Cô gái H'Mông mù chữ gửi gắm khát khao đi học qua bức ảnh

(Dân trí) - “Em không được đi học, ngày nhỏ không có ai trông em bé nên em phải ở nhà. Em chụp bức ảnh này vì thấy trường học đẹp quá”, Ly Thị Và - cô gái dân tộc H'Mông 19 tuổi muốn nhắn gửi khát khao đi học của mình trong bức ảnh chụp ngôi trường phía xa xa.

Bức ảnh của Ly Thị Và là một trong số 80 bức ảnh được chọn tham gia triển lãm “Em yêu cao nguyên đá” tại huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang).


Em Ly Thị Và bên bức ảnh mình chụp.

Em Ly Thị Và bên bức ảnh mình chụp.

Thầy Hoàng Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Cán Chu Phìn chia sẻ: “Tôi ấn tượng mạnh với bức ảnh chụp từ cổng trường của em Ly Thị Và. Em không được đi học, chỉ dám đứng nhìn ngôi trường từ xa. Chúng tôi đang nghiên cứu mở một lớp xóa mù chữ cho các em trong độ tuổi như em Ly Thị Và để các em nâng cao nhận thức".

“Hành động cùng trẻ em gái H'Mông”

Khi Hà Giang tưng bừng khai mạc Lễ hội Tam giác mạch cũng là lúc đoàn nhà báo chúng tôi từ Hà Nội lên đường tới Mèo Vạc thăm ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn - nơi diễn ra triển lãm “Em yêu cao nguyên đá”. Đây là triển lãm do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Tổ chức Plan International phối hợp với nhà trường và các cơ quan ban ngành tại huyện Mèo Vạc tổ chức.

Mèo Vạc những ngày này mưa giăng trắng xóa, tiết trời giá lạnh nhưng không làm giảm sự háo hức của các em học sinh nơi đây. Sáng nay 13/11, 80 bức ảnh lựa chọn từ hàng vạn bức ảnh các em chụp trong 5 tháng đã được trưng bày tại triển lãm.

Bà Vũ Phương Thảo - Viện Phó iSEE cho biết: “Triển lãm nằm trong chuỗi hoạt động “Hành động cùng trẻ em gái H'Mông” trao cho các em cơ hội thu nhận và phản ánh thế giới bằng chính con mắt của các em, giúp các em bày tỏ mong ước và suy nghĩ của mình đến cộng đồng và xã hội, đồng thời tạo thêm cơ hội để các em tiếp xúc với thế giới rộng lớn bên ngoài”.

Bà Vũ Phương Thảo - Viện Phó iSEE và ông Hoàng Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường trao quà tặng các em học sinh có ảnh tại triển lãm.
Bà Vũ Phương Thảo - Viện Phó iSEE và ông Hoàng Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường trao quà tặng các em học sinh có ảnh tại triển lãm.

Chuỗi hoạt động được tiến hành trong 8 tháng, từ tháng 6/2015 đến tháng 1/2016 với một nhóm ngẫu nhiên 34 bạn nhỏ của xã Cán Chu Phìn, trong đó có các em đang là học sinh THCS và cả những em mù chữ, không được đến trường. Các em được phát máy ảnh, được tập huấn để tự chụp những bức ảnh về cuộc sống xung quanh mình.

Nét sáng tạo của dự án là việc vận động các bạn sinh viên người dân tộc H'Mông đang học tại Hà Nội về tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông cho các em nhỏ để tạo sự gần gũi, gắn kết, tạo sức mạnh cộng đồng cùng tương trợ.

Các em học sinh cùng các bạn tình nguyện viên chia sẻ về quá trình chụp ảnh.
Các em học sinh cùng các bạn tình nguyện viên chia sẻ về quá trình chụp ảnh.

Giá trị cốt lõi là niềm tin vào chính mình

Anh Phạm Ngọc Nam (cán bộ iSEE) - người trực tiếp tập huấn, hướng dẫn các em gái chụp ảnh chia sẻ: “Nếu như ngày đầu khi chúng tôi lên, các em gái rất ngại ngùng, luôn lấy tay che mặt khi thấy người lạ, ngại ngùng không dám phát biểu thì đến nay các em đã bạo dạn hơn, cười nhiều hơn, chủ động chào thầy cô và anh chị từ xa. Quan trọng hơn cả, các em đã biết đặt niềm tin vào bản thân, tin rằng nếu được hướng dẫn, các em sẽ tự làm được”.

