Khổ học thành tài:

Cô chủ “giàu” hai bàn tay

(Dân trí) - Tiệm may Ngọc Lan nằm gần cuối cái ngách 155 Hàng Bông (Hà Nội), sâu hun hút nhưng người đến may khá đông. Họ tìm đến tiệm may không chỉ để chia sẻ với người phụ nữ vượt lên số phận, mà còn vì yêu mến những đường kim, mũi chỉ khéo léo của chị.

Cơn sốt dịch bại liệt năm 1960 đã cướp mất đôi chân của cô út Ngọc Lan vừa tròn 1 tuổi. Tuổi thơ của chị là những ngày tháng quẩn quanh bên chân mẹ, đùa giỡn với những cuộn chỉ đủ màu, những mảnh vải cắt xén muôn hình muôn kiểu. Không biết từ bao giờ, niềm yêu thích của Ngọc Lan là nhìn mẹ “biến hoá” những mảnh vải chắp vá thành  những bộ quần áo xinh đẹp, vừa vặn. Nhà đông con (nhà chị có tới 7 anh chị em) nên mẹ thường lấy những bộ quần áo cũ của các anh chị sửa sang lại cho cô út đáng thương của mẹ.  Sự kiên nhẫn và khéo léo của đôi bàn tay bà đã truyền sang con gái. Ngọc Lan càng lớn càng gắn bó với công việc đan lát, thêu thùa.

 

Cùng với mẹ, chị nhận hàng về thêu. Đến năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, chị xin đi học may với suy nghĩ tạo dựng cho mình một công việc phù hợp và ổn định hơn. Khoảng thời gian đi học may của chị thật vất vả. Bố mẹ, các anh chị thay phiên nhau đưa chị đến nhà thầy. Những học trò khác cảm thấy nhẹ nhàng với nhát kéo cắt may thì đối với chị thật vất vả. Không còn đôi chân, chị phải ngồi lên bàn để cắt - mỗi khi cắt chị bò nhoài trên bàn - những đường cắt run rẩy, khó khăn...

 

Chăm chỉ tập luyện một thời gian, vững tay nghề, chị về mở tiệm may ngay tại căn hộ nhỏ bé của gia đình. Vừa khéo léo vừa chăm chỉ cập nhật những kiểu dáng trang phục nên kiểu may của chị rất hợp mốt. Người tìm đến tiệm may của chị theo lời giới thiệu ngày càng đông, họ đủ mọi lứa tuổi từ công nhân cho đến viên chức. Nhiều người đã trở thành khách “ruột” của chị.

 

Người viết bài này đã có dịp đến nhà và ngồi xem chị cắt may. Những mũi kéo sắc ngọt, những đường may mềm mại. Tôi cứ lo “chân chị như chiếc lá sao có thể đạp may...”. Chị cười chỉ cho tôi cái máy khâu chạy bằng mô tơ. Chị chỉ cần đưa nhẹ bàn chân là máy chạy rất đều. Nhìn lướt những bộ trang phục cho mọi lứa tuổi treo trên mắc, tôi cảm nhận phần nào cái tài may vá của người phụ nữ trước mặt. Khâm phục nghị lực của chị, có người đã đến theo học và phụ giúp chị công việc may. Chị bảo đối với hoàn cảnh của chị như thế này là may mắn lắm rồi.

 

Ngoài công việc cắt may, chị còn là tay bóng bàn đáng nể của Câu lạc bộ Khúc Hạo. Chị từng ẵm kha khá HCV, HCB tại Para Games và giải thi đấu toàn quốc. Khéo léo, mềm mại trong đường may - mạnh mẽ, dứt khoát trong đường bóng, thế cho nên mọi người mới gọi yêu chị bằng cái tên: cô chủ “giàu” hai bàn tay!

 

Thu Nguyên