Cô Diệp - “người ngoài hành tinh”

(Dân trí) - Đã 15 năm, cô Trần Thị Ngọc Diệp không nhớ nổi cô đã cầm tay chỉ những nét chữ đầu tiên cho không biết bao nhiêu người nghèo khó không có cơ hội được đến trường học, cô nở nụ cười dịu dàng từ tốn “phải cũng đến gần cả ngàn…”.

Lấy chồng rồi theo chồng từ thành Huế vô Đà Nẵng. Được 10 năm, có với nhau được ba mặt con thì chồng cô mắc cơn bạo bệnh rồi qua đời dù đã phải tốn bao nhiêu tiền chắt chiu dành dụm rồi mượn nợ .

 

Chồng mất, cô bán nhà trong phố trả nợ, còn một phần cô chuyển đến chỗ ở mới (trước là vùng Ao Tôm, nay thuộc tổ 41 phường Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng- PV) tìm mảnh đất nhỏ dựng căn nhà lá làm lại từ đầu. Ngày đó cách nay đã 15 năm. Cuộc sống cùng chung nỗi cơ hàn với bà con xóm nghèo Ao Tôm bắt đầu từ đó và “cái tiếng” cô Diệp chuyên dạy trẻ nghèo, xoá mù chữ cho người lao động nghèo cũng từ đó. Đến vùng này, hỏi cô Diệp xoá mù chữ, ai cũng biết tỏ lối dẫn vào nhà.

 

Người ta bảo cô là người ngoài hành tinh

 

Hồi đó, đã tụ về vùng này nhất định là dân nghèo. Bà con ở đây chủ yếu là dân tứ xứ tập trung về mảnh đất gần sát biển này từ sáng sớm đến tối mịt bám chân trên bãi biển, gập người nhặt cá vụn, rồi bán mua đổi chác kiếm sống từng ngày. Cuộc sống vất vả, con nít lớn chừng 5-7 tuổi đã bắt đầu theo ba theo mẹ đi kiếm sống. Nhà nào cũng đông con mà nghèo không có tiền cho con đi học. Chưa có lúc nào cô nghĩ cuộc đời mình tối tăm như lúc đó. Người lớn chỉ vì 200 đồng đã đập lộn nhau. Trẻ con thì nheo nhóc, lớp theo ba mẹ đi kiếm sống, lớp ở nhà quậy phá, nghịch ngợm. Ngày nào cũng có cảnh cha mẹ nhà này sang “mắng vốn”, “bắt vạ” nhà kia. Những lời lẽ người ta dùng để chửi bới nhau, lời lẽ trẻ con nói với nhau, thật không dám kể lại. Vậy là mấy ngày đầu cô cứ đóng kín cửa nhà, bốn mẹ con ôm nhau sợ và khóc.

 

Hồi đó dẫu nghèo, cô cũng chưa bao giờ có ý định phải để con bỏ học. Đứa con gái lớn của cô lúc ấy đang học lớp 2. Cô vẫn hằng ngày chở con sang học bên trường cũ trong trung tâm thành phố. Tối về lại kèm con học. Trẻ con trong xóm nhòm qua cửa sổ. Nói là cửa sổ cho sang chứ chỉ là tấm phên tre lật lên lật xuống làm cửa, người trong mở cũng được, người ngoài mở cũng được. Mấy đứa trẻ con trong xóm nhìn thấy cô dạy con gái học mắt cứ tròn xoe, chỉ trỏ như là lạ lắm. Còn ba mẹ bọn trẻ con ấy, mọi người trong xóm thấy cô cho con gái đi học thì lại bảo cô này là người ngoài hành tinh.

 

Chuyện cô Diệp cho con đi học hồi ấy với bà con xóm này là chuyện kinh khủng lắm. Còn chuyện cô thấy kinh khủng là hầu như cả xóm này, từ trẻ con đến người lớn đều không biết chữ. Trời ơi, hỏi ra thì ai cũng bảo cho con đi học là xa xỉ, tiền đâu mà học, bản thân ba mẹ bọn trẻ cũng từng là trẻ thất học sớm ra đời kiếm sống mưu sinh, vậy là cả nhà không biết chữ. Chuyện vỡ ra khi một lần thấy mấy đứa trẻ con hiếu kỳ nhìn cô dạy con gái học. Cô hỏi: “các con có thích học không?”- Bọn nhỏ lí nhí “Thích nhưng không có tiền”. Vậy là cô bảo bọn nhỏ mỗi tối sang nhà cô học, cô không lấy tiền.

 

Một đứa, hai đứa, rồi bà con trong xóm nghe nói cô Diệp dạy chữ không lấy tiền rủ nhau đến nhà xin cô Diệp xoá mù chữ cho con. Con học rồi ba mẹ cũng xin được học cùng con, nhờ cô Diệp dạy cho cái chữ. Chuyện hai mẹ con, hai cha con học cùng một chương trình lớp 1 ở nhà cô Diệp là chuyện thường. Cô vốn không phải là giáo viên, không có bằng cấp sư phạm, chỉ bằng tấm lòng và kiến thức của cô nữ sinh Đồng Khánh thành Huế học giỏi có tiếng năm xưa 15 năm xoá mù chữ cho người nghèo không có điều kiện đến trường học và xoá mù chữ miễn phí. “15 năm, phải cũng đến cả ngàn người…”.