Sau mỗi bức ảnh, các cán bộ đều ngồi lại cùng các em ghi lại những thông điệp, những câu chuyện mà các em gửi gắm.

Em Vừ Thị Súng (13 tuổi) mạnh dạn bày tỏ: “Tham gia chương trình, em thấy tự tin hơn và vui hơn. Em đã khoe với bố mẹ những bức ảnh em chụp và bố mẹ khen đẹp".


Em Vừ Thị Súng (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn.

Em Vừ Thị Súng (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn.

"Vừa rồi, chúng em còn được các cô chú, anh chị đưa đi thăm Hà Nội. Em được đi thăm bảo tàng, đi chơi Bờ Hồ. Em ước mơ sau này sẽ trở thành sinh viên, tốt nghiệp ra trường được làm như các anh chị dự án. Em tin là em sẽ làm được”, Súng hồ hởi nói.

Dưới đây là một số bức ảnh được trưng bày tại triển lãm “Em yêu cao nguyên đá”:


Bức ảnh của Ly Thị Và (19 tuổi): “Em không được đi học, ngày nhỏ không có ai trông em bé nên em phải ở nhà. Thấy các bạn đi học, em cũng thích nhưng không ai giúp bố mẹ trông em. Sau này các thầy cô vận động đi học em không đi vì ngại mình lớn quá, với lại ở nhà rất nhiều việc bố mẹ làm không hết được nên em không muốn đi học nữa. Em chụp bức ảnh này vì thấy trường học đẹp quá. Em rất muốn các bạn nhỏ đều được đi học”.

Bức ảnh của Ly Thị Và (19 tuổi): “Em không được đi học, ngày nhỏ không có ai trông em bé nên em phải ở nhà. Thấy các bạn đi học, em cũng thích nhưng không ai giúp bố mẹ trông em. Sau này các thầy cô vận động đi học em không đi vì ngại mình lớn quá, với lại ở nhà rất nhiều việc bố mẹ làm không hết được nên em không muốn đi học nữa. Em chụp bức ảnh này vì thấy trường học đẹp quá. Em rất muốn các bạn nhỏ đều được đi học”.

 

Bức ảnh của Vừ Thị Súng (13 tuổi): “Em chụp em gái họ của em, con của thím em. Em thấy ảnh này rất đẹp và em rất thích, em thấy rất thương em họ của em. Em muốn bố mẹ em ấy cho em ấy đi học để em ấy không phải khổ như thế này nữa. Nếu bố mẹ em ấy không cho em ấy đi học thì những hôm được nghỉ học em sẽ đi thăm em ấy và dạy chữ cho em ấy”.
Bức ảnh của Vừ Thị Súng (13 tuổi): “Em chụp em gái họ của em, con của thím em. Em thấy ảnh này rất đẹp và em rất thích, em thấy rất thương em họ của em. Em muốn bố mẹ em ấy cho em ấy đi học để em ấy không phải khổ như thế này nữa. Nếu bố mẹ em ấy không cho em ấy đi học thì những hôm được nghỉ học em sẽ đi thăm em ấy và dạy chữ cho em ấy”.

 

Bức ảnh của em Lầu Thị Pà (18 tuổi): “Đây là mẹ em mới đi lấy cỏ bò về. Công việc khá vất vả và cũng xa nhà. Trước tiên phải chọn những cây ngô không có bắp để chặt, sau khi đã chặt đủ thì bó thành một bó to để địu về nhà, quá trình địu về nhà khá là nặng. Em mong nhà mình sau này mua được một cái xe máy để chở cỏ bò, chở ngô chứ không phải địu trên lưng như thế này nữa”.
Bức ảnh của em Lầu Thị Pà (18 tuổi): “Đây là mẹ em mới đi lấy cỏ bò về. Công việc khá vất vả và cũng xa nhà. Trước tiên phải chọn những cây ngô không có bắp để chặt, sau khi đã chặt đủ thì bó thành một bó to để địu về nhà, quá trình địu về nhà khá là nặng. Em mong nhà mình sau này mua được một cái xe máy để chở cỏ bò, chở ngô chứ không phải địu trên lưng như thế này nữa”.

