Bạn đọc viết:

Có “bó tay” tình trạng băng hoại đạo đức của một bộ phận học sinh?

(Dân trí) - Chuyện học sinh văng tục chửi bậy … quá bình thường, như một thứ “gia vị” ngôn ngữ để thể hiện “tầng lớp của thời đại”; Chuyện HS nữ đánh nhau hội đồng, xé quần, lột áo…như cơm bữa ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước; chuyện có khoảng 300.000 ca nạo phá thai trong độ tuổi vị thành niên mỗi năm ở nước ta…nguyên nhân do đâu? Và giải pháp nào khắc phục?


Học sinh chửi bậy, đánh nhau, nạo phá thai… chuyện như cơm bữa

Học sinh chửi bậy, đánh nhau, nạo phá thai… chuyện như cơm bữa

Giáo dục đạo đức học sinh giờ không thể coi là chuyện nhỏ dạy qua loa, lồng ghép hời hợt qua một số bài học rồi các thầy cô cảm thấy bằng lòng với nhau được. Vì chưa bao giờ đạo đức học sinh bị xuống cấp trầm trọng đáng báo động như bây giờ.

Chuyện học sinh cấp 1, cấp 2 văng tục chửi bậy trong sân trường, lớp học, ngoài đường, trên face … là chuyện quá bình thường, như một thứ “ gia vị” ngôn ngữ để thể hiện “tầng lớp của thời đại”. Chuyện học sinh nữ đánh nhau hội đồng, xé quần, lột áo vì những chuyện nhảm nhí, lãng xẹt, như: “ ghen tuông” hay vì “ chửi nhau” là chuyện xảy ra như cơm bữa ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Những chuyện học sinh vác dao đuổi thầy, xông vào đánh thầy xuất hiện nhan nhản trên các báo điện tử.

Chỉ cần gõ google tra “ học sinh đánh thầy giáo” có khoảng 907.000 kết quả xuất hiện trong 0,17 giây. Còn những chuyện học sinh quan hệ tình dục độ tuổi vị thành niên, dắt nhau vào nhà nghỉ là chuyện người lớn chúng ta ai cũng biết, hiểu nhưng chưa bao giờ chúng ta nhìn thẳng vào sự thật để “ tâm sự”, “ gỡ rối” và phòng ngừa cho các em.

Tất cả những nguyên nhân này xuất phát do đâu? Rất nhiều. Nhưng tựu chung lại có thể là mấy nguyên nhân sau:

1. thế hệ các em 9X, 10X khác với thế hệ trước chúng tôi, bởi tuổi thơ của các em đa số được nuôi dưỡng bằng công nghệ, máy tính, bàn phím, con chuột.

Tôi nhớ tuổi thơ của tôi được sống bằng những câu ca dao, bài hát, câu chuyện bà kể, những lời ru ấu ơ ví dầu của mẹ; bằng những buổi chiều hè thả diều trên máng lộng gió, những cánh cò bay lả bay la... Nhưng giờ chỉ cần lướt qua mấy quán điện tử thấy em nào cũng đôi mắt rực lủa, bàn tay khua loạn phím trong những trò chơi chém giết như Đột kích, Liên minh … kèm theo đó là những lời chửi tục tĩu.

Tôi thử hỏi những thế hệ học sinh đó có nghĩ đến học hành, tương lai, có nghĩ đến trách nhiệm của cá nhân không? Khó nói lắm. Nhưng có một điều chắc chắn chúng ta có thể khẳng định với nhau là trái tim các em khô cằn,chai sạn,vô cảm và thờ ơ với thế giới thực tại. Trái tim các em ít yêu thương và tha thứ, khoan dung chỉ nhường cho “ cái tôi” và sự sân hận trong một thế giới ảo. Điều đó giải thích vì sao các em dễ nổi nóng, dễ có những hành động bộc phát mà người lớn chúng ta không thể lưởng trước được.

2. cũng vì sớm tiếp xúc với công nghệ nên việc các em tiếp nhận các nguồn thông tin rất nhanh. Có điều bên cạnh những thông tin thời sự, những tin tức nên nghe thì các em lại chủ yếu quan tâm tới những tin tức của giới “ Showbiz”, của những hot girl, hot boy … rồi cả những bộ phim “ đen”, những văn hóa ngoại lai, “ sống gấp”.

Với lứa tuổi của các em đang lớn, đang hình thành nhân cách, lại tò mò, thích thể hiện. Bởi vậy, các em dễ dàng bị hấp thụ những văn hóa phản truyền thống để thể hiện “ cái tôi” của mình trước người lớn.

Điều đó giải thích cho ta hiểu vì sao học sinh ngày nay có thể xem nhẹ văn hóa truyền thống, xem nhẹ giá trị bản thân để có thể sống gấp và “ dễ dãi” như vậy.

3. Trong khi sự ảnh hưởng của văn hóa, lối sống, tư tưởng phản truyền thống, đi ngược giá trị đạo đức rất dễ trở thành phong trào trong giới trẻ học đường thì “ sự im lặng”, buông lỏng quản lí và những bài giảng “xa vời” của các thầy cô chẳng khác sự “ đồng lõa” với những lối sống, tư tưởng đó của các em.

Thực tế chuyện học sinh đánh nhau, có thể trong thế giới của các em, khối lớp của các em ai cũng biết nhưng chẳng một ai thông báo với thầy cô giáo. Một là sợ liên lụy, hai là các em thiếu tin tưởng các thầy cô vì nghĩ chưa chắc các thầy cô đã giải quyết một cách triệt để, ba là các em cho là chuyện bình thường, mình cũng muốn xem bọn nó đánh nhau.

