Cô gái người Chứt đầu tiên của bản Rào Tre đỗ đại học

Xuân Sinh

(Dân trí) - Sau hàng chục năm được phát hiện và đưa về nơi ở mới, hôm nay, bà con người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (Hà Tĩnh) đón nhận niềm vui khi lần đầu tiên có một người con của bản đậu vào đại học.

Hồ Thị Sương (SN 2003, sống ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là chị cả trong gia đình có 4 chị em. Ngay từ nhỏ, 4 chị em Sương đã phải chịu cảnh thiệt thòi khi thiếu vắng tình cảm của bố. Một mình mẹ gồng gánh, làm thuê quanh năm để nuôi các con ăn học.

Cô gái người Chứt đầu tiên của bản Rào Tre đỗ đại học - 1

Sương là người con đầu tiên của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đỗ vào đại học.

Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình, nên bản thân Sương luôn quyết tâm và nỗ lực theo đuổi học tập để có việc làm, đổi thay cuộc sống sau này.

Sương bộc bạch: "Cuộc sống khó khăn nên ban đầu em không dám ước mơ mình sẽ học tiếp lên đại học, chỉ nghĩ rằng sẽ học nghề gì đó. Thế nhưng, được thầy cô, các chú bộ đội định hướng và trong một lần về nhà, nhìn các em nhỏ vui chơi ở bản, em thực sự khao khát trở thành cô giáo để có thể đưa những kiến thức đến với các em nơi đây".

Xác định được mục tiêu, Sương càng quyết tâm học tập. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Sương xuất sắc giành được 22,88 điểm khối M01 (Ngữ văn; năng khiếu đọc diễn cảm, kể chuyện; năng khiếu hát, nhạc).

Niềm vui đã mỉm cười với người con của bản Rào Tre khi em đã nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Hà Tĩnh: "Em rất vui. Em sẽ cố gắng để học tập để sau này có thể về quê để giúp các em nhỏ ở bản".

Cô gái người Chứt đầu tiên của bản Rào Tre đỗ đại học - 2

Mọi người vui mừng khi lần đầu có người con của bản đỗ vào đại học

Ông Đinh Văn Sảnh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên (huyện Hương Khê) cho biết, hoàn cảnh của gia đình em Sương rất khó khăn. Cuộc sống chủ yếu đang dựa vào những khoản trợ cấp của Nhà nước.

"Bố em ấy bỏ đi từ lâu. Một mình mẹ nuôi 4 người con. Người mẹ thì ai thuê gì thì đi làm nấy, thu nhập rất bấp bênh. Cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào khoản trợ cấp của Nhà nước", ông Đinh Văn Sảnh cho biết.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hương Liên, dù cuộc sống khó khăn nhưng em Sương là một người con giàu nghị lực và là niềm tự hảo của bản Rào Tre.

"Vừa qua em đã đậu vào Trường Đại học Hà Tĩnh. Đây là lần đầu tiên người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre có con em đậu đại học. Mấy hôm nay, cả bản ai cũng vui", Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết thêm.

Thầy Đặng Bá Hải, Hiệu phó trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (đóng tại huyện Hương Khê) nhận xét, Sương là cô học trò rất cầu tiến, nỗ lực vượt khó.

Cô gái người Chứt đầu tiên của bản Rào Tre đỗ đại học - 3

Một góc bản Rào Tre.

"Đối với các em người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, việc theo học con chữ đã gặp rất nhiều khó khăn. Việc đỗ vào đại học của em Sương thực sự là một điều rất tuyệt vời. Ngoài sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các thầy cô giáo thì bản thân em Sương đã có một sự nỗ lực rất lớn", thầy Đặng Bá Hải cho biết.

Theo lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh này cũng đã quyết định hỗ trợ em Sương mỗi tháng một triệu đồng trong bốn năm đại học (mỗi năm được cấp kinh phí 10 tháng), từ nguồn quỹ của địa phương.

Tộc người Chứt được bộ đội biên phòng phát hiện vào năm 1991 và đưa về bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) sinh sống. Hiện, dân tộc Chứt nơi đây có 46 hộ dân và 157 nhân khẩu.

Tại đây tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, khi lập gia đình họ thường lấy những người trong họ hàng, từ đó tạo nên những cặp hôn nhân cận huyết thống. Trong những năm vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều phương án để xóa bỏ nạn hôn nhân cận huyết thống và đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm