Có bực mình không?
Sau buổi họp phụ huynh đầu năm cho con gái đang học lớp 7, chị hàng xóm của tôi phàn nàn: “Chú tính có bực mình không! Đầu năm vừa mới đóng 350.000 đồng các loại phí thì hôm nay họp phụ huynh, ông chi hội trưởng lại hô đóng tiếp vào quĩ lớp 200.000 đồng nữa”.
Chị tiếp tục than vãn: “Hầm bà lằng các thứ chú ơi. Nào là mua thêm bóng đèn, mua thêm quạt và may thêm rèm cửa tránh nắng cho các cháu. Nào là chi tiền thuê giáo viên tập văn nghệ trong các dịp lễ, tết. Nào là mua cây, mua đồ trang trí, làm báo tường để lớp chấm điểm thi đua….”.
Câu chuyện của chị hàng xóm cũng là câu chuyện đang tồn tại dai dẳng ở hầu hết các trường phổ thông hiện nay. Tuy vậy, nhiều phụ huynh lại không dám lên tiếng vì ngại đụng chạm đến chuyện tiền bạc và uy tín của giáo viên. Các phụ huynh không dám lên tiếng cũng có lý do riêng của họ, bởi bên cạnh họ đã xuất hiện một số ít phụ huynh tự nguyện đóng góp “trên mức tình cảm” hàng chục lần so với mức đóng góp chung, và kèm theo lời đề nghị khiếm nhã rằng các phụ huynh khác cũng nên nhìn nhau mà đóng góp...
Mùa tựu trường của con, bên cạnh nỗi lo về tiền trường, tiền lớp, tôi lại nhớ về thuở học trò xa lắc xa lơ của mình. Quá khứ 25 năm về trước hiện về và rõ nét nhất vẫn là hình ảnh thầy mẹ tôi chạy đôn chạy đáo lo học phí cho tôi trước mỗi mùa khai giảng năm học mới. Bây giờ gọi là học phí nhưng ngày ấy gọi nôm na là tiền xây dựng trường (mà làm gì có tiền để đóng).
Học phí hồi đó có thể được đóng góp bằng công lao động của phụ huynh hoặc bằng vật chất như tranh, tre, nứa (dùng để lợp nhà) hoặc rơm, bùn (dùng để đắp vách). Và bao giờ cũng vậy, cứ nhà nào đông con là được giảm theo tỉ lệ nhất định, thậm chí gia đình nào khó khăn, neo đơn quá thì thôi... Nhà trường thời ấy cũng chưa bao giờ kêu ca về chuyện đóng thiếu, đóng chậm học phí như bây giờ bởi họ vừa thương trò nghèo, vừa lo trò bỏ học...
Xã hội phát triển, nhu cầu tiêu dùng của mỗi cá nhân, tập thể ngày càng cao nên một số người cho rằng khoản đóng góp vào quĩ trường, quĩ lớp có thấm vào đâu so với chuyện chi tiêu của người đời.
Thế nhưng, chuyện lại không hề nhỏ bởi chúng ta vẫn bắt gặp thường xuyên và rất nhiều những mảnh đời lam lũ, khó nhọc đang từng ngày, từng giờ bươn chải, dành dụm từng đồng tiền nhỏ nhoi và khó nhọc để nộp tiền trường cho con.
Theo Ngọc Luận
Tuổi Trẻ