Bởi vậy, các thầy cô chỉ biết khi sự việc đã xảy ra rồi. Thế nên mọi hình thức xử lí xem ra cũng chỉ là giải quyết hậu quả mà thôi. Ngay cả việc học sinh có yêu đương, có quan hệ nam nữ, các thầy cô biết nhưng cũng chưa có biện pháp giáo dục, có hình thức tuyên truyền nhằm “ phòng ngừa”, “ giảm thiểu” và cho các em một suy nghĩ đúng hướng trước việc đó.

Hậu quả thì cả xã hội biết, có khoảng 300.000 ca nạo phá thai trong độ tuổi vị thành niên mỗi năm ở nước ta. Với con số trên, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và thứ 5 trên thế giới về nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên. Con số khủng khiếp đó có làm các bậc phụ huynh và những người thầy cô, những nhà quản lí giáo dục chúng ta giật mình và đáng suy nghĩ không?

4. Nói đi cũng phải nói lại, cũng một phần lớn trong số các em đó có tính đua đòi, a dua, thích thể hiện. Tính tự lập kém, thiếu tự chủ và bồng bột của các em cũng dễ làm các em trở thành đồng lõa hoặc bị lôi kéo vào những trò chơi hay những vi phạm đạo đức.

5. Sự buông lỏng quản lí của gia đình, sự bươn chải vì miếng cơm manh áo làm cho những bậc làm cha làm mẹ ít có thời gian quan tâm tới con, thiếu đi những bữa cơm gia đình,hay truyền thống gia phong đều làm cho các em dễ dàng vuột khỏi tầm tay của chúng ta.

6. Sự thiếu đồng bộ, sự thiếu phối hợp trong các ban ngành khi quản lí giáo dục các em cũng là một nguyên nhân không nhỏ. Trong nhà trường chưa làm nổi bật vị trí, vai trò của Hội phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường giáo dục đạo đức các em( trong khi thực sự Hội phụ huynh chỉ có vai trò đứng ra thu chi tiền hội). Giữa nhà trường với đội an ninh, công an của UBND xã (phường), quận (huyện) chưa có sự bắt nhịp trong quá trình tuyên truyền, đề ra biện pháp răn đe, giáo dục các em một cách quyết liệt khi cần thiết.

Giáo viên phải gần gũi học sinh

Để giải quyết và giảm thiểu những hệ lụy trong đạo đức của học sinh, chúng ta nên có những biện pháp sau:

Đầu tiên Bộ giáo dục phải tiến hành thay đổi nội dung dạy học sinh. Việc truyền thụ kiến thức cho mỗi cấp học nên khác nhau và vừa phải, đừng quá dàn trải kiến thức, môn nào cũng bắt học,cũng nhồi nhét nên học sinh không còn chút thời gian nào để vui chơi, để giao tiếp, để học những bài học cuộc sống, những kĩ năng sống cần thiết, những giá trị truyền thống cội nguồn dân tộc.

Đừng đặt nặng bao nhiêu phần % tốt nghiệp, bao nhiêu % đỗ cấp 3 hay bao nhiêu % vào đại học mà nên quan tâm sản phẩm của mình tạo ra nó sống và ứng xử như thế nào với cộng đồng và xã hội, nó ứng dụng được gì từ việc học trong thực tế cuộc sống. Để làm điều đó nội dung sách giáo khoa vừa phải phù hợp tâm lí lứa tuổi, vừa bắt kịp với thực tế ứng dụng, không nên dạy gò bó, áp đặt, giáo điều và nặng lí thuyết.

Tại các cơ sở nhà trường nên thành lập tổ tâm lí bên cạnh các tổ chuyên môn truyền thống. Các thầy cô tổ tâm lí có nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn, tháo gỡ và đưa ra những cách ứng xử và suy nghĩ, tâm lí đúng hướng cho những học sinh của mình khi các em gặp hoàn cảnh, gặp chuyện “ khó” trong học tập, quan hệ bạn bè, gia đình.

Các thầy cô hàng năm phải lên lịch, kế hoạch chủ động để tổ chức những chương trình giảng dạy tâm lí cho phù hợp với từng lứa tuổi, khối lớp. Để làm được việc đó bản thân các thầy cô tổ tâm lí phải chịu khó tiếp xúc, sống thân mật, gần gũi, cởi mở với các em.

Một mặt nắm bắt tâm lí các em, mặt khác để nắm bắt thông tin, hoàn cảnh học sinh này thông qua học sinh khác.Nhà trường nên có những chính sách hỗ trợ và động viên khuyến khích với thầy cô làm công tác tư vấn tâm lí cho học sinh, nên có phóng chức năng riêng khi có điều kiện.

Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với thầy cô giáo , thầy tổng phụ trách thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, động viên tinh thần học tập cũng như rèn luyện nền nếp của các em thông qua những bài giảng, buổi sinh hoạt. Nên giao nhiệm vụ cho các thầy cô giáo dạy văn tiến hành thường xuyên những buổi ngoại khóa dạy giá trị sống, kĩ năng sống.

Những buổi sinh hoạt tập thể như trò chơi dân gian,thi vẽ tranh, dạy nấu ăn, thêu thùa, tham quan, những hoạt động vui chơi bổ ích hỗ trợ kiến thức tâm lí … để lôi kéo, cuốn hút các em về phía các thầy cô.

Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với đội an ninh xã, phường kiên quyết bắt tháo dỡ, di dời, giải tán các quán điện tử hoặc phải cách xa cổng trường tối thiểu 1km. - Phối hợp các chuyên gia tâm lí tiến hành những buổi ngoại khóa thường xuyên nhằm giáo dục tâm lí giới tính cho các em.

Hoàng Việt Dũng (Trường THCS Yên Phú – Yên Mỹ - Hưng Yên)