 

Ảnh của em Vừ Thị Dính (13 tuổi): “Đây là bà nội em đang tẽ hạt ngô, năm nay bà 52 tuổi. Bà rất vất vả nên em rất thương bà, những lúc bà đi làm em thường hay đi giúp bà. (…) Bà thường nói với em bây giờ cố gắng đi học để bà đi làm rồi khi nào em đi học về thì em sẽ giúp bà để bà nghỉ ngơi. Em muốn nói với bà “cháu thương bà nhiều lắm, cháu lớn rồi cháu sẽ cố làm giúp bà để bà không phải vất vả nữa nhé”.
Ảnh của em Vừ Thị Dính (13 tuổi): “Đây là bà nội em đang tẽ hạt ngô, năm nay bà 52 tuổi. Bà rất vất vả nên em rất thương bà, những lúc bà đi làm em thường hay đi giúp bà. (…) Bà thường nói với em bây giờ cố gắng đi học để bà đi làm rồi khi nào em đi học về thì em sẽ giúp bà để bà nghỉ ngơi. Em muốn nói với bà “cháu thương bà nhiều lắm, cháu lớn rồi cháu sẽ cố làm giúp bà để bà không phải vất vả nữa nhé”.

 


Ảnh của em Lầu Mí Lùa: “Người trong ảnh là em họ em tên Lầu Mí Co, em ấy đang luộc ngô để ăn. Qua bức ảnh này em muốn nói về sự khó khăn của người dân tộc HMông, bữa tối chỉ có những bắp ngô để ăn qua ngày, không có gạo để ăn. Những đứa trẻ này đang trong tuổi lớn thiếu thốn dinh dưỡng nên rất dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, phát triển chậm và bệnh tật. Em mong xã hội phát triển hơn và người HMông đỡ khổ, để làm được điều đó chúng em phải cố gắng vận động các bạn khác đi học và cố gắng học thật giỏi”.

Ảnh của em Lầu Mí Lùa: “Người trong ảnh là em họ em tên Lầu Mí Co, em ấy đang luộc ngô để ăn. Qua bức ảnh này em muốn nói về sự khó khăn của người dân tộc H'Mông, bữa tối chỉ có những bắp ngô để ăn qua ngày, không có gạo để ăn. Những đứa trẻ này đang trong tuổi lớn thiếu thốn dinh dưỡng nên rất dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, phát triển chậm và bệnh tật. Em mong xã hội phát triển hơn và người H'Mông đỡ khổ, để làm được điều đó chúng em phải cố gắng vận động các bạn khác đi học và cố gắng học thật giỏi”.

Mỗi bức ảnh một câu chuyện

Chúng tôi đi bộ vào bản thăm gia đình em Vừ - một trong những học sinh có ảnh trưng bày triển lãm khi trời nhá nhem tối. Nước mưa rừng táp vào mặt, đường đi lởm chởm đá.

Bên trong ngôi nhà của gia đình em Vừ.
Bên trong ngôi nhà của gia đình em Vừ.

Ngôi nhà đất bé nhỏ nằm chon von trên núi của gia đình Vừ hôm nay mất điện. Thấy khách đến chơi nhà, hai chị em Vừ nhanh nhẹn lấy lá, lấy củi nhóm lửa cho sáng. Bố Vừ mất sớm, thiếu vắng đi người đàn ông trụ cột trong gia đình, hai chị em Vừ sớm biết bảo nhau đỡ đần, gánh vác việc nhà cùng mẹ. Kinh tế gia đình chỉ trông vào nương ngô, nuôi lợn, gà.

Ánh mắt Vừ long lanh trong ánh lửa bập bùng khi líu lo kể chuyện về những bức ảnh em chụp và những ước mơ giản dị gửi gắm đằng sau đó.

 

Phương Nhung
(Email: nguyenphuongnhung@dantri.com.vn)