 

Cô Diệp - “người ngoài hành tinh” - 1

15 năm cô Diệp đã tận tâm xóa mù chữ cho cả ngàn học trò nghèo

 

Cô chẳng mất gì, lại nhận được cái tình thảo thơm của người nghèo

 

Sống trong xóm nghèo Ao Tôm lâu năm, hiểu nổi cơ hàn của họ mới thấy sau những câu nói năng bỗ bã là cái tình chân chất thảo thơm của người nghèo. Họ biết trọng cái chữ , họ là những người có suy nghĩ đáng quý. Chẳng qua cũng vì nghèo không có điều kiện đến trường mới thất học, mù chữ. Cô xoá mù chữ không lấy tiền. Nhưng nhà cô Diệp ở trong cái xóm sát biển này, cũng như những nhà trong xóm, mỗi năm đón vài ba trận gió bão là chuyện thường, cứ hễ có bão là mỗi nhà trong xóm đều cử một người sang giúp cô Diệp chèn chống nhà cửa trước hết rồi mới về lo cho nhà mình. Cô chẳng mất gì lại nhận được cái tình thoả thơm của người nghèo.

Ghi nhớ tình cảm này mà cô không bao giờ nói không với một đứa trẻ nghèo, một người nghèo, không chỉ riêng ở xóm này, mà ở tận đẩu tận đâu về bám biển mưu sinh, hễ có người xin học xoá mù chữ là cô Diệp nhận ngay. Dạy trẻ nghèo không lấy tiền cô Diệp làm gì để sống? Cô làm bánh bán dạo ban ngày, ban đêm xoá mù chữ miễn phí. Sau này, qui hoạch cô bán phần đất xây nhà cấp 4, mở cái quầy tạp hoá con con vừa bán vừa tranh thủ thời gian dạy học.

 

Cũng giống như bà con xóm Ao tôm xưa, cô xoay đủ nghề chỉ để đủ sống. Tài sản trong căn nhà cấp 4 khoảng 60 mét2 là mấy bộ bàn ghế, 2 cái bảng đen, 1 chiếc xe đạp và những tấm bằng khen Gia đình hiếu học. Cô con gái lớn của cô đã tốt nghiệp đại học Nông lâm Huế ra trường đã có việc làm. Hai cô con gái kế học cấp 3 và cấp 2 đều là học sinh giỏi. Niềm tự hào của cô giáo nghèo là các con thương mẹ, học giỏi, học trò nghèo đi đâu về đâu cũng nhớ cô Diệp, kính trọng cô Diệp.

 

Kể chuyện học trò, cô kể không bao giờ hết. Như là hai đứa trẻ cô đang dạy buổi sáng chúng tôi đến thăm nhà cô. Một em là Nguyễn Văn Cường, 14 tuổi, là con một nhà vạn đò ở bến Thuỷ An, Huế, mẹ mất, ba lấy vợ khác, cô ruột đem về Đà Nẵng nuôi và dẫn đến nhà cô Diệp học lớp 2, năm trước em học lớp 1 do các cô giáo dạy tình thương cho trẻ vạn đò ở Huế dạy học. Một em là Trần Văn Hạnh, 13 tuổi, chưa biết chữ, vừa mới theo cô Diệp học chương trình lớp 1 được 1 tháng nay, nhà đông anh em, mẹ đi bán dạo, rất lam lũ, khổ cực.

 

Cô Diệp cũng không quên cô học trò tên Nguyệt, ngày xin vào học xoá mù chữ đã 20 tuổi. Thông thạo mặt chữ rồi, nghỉ học đã mấy năm nhưng hễ có tâm sự, cần có lời khuyên là tìm về cô Diệp. Có đứa học cô xong rồi cô xin cho sang học bên trung tâm Giáo dục thường xuyên, học dần lên được đến hết lớp 12… Nhiều lắm, cô không nhớ hết.

 

***

Xin phép được viết bài về cô nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, viết bài về tấm gương người tốt việc tốt, cô Diệp xua tay: “Cô có chi mô mà viết. Thời con gái cô chưa từng nghĩ mình theo nghiệp nhà giáo chỉ là những người cùng cảnh nghèo giúp nhau thôi”. Cô còn cười nói giọng vui: “Duyện nghiệp đẩy đưa thôi. Thời thế thế thời thời phải thế”. Nhưng trong lòng mỗi người từng biết đến cô giáo Trần Thị Ngọc Diệp hay cô Diệp xoá mù chữ - “người ngoài hành tinh” đều khâm phục, nể trọng người phụ nữ đã dày công mang con chữ đến với người nghèo ấy.  

 

Bài và ảnh: Khánh Hiền