Chuyên gia thế giới ca ngợi thành tích vượt trội của học sinh Việt Nam
(Dân trí) - Tạp chí Diplomat có trụ sở đặt tại Nhật Bản mới đây đã có bài phân tích giải thích lý do tại sao học sinh Việt Nam lại có thể vượt qua được những khó khăn về kinh tế-xã hội để đạt được những thành tích cao trong giáo dục theo đánh giá của PISA.
Bạn bè quốc tế nể phục
Theo số liệu mới nhất của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), mặc dù mới tham gia vào các kỳ đánh giá của PISA từ năm 2012 song các học sinh Việt Nam đã có những kết quả đáng chú ý gây xôn xao giới chức giáo dục và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.
Theo đó, trong số 65 nước tham gia chương trình PISA, Việt Nam xếp thứ 17 về toán học, thứ 8 về khoa học và thứ 19 về đọc hiểu. Đáng chú ý là thứ hạng của Việt Nam trong PISA bỏ xa các nước có nền kinh tế phát triển mạnh như Mỹ, Anh hay Australia.
Giới phân tích cho rằng trường hợp của Việt Nam chính là minh chứng cho việc không phải lúc nào những thành tựu trong giáo dục cũng song hành với sự phát triển về kinh tế.
Điều đặc biệt hơn nữa khiến học sinh Việt Nam được bạn bè quốc tế nể phục là khi chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thường được cho là nguyên nhân dẫn tới nền giáo dục yếu kém tại các nước đang phát triển.
Bài phân tích đã liệt kê một số khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải như tỉ lệ trẻ em không được đi học cấp 2 cũng như hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam cũng không được đánh giá cao khi sinh viên tốt nghiệp thường bị cho là thiếu tư duy phản biện, khả năng làm việc theo nhóm cũng như khả năng giao tiếp còn hạn chế.
Thực sự ấn tượng với khả năng của học sinh
Ngoài ra, thành tích của những học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam cũng gây bất ngờ đối với trong kỳ sát hạch PISA.
Ông Andreas Schleicher, quan chức của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết: "Khoảng 17% học sinh ở độ tuổi 15 có hoàn cảnh khó khăn nhất của Việt Nam nằm trong số 25% học sinh có thành tích cao nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia bài kiểm tra PISA. Khi so sánh điểm trung bình của các nước OECD với nhau thì chỉ có 6% học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt được mức trên”.
Nếu so sánh các kết quả của PISA, Việt Nam thậm chí còn xếp trên cả Hàn Quốc và nếu so sánh tương quan giữa kết quả bài thi sát hạch của PISA với sự chênh lệch về phát triển kinh tế giữa 2 nước.
Ngoài ra, một số bài kiểm tra độc lập tại Việt Nam cũng cho thấy khả năng của học sinh Việt Nam là vô cùng ấn tượng và khẳng định thứ hạng cao của Việt Nam trên PISA không phải chỉ dựa trên một số kỹ năng làm bài thi hay trên giấy tờ.
Theo khảo sát của dự án Young Lives, khả năng của học sinh Việt Nam thực sự ấn tượng. Cứ 20 học sinh 10 tuổi thì có khoảng 19 em có thể làm phép cộng 4 chữ số, 85% có thể làm phép trừ phân số. Khi so sánh với học sinh Ấn Độ, quốc gia có mức GDP bình quân đầu người tương đương, 47% học sinh lớp 5 tại nước này thậm chí còn không làm được phép trừ các số có 2 chữ số.
Để lý giải cho thành tích trên của Việt Nam, một số nhà quan sát cho rằng sự đầu tư mạnh mẽ từ chính phủ vào công tác giáo dục. Theo đó, Việt Nam đã chi 21% ngân sách vào ngành giáo dục, cao hơn bất kỳ quốc gia nào trong OECD. Bên cạnh đó, những chính sách giáo dục cần trọng và cam kết của chính phủ cũng được coi là nhân tố chính giải thích cho sự thành công của nền giáo dục Việt Nam.
Thành tích của học sinh Việt Nam một phần là do đầu tư và sự kỳ vọng của phụ huynh
Thành công là nhờ sự kỳ vọng cao của các bậc phụ huynh
Trong một bài bình luận mới đây đăng trên BBC, ông Schleicher cho rằng, thành công của Việt Nam là nhờ một chương trình giảng dạy tập trung và các giáo viên được đầu tư nhiều hơn, có vị thế xã hội cao hơn. Trong đó, chương trình giảng dạy được thiết kế theo hướng cho phép học sinh hiểu sâu các khái niệm cốt lõi và nắm vững những kỹ năng quan trọng, khác với chương trình “dàn trải nhưng thiếu chiều sâu” ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngoài ra, các giáo viên cũng nhận được sự ủng hộ từ các bậc phụ huynh và kỳ vọng vào con đường học tập của con cái, cũng như xã hội luôn đánh giá cao công việc khó khăn này. Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư vào giáo dục từ khu vực nhà nước và tư nhân cũng đã tăng lên trong thời gian qua nhờ các chính sách khuyến khích của chính phủ.
Trong khi đó, ông Javier Luque thuộc Ngân hàng Phát triển liên Mỹ cũng đồng tình với ý kiến của ông Schleicher đồng thời nhận định thêm rằng chính sự kỳ vọng cao của các bậc phụ huynh cũng dẫn tới kết quả trên.
Trong số 65 quốc gia tham gia PISA, Việt Nam xếp thứ 8 về mức độ kỳ vọng của phụ huynh vào việc học tập của con em họ. Các bậc phụ huynh cũng không tiếc tiền đầu tư cho con đi du học. Minh chứng cho điều này là Việt Nam xếp thứ 8 trong số các quốc gia có học sinh ở bậc trung học phổ thông đến Mỹ học tập.
Trên đây là những lý do chính mà các chuyên gia cho rằng là nhân tố chính dẫn tới sự phát triển vượt bậc của nền giáo dục Việt Nam bất chấp việc nền kinh tế chưa thực sự phát triển mạnh. Mặc dù các yếu tố trên vẫn đang là vấn đề tranh cãi của các giới chức giáo dục song không thể phủ nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực này.
Và Việt Nam đang trở thành một trong những hình mẫu để các nước ASEAN học hỏi về việc tập trung ngân sách vào giáo dục cần phải đi đôi với các chính sách hợp lý và tinh thần học hỏi từ các nền giáo dục phát triển khác.
Ds.K (theo Diplomat)