“Có ác không khi cho con học nội trú từ khi 15 tuổi?”
Nhiều người bảo tôi, sao cha mẹ ác thế, bé thế kia mà đã bắt nó đi “bộ đội”. Tôi chỉ cười, vì trước khi quyết định cho con học nội trú ngay từ cấp 3, tôi cũng đã có một thời gian đấu tranh rất gay gắt, và chính bản thân mình cũng phải tự trả lời câu hỏi “liệu tôi, và các ông bố bà mẹ đang có con học nội trú từ cấp 3, thì có phải là ác không”?
Nếu quan niệm không được dùng điện thoại thông minh là cực hình, câu trả lời sẽ là có.
Bạn xa được chiếc điện thoại thông minh trong bao lâu? Bạn có bứt rứt khi không được thoải mái lướt mạng hay check in Facebook. Nếu lựa chọn cho con học nội trú, điều đầu tiên cần đả thông tư tưởng các con chính là việc xa rời điện thoại. Một số trường nội trú có tủ khoá điện thoại trong giờ học cho cả học sinh lẫn giáo viên. Một số trường chỉ cho phép sử dụng điện thoại kiểu "cục gạch". Máy tính xách tay hay máy tính bảng màn hình trên 8 inch được sử dụng bình thường trong giờ quy định, do vậy, con hoàn toàn vẫn có thể cập nhật thông tin chứ không bị “cô lập”.
Thói quen thay đổi nhờ kỷ luật. Con bạn sẽ ít dùng điện thoại thông minh hơn ngay cả khi về nhà ngày cuối tuần.
Nếu quan niệm con phải có “ô sin để phục vụ”….
Khi đứa con mà bạn nghĩ vẫn còn bé bỏng ở bên vòng kiểm soát của bạn, nhiều gia đình không yêu cầu con cái làm việc nhà, nhất là khi đã có người giúp việc. Nhưng sống trong môi trường nội trú, lịch hoạt động mỗi sáng sớm khi thức dậy sẽ là dọn giường, phòng ngủ, vệ sinh cá nhân, tập thể dục. Hành lang, khu vệ sinh chung cũng được dọn dẹp bởi chính các con theo lịch trực nhật. Con bạn sẽ tự lập quản lý thời gian biểu sinh hoạt và học tập dưới sự giám sát nhắc nhở của giáo viên quản nhiệm, người chia sẻ với các con đời sống ký túc xá. Các bữa ăn đều phải xếp hàng tại căng tin, tài chính được quản lý vì mọi chi tiêu đều thanh toán bằng thẻ học sinh.
Các phụ huynh có thể truy cập thẻ để quản lý, nhắc nhở về số tiền và cơ cấu chi tiêu. Bạn nào thừa cân, hệ thống kiểm soát thẻ đều ghi chú để nhân viên nhà ăn cung cấp suất ăn phù hợp. Ăn xong, các con tự phân loại đồ ăn thừa cũng nhưđồ dùng ăn uống vào khu vực phù hợp, tự dọn dẹp khu vực bàn ăn. Mức kỷ luật nhẹ nhất khi phạm lỗi chính là lao động công ích, rửa bát trong nhà ăn hoặc quét dọn sân trường. Giờ nghỉ trưa điểm danh tại phòng. Giờ tự học điểm danh tại giảng đường và thư viện. Các thiết bị điện tử không sử dụng khi đến giờ đi ngủ. Quản lý và giám sát theo nội quy giúp các con tự lập hơn. Và chưa bao giờ con bạn có cơ hội trưởng thành trong chính môi trường học của mình như thế.
…phải có “gia sư để kèm cặp”, thì câu trả lời cũng không thay đổi.
Tôi đã đọc được một câu nói của thầy Văn Như Cương, “Có hai thứ của xã hội hiện đại đang trực tiếp góp phần làm “hỏng” con cái trong các gia đình khá giả ở thành phố, đó là gia sư và ô sin”. Tôi không phản đối quan điểm “tẩy chay” ô sin và gia sư. Nhưng tôi kiên định theo con đường của mình, đó là không làm thay con và không học thay con.
Học nội trú có nghĩa là các con có 5 ngày toàn thời gian ở trường. Như vậy cũng có nghĩa là các con phải rèn thói quen tự học. Không có gia sư nhưng sẽ có các tiết học bổ sung của giáo viên bộ môn cho những bạn còn yếu. Không có gia sưnhưng các con có thể học nhóm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Bạn giỏi giúp đỡ bạn chưa giỏi. Các con sẽ trở thành gia sư không nhận lương nhưng đủ đầy sự gắn kết bạn bè.
Quan niệm cha mẹ phải che chở, lo lắng cho con từng miếng ăn giấc ngủ đã không còn thực sự phù hợp trong bối cảnh hiện đại. Nếu “ác” mà con tự lập, tự hoàn thiện để sau này không ngã ngựa trước những biến cố cuộc đời, thì tôi vẫn chấp nhận mang tiếng ác.
Và tôi tin, con tôi cũng sẽ không trách bố mẹ nó ác, bởi đơn giản những giá trị nó học được khi sống xa nhà, trưởng thành trong một môi trường nội trú lành mạnh là điều mà chính con cũng mong muốn.
Thu Thủy - PHHS trường THPT FPT School