học sinh

Nhiều người xì xào, kể cả những cán bộ y tế phát thuốc, những ngày đầu thấy cô giảng dạy tại Trung tâm nghĩ cô cũng bị mắc căn bệnh HIV/AIDS. Họ rụt rè khi tiếp xúc với cô. Những lúc như vậy chị chỉ biết lặng im, tiếp tục vì các con và tự dặn lòng rồi mọi người sẽ hiểu.

Cũng chính bởi thiếu thốn tình cảm nên cách thể hiện tình yêu thương của những đứa trẻ “nhiễm H” cũng khác với những đứa trẻ bình thường. Khoảng cách giữa cô và trò dường như không còn một làn ranh giới nào. Chúng luôn gọi chị bằng “mẹ Thủy”.

Ngoài giờ học, chúng cứ tíu tít, sà vào lòng chị. Đứa thì hôn tay, đứa thì hít hà hơi ấm từ lồng ngực chị, thèm thuồng như muốn được mẹ bế. Chúng xuýt xoa khen: “Mẹ của con thơm quá”. Mỗi lần như thế, chị lại vuốt ve, chải lại mái tóc đang rối, buộc và tết tóc cho các con.

Vào dịp ngày nhà giáo, giáo viên nào cũng được học trò của mình tặng rất nhiều hoa và quà, nhưng cô Thủy thì khác. Những bông hoa, những món quà, những câu chúc từ học sinh của Cô đều được vẽ từ sáp màu. Những nét vẽ nguệch ngoạc, ngây ngô nhưng cũng rất màu mè tươi sáng.

“với tôi những món quà đó đắt vô cùng, chỉ có tình cảm mới mua được và cũng chỉ có các học trò của tôi mới tạo ra được những ý nghĩa đằng sau món quà vô giá ấy” cô Thủy cười.

Không chỉ riêng ngày 20/11, những ngày lễ khác các con cũng đều tặng tôi những món quà như vậy, tôi vẫn luôn giữ tất cả những món quà ấy như một lời động viên mà không phải người giáo viên nào cũng có được.

Người đi vá những tâm hồn


Kiên nhẫn dạy các em đọc từng từ

Kiên nhẫn dạy các em đọc từng từ

Nếu ai đó hỏi tôi, điều gì là quý giá nhất đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi? Tôi sẽ trả lời đó là tình cảm gia đình. Bởi cứ mỗi năm đến tiết dạy kể về gia đình lại là một lần tôi nghẹ lòng phải khóc. Nội dung bài học có phần liên hệ về gia đình, gia đình các con có những ai. Đến đây, các con ngồi in không ai nói năng gì, không thấy một cánh tay nào dơ lên. Có con nói: “Con thưa cô! Con không có gia đình”, có con thưa “Con bị bỏ rơi ạ!”

Những lúc như thế, Cô Thủy chỉ kịp vội quay mặt lại xóa bảng để giấu đi những giọt nước mắt xót thương mà an ủi các con rằng: “Ai cũng có gia đình các con ạ, nhưng vì không may số phận bệnh tật cướp đi người thân của các con. Các con cũng có bố, có mẹ sinh ra, cũng có ông có bà. Bây giờ bố mẹ con mất vì bệnh tật, ông bà gửi con tại Trung tâm. Thế bây giờ con kể về bố mẹ nuôi của các con trong trung tâm”.

Nói đến đây thì các con mới thi nhau giơ những cánh tay. Con thì kể nhà có 3 mẹ, con thì khoe con có 7 mẹ. Các con lúc đấy còn không biết phân biệt hay có khái niệm rành mạch giữa bố mẹ đẻ và bố mẹ nuôi – là các cán bộ y tế phát thuốc, là các cô chú cai nghiện trong trạị.

Cái Tết của những đứa trẻ bị bỏ rơi cũng vô cùng đặc biệt. Chúng tựa cửa lớp học, nhìn ra cổng Trung tâm, mong ngóng được người thân lên thăm. Gặp cô Thủy, chúng lại hồn nhiên bíu lấy tay: “Mẹ ơi! Con chả thấy gia đình đâu?” Lúc đó, vì thương bọn trẻ quá, cô bèn ôm vội vào lòng động viên: “Các con yên tâm, mẹ sẽ xin các con về nhà mẹ ăn Tết, về nhà mẹ chơi!” Cứ như vậy, đều đặn mỗi dịp Tết đến hay hè về, cô lại xin cho những đứa trẻ “nhiễm H” về nhà chị chơi 1 ngày để chúng hiểu thế nào là không khí gia đình.

Nhớ những ngày đầu dắt các con về nhà, khi xe ô tô đỗ trước cổng, vừa nhìn thấy chồng chị, lũ trẻ đã vội lao tới, cuống quýt chào lớn: “Con chào bố”. Chồng cô Thủy-vốn lúc đầu không đồng tình với công việc này nhưng lúc đấy cũng vô cùng xúc động. Sau đó, anh trải chiếu ra sân cho lũ trẻ ngồi, bóc quả cho chúng ăn.

Cậu bé Lê Anh Duy, lúc đó khoảng chừng 5 tuổi, nhảy tót lên lòng anh, há mồm như con sáo chờ “bố” bóc quả cho ăn. Giây phút ấy, cô Thủy thấy chồng mình lấy tay gạt vội giọt nước mắt xiêu lòng động viên cô cố gắng hơn. Đó chính là nguồn động viên vô cùng lớn luôn sát cánh bên cô bao nhiêu năm qua.

Hơn 10 năm nay, từ khi cô Thủy nhận công việc dạy học cho những trẻ em mồ côi bị bỏ rơi mang trong mình virus của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, cô Thủy chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn về nhiệm vụ mà nhà trường giao phó. Nhiều khi chúng tôi gọi vui Cô Thủy là người đi vá những tâm hồn của trẻ nhiễm H”, ông Phùng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Bài B nhận xét.

Hà Cường

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm