Chuyên gia người Úc tìm lối cho GDĐH Việt Nam "ra biển"

(Dân trí) - Cấu trúc giáo dục đại học Việt Nam thiếu tính hội nhập, hệ thống quản lý rời rạc, tính tự chủ trường học còn kém và tài trợ cho nghiên cứu thiếu cạnh tranh…

Đó là một trong những nội dung nổi bật của “Kế hoạch 9 điểm” mà GS Martin Hayden, Trưởng khoa Giáo dục và Phó Hiệu trưởng Đại học Southern Cross (SCU), Úc đặt ra nhằm xây dựng hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) hội nhập toàn cầu cho Việt Nam.

GDĐH Việt Nam mở rộng nhanh nhưng vẫn khó hội nhập

GS Martin Hayden đánh giá, hệ thống GDĐH Việt Nam đang mở rộng rất nhanh chóng. Từ năm 2001 đến 2011, trung bình mỗi năm có 8 trường ĐH và 12 trường CĐ được thành lập, số lượng sinh viên (SV) hàng năm tăng 9%, một con số rất cao. Tỷ lệ SV trên 100.000 dân tăng từ 162 vào năm 2001 lên 251 vào năm 2011. Với mức tăng trưởng này, dự đoán đạt 400 SV/100.000 dân trước năm 2020.

GDĐH Việt Nam mở rộng nhanh nhưng khả năng hội nhập kém. 
Giáo dục đại học ở Việt Nam mở rộng nhanh nhưng khả năng hội nhập kém.

Một trong những bước ngoặt quan trọng là việc thành lập hai ĐH Quốc gia và ba ĐH vùng là những cơ sở GD lớn, đa ngành và gắn kết hơn với nghiên cứu. Việc áp dụng một khung văn bằng chứng chỉ quốc gia mới cũng như chấp thuận sự tồn tại của khu vực GDĐH tư là một bước đi nổi bật của GDĐH Việt Nam.

Tiếp đó, GDĐH Việt Nam đã có những cải cách mạnh mẽ. Đặc biệt từ năm 2005 nhiều cải cách được thực hiện như cấu trúc chương trình mới, nhiều chương trình liên quan đến hợp tác quốc tế, sự vận dụng hệ thống đào tạo theo tín chỉ, đã có trường ĐH “kiểu mới” được thành lập trên cở sở hợp tác với đối tác quốc tế…

Tuy vậy, ông Martin Hayden cho rằng những cải cách chưa đáp ứng được tham vọng. Và nếu không có cải cách lớn hơn GDĐH Việt Nam khó lòng hội nhập toàn cầu trước năm 2020.

Kế hoạch 9 điểm cho GDĐH Việt Nam

GS Hayden đưa ra “Một kế hoạch chín điểm” nhằm xây dựng hệ thống GDĐH hội nhập toàn cầu cho Việt Nam. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chọn lọc một số nội dung cơ bản.

Xây dựng một cấu trúc hội nhập hơn

Hệ thống GDĐH Việt Nam rất phức tạp bao gồm các ĐH Quốc gia, ĐH vùng, viện nghiên cứu, học viện, trường ĐH đa ngành, chuyên ngành, CĐ sư phạm, CĐ kỹ thuật nghề… Hệ thống này với tư cách một tổng thể không hề tuân thủ một cách nhất quán với bất kỳ một cấu trúc bằng được công nhận nào trên toàn cầu.

GS Martin Hayden cho rằng Việt Nam cần cấu trúc hệ thống GDĐH hội nhập tốt hơn. 
GS Martin Hayden cho rằng Việt Nam cần cấu trúc hệ thống giáo dục đại học hội nhập tốt hơn.

Trong đó có các vấn đề nổi cộm như vai trò nghiên cứu của các trường ĐH không được nhấn mạnh, chủ yếu tập trung giảng dạy; các trường CĐ chật vật cạnh tranh với các trường ĐH và tìm mọi cách để trở thành trường ĐH; chỉ 14,4% giảng viên ở Việt Nam có bằng TS...

GS Martin Hayden đề xuất cấu trúc hệ thống GDĐH Việt Nam hội nhập tốt hơn với 4 phân tầng: Các trường ĐH tập trung mạnh cho nghiên cứu, chiếm khoảng 5% tổng số SV, đào tạo cấp bằng cử nhân, ThS và TS; các trường ĐH giảng dạy và định hướng nghiên cứu chiếm khoảng 20% tổng số SV; các trường ĐH tập trung giảng dạy chiếm khoảng 25% tổng số SV chỉ cung cấp chương trình đào tạo nghề nghiệp ứng dụng bậc ĐH và ThS và 50% SV học ở các trường CĐ đào tạo các ngành cấp bằng CĐ 2 hoặc 3 năm.

