Chuyện kể về hai “lão tướng” Bắc Kạn

(Dân trí) - Đã quá cái tuổi xưa nay hiếm nhưng “lão tướng” Hà Văn Viết và “lão tướng” La Văn Ngâm của vùng cao Bắc Kạn vẫn “bảy nổi ba chìm” cùng phong trào khuyến học trong suốt 20 năm qua.

900 nghìn đồng +...

 

Sau 30 năm công tác trong nghề giáo dục và dân tộc, tôn giáo, đến năm 1984 ông Hà Văn Viết về nghỉ hưu ở xã Dương Quang, huyện Na Rì và mang theo cả một khát vọng cháy bỏng là khuyến học để góp sức cho quê hương mình. Năm 1990 ông đã vận động được 20 nhà giáo về hưu trong xã thành lập Quỹ Khuyến học. Nguồn của quỹ là từ những đóng góp của các nhà giáo nghỉ hưu và quỹ được sử dụng để mua phần thưởng cho các em học sinh giỏi của xã.

 

Sau 17 năm và sau 4 lần góp quỹ, tổng số tiền chỉ có 900 nghìn đồng nhưng nó cũng được gửi ngân hàng lấy lãi làm tiền thưởng. Cứ đến cuối năm học, người thầy giáo già này lại  trích từ số tiền nhỏ bé đó để khen thưởng cho các em học sinh giỏi trong xã. Đã có 50 học sinh nghèo đươc sưởi ấm bằng những món quà nhỏ bé của quỹ này.

 

Đến năm 2000 UBND xã Dương Quang thành lập Quỹ Khuyến học của xã. Năm 2005, ông Hà Văn Viết được bầu làm Chủ tịch Hội khuyến học của xã, nhưng do tuổi cao ông xin nghỉ chức danh Chủ tịch khuyến học mà chỉ tham gia trong Ban chấp hành Hội.

 

Vào các dịp như vui trung thu, tết thiếu nhi 1/6, bế giảng năm học, Hội khuyến học lại phối hợp với nhà trường, trích quỹ thưởng cho các em học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó. Số tiền thưởng cho các em đến nay là 4 triệu đồng.

 

Cứ vào mùng 4 tháng giêng âm lịch hàng năm, xã lại tổ chức gặp mặt các em học sinh giỏi, sinh viên trong xã để trao đổi kinh nghiệm học tập. Trong 4 năm trở về đây xã có 16 em học đại học, trong đó 2 em là học sinh giỏi cấp quốc gia. Riêng gia đình ông Viết có 6 người con đã học qua đại học chính quy, tại chức và đang công tác ở các sở, ban ngành trong tỉnh.

 

900 nghìn từ những năm 90, đã gần 20 năm trôi qua, tuy số tiền không được cộng lên là bao nhưng phong trào khuyến học của xã Dương Quang đã được nhân lên gấp bội phần.

 

75 tuổi vẫn cắt rừng, vượt suối làm khuyến học

 

Chuyện kể về hai “lão tướng” Bắc Kạn - 1

"Lão tướng" La Văn Ngâm.

Cũng như ông Hà Văn Viết, ông La Văn Ngâm năm nay đã bước vào tuổi 75 và cũng có trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao. 75 tuổi rồi nhưng ông vẫn thường xuyên đi đến cơ sở, đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để vận động người dân thực hiện công tác khuyến học.

 

Cả cuộc đời của ông La Văn Ngâm là cả cuộc đời lặn lội trèo đèo lội suối cho sự học. Sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều không biết chữ nên khi làm việc gì liên quan đến giấy tờ đều phải điềm chỉ, chính vì vậy ông La Văn Ngâm quyết tâm đi học.

 

Năm 1950, thị xã Bắc Kạn được giải phóng, tỉnh mở trường cấp II. Ông đã khăn gói đi bộ gần 50km đường rừng ra thị xã theo học. Ông phải tự làm lán để ở, hàng tháng đi bộ về nhà mang theo gạo. Khó khăn vất vả nhưng được học chữ đó là niềm mơ ước lớn nhất của ông.

 

Tốt nghiệp Trung cấp sư phạm ở Trung Quốc năm 1956, ông trở lại Bắc Kạn và đến Na Rì vận động nhân dân mở trường dạy học, sau đó ông tiếp tục học tiếp Đại học Sư phạm Hà Nội và dạy trường cấp III Bắc Kạn. Rồi ông được bổ nhiệm Hiệu trưởng trường cấp III, rồi Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục. Dù ở cương vị nào, sự học của những người dân nghèo vùng cao vẫn luôn là nỗi trăn trở lớn nhất của ông.

 

Năm 1999 tỉnh Bắc Kạn thành lập Ban vận động xây dựng Hội Khuyến học, ông La Văn Ngâm được mời làm thường trực đầu tiên, ông bắt tay vào công việc với nhiệt tình đam mê không kém gì thời thanh niên sôi nổi khăn gói đi học.

 

Ngày ngày, không quản đường xa, không ngại tuổi tác, ông Ngâm vẫn miệt mài đi tuyên truyền vận động khắp nơi. 8/8 huyện, thị của Bắc Kạn ông đều đến để vận động người dân tham gia khuyến học. Có lần ông đi cơ sở 3 đến 4 ngày liền, đi xuyên từ xã này sang xã khác, ông vận động từ các thôn, bản đến các cấp uỷ, chính quyền.

 

Đã có nhiều học sinh nghèo tưởng như ước mơ đã tắt nhưng nhờ sự không biết mệt của lão tướng Ngâm, ước mơ của các em lại đã được nhóm lên. Chẳng hạn như 2 em Hoàng Thị Linh, Hoàng Thị Liên mẹ mất sớm, bố bị bệnh. Mọi sinh hoạt gia đình chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của ông ngoại. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Khuyến học, 2 em tiếp tục được đi học. Đến nay, Linh đã tốt nghiệp Đại học Thuỷ Lợi Hà Nội và Liên đang theo học Trường Trung cấp Lâm Nghiệp ở Quảng Ninh.

 

Hay như em Thìn ở Mĩ Phương, Ba Bể, nhà Thìn nghèo lắm, em thi đỗ Đại học Xây dựng nhưng phải nghỉ học giữa chừng vì gia đình quá khó khăn. Biết được hoàn cảnh của em, ông Ngâm và Hội Khuyến học Ba Bể đã kêu gọi sự tài trợ, đến nay Thìn tiếp tục được theo học.      

 

Trang Thanh

(Báo Bắc Kạn)