Có vậy mỗi loại trường mới có vai trò và trách nhiệm cụ thể xây dựng theo hướng đi và mục đích nhất quán.

Xây dựng một tổ chức điều phối duy nhất

Theo vị GS này, thẩm quyền ra quyết định trong hệ thống GDĐH Việt Nam đang phân tán khá rộng từ Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các bộ ngành và chính quyền địa phương dẫn đến việc quản lý rời rạc. Sự phân tán thẩm quyền này hạn chế nghiêm trọng năng lực tạo ra sự tiến bộ theo cách thức dựa trên sự điều phối chung.

Việc xây dựng và thực hiện chính sách ở tầm hệ thống cũng có rắc rối như Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm ban hành các quy định và văn bản pháp lý cho hệ thống GDĐH nói chung. Các Bộ chủ quản cũng lặp lại vai trò này nhưng lại ít có sự trao đổi thảo luận giữa các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền về những vận hành ảnh hưởng đến hiệu quả của hệ thống.

Ông Hayden nhấn mạnh, Việt Nam đã có nghị quyết đề xuất xóa bỏ bộ chủ quản đối với các trường ĐH công lập nhưng đến nay vẫn không có cơ chế nào được thiết lập để điều phối hệ thống từ khi đề xuất này được nêu ra. Vấn đề cấp bánh là cần có một cơ quan điều phối duy nhất có thẩm quyền đối với cả hệ thống.

Vấn đề tự chủ ĐH công lập và tài trợ nghiên cứu cần cạnh tranh hơn

Theo hiệp hội ĐH Châu Âu, mức độ tự chủ ĐH cấp quốc gia ở các trường dựa trên 4 tiêu chí: tổ chức, tài chính, nhân sự và học thuật thì các trường ở Việt Nam đang hạn chế cả 4, chủ yếu do các bộ ngành quyết định phần lớn. Thế nên các trường ĐH công lập đang được đặt ở tình trạng không có hệ thống điều phối hiệu quả và không được quyền tự chủ.
 

GS Martin Hayden là một trong những nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng nhất của Úc và trên thế giới, với lĩnh vực nghiên cứu chính là GDĐH. Ông là người lãnh đạo của nhóm Tư vấn Quốc tế thực hiện hợp phần "Cải cách quản trị ĐH" trong Dự án GDĐH 2 của Bộ GD-ĐT Việt Nam. GS. Hayden đã công bố nhiều sách và bài báo nghiên cứu về GDĐH Việt Nam.

GS Hayden cho rằng, các trường ĐH Việt Nam còn tập trung nhiều cho giảng dạy, còn nghiên cứu được xem là trách nhiệm của các viện nghiên cứu nằm ngoài nhà trường. Mối gắn kết không mạnh mẽ giữa trường học và các viện nghiên cứu dẫn đến kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) nghèo nàn của Việt Nam so với các nước trong vùng.

Việc tài trợ cho NCKH còn rất ít cơ hội để các trường cạnh tranh hay phối hợp với các viện nghiên cứu nên các trường ĐH được coi là “trọng điểm” yếu đi nhiều do thiếu phát triển năng lực nghiên cứu.

Cơ chế quan liêu trong việc phẩn bổ kinh phí nghiên cứu cần được bãi bỏ và thay bằng những phương pháp cạnh tranh. Các quỹ tài trợ nghiên cứu nên mở rộng cho các trường ĐH và các viện nghiên cứu trên cơ sở cạnh tranh với quy trình minh bạch và dựa vào bình duyện của các chuyên gia độc lập.

Theo nhà nghiên cứu giáo dục người Úc, phần lớn ngân sách nghiên cứu nên được thông qua Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia và Quỹ Sáng kiến Công nghệ Quốc gia, tiêu chí có thể khuyến khích hợp tác giữa các trường ĐH và viện nghiên cứu cũng như giữa các trường ĐH với nhau.
 

9 điểm trong kế hoạch xây dựng hệ thống GDĐH Việt Nam hội nhập toàn cầu của GS Martin Hayden:

- Xây dựng cấu trúc hội nhập tốt hơn.

- Xây dựng tổ chức điều phối duy nhất.

- Hội đồng trường cần có mức độ tự chủ cao hơn.

- Cần có hành lang pháp lý đầy đủ hơn về khu vực tư nhân

- Trách nhiệm giải trình trước xã hội cần những quy trình giải trình trách nhiệm mới.

- Các trường ĐH công lập cần tự chủ nhiều hơn.

- Tài trợ nghiên cứu cần có tính chất cạnh tranh hơn.

- Về tài chính cần áp dụng hệ thống “người sử dụng trả tiền” với một mạng lưới an toàn.

- Tạo ra một tổ chức đảm bảo chất lượng độc lập.


Hoài Nam