Giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập quốc tế: Liều để ra “biển lớn”?

(Dân trí) - Giáo dục đại học nước nhà còn quá nhiều điểm yếu, khiếm khuyết… là thách thức với quá trình hội nhập quốc tế. Nhưng nếu ngồi chờ cho “đủ chuẩn” mới nghĩ đến việc hội nhập thì những khiếm khuyến càng sâu sắc.

Các nhà giáo dục, nhà khoa học trong nước và thế giới đã chỉ ra các vấn đề của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế tại hội thảo “Giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế” do Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 9/11.

Liều để ra “biển lớn”?
Đông đảo các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học tham dự hội thảo "Giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế".

Giáo dục đại học… yếu đều

GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia) cho hay nghiên cứu khoa học (NCKH) là yếu tố liên quan chặt chẽ đến kinh tế tri thức và ảnh hưởng lớn đến thứ hạng của một ĐH trên thế giới. Tuy nhiên, sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay quá khiêm tốn nếu không muốn nói là quá lu mờ.

Trong thời gian 41 năm (từ 1970 - 2011), Việt Nam công bố được 10.745 bài báo khoa học trên các tạp san khoa học quốc tế. Con số này chỉ bằng 22% của Thái Lan, 27% của Malaysia và 11% của Singapore. Tầm ảnh hưởng của các công trình NCKH của Việt Nam cũng thấp nhất trong các nước được đề cập trên. 

PGS.TS Lưu Tiến Hiệp chỉ ra những hạn chế cho việc hội nhập quốc tế của GDĐH Việt Nam.

PGS.TS Lưu Tiến Hiệp chỉ ra những hạn chế cho việc hội nhập quốc tế của GDĐH Việt Nam.

Chưa kể trong con số kể trên, khoảng 80% bài báo khoa học từ Việt Nam là do hợp tác với đồng nghiệp với nước ngoài. Sự phụ thuộc vào “ngoại lực” quá nhiều nên trí thức khoa học và thành quả không còn dựa trên chất liệu Việt Nam mà ông Tuấn ví rằng chúng ta giống như “lính đánh bộ”.

“Có dạo, hàng loạt báo chí “đánh” khoa học nước nhà. Nghe thì buồn nhưng thấy cũng không hẳn là oan, chúng ta có hơn 9.000 GS, PGS và hơn 8.000 tiến sỹ trong các ĐH nhưng mỗi năm chỉ công bố được khoảng 1.100 bài báo khoa học, người ta không kêu mới lạ", ông Tuấn thẳng thắn.
 

“Việt Nam cần có một hệ thống giáo dục hội nhập hơn và phối hợp tốt hơn. Các trường công cần nhiều tự chủ hơn cũng như một khuôn khổ hiện đại hơn về trách nhiệm giải trình. Tài trợ cho NCKH cần có tính cạnh tranh hơn nữa”. - GS Martin Hayden, ĐH Southern Cross University, Australia

Theo bài báo cáo của PGS.TS Lưu Tiến Hiệp (Trưởng văn phòng đại diện trường University Preparation College (UPC) Sydney, Australia), GDĐH Việt Nam khó hòa nhập do yếu kém trải đều gần như toàn diện. Khả năng tiếng Anh yếu từ lãnh đạo xuống sinh viên, ít hiểu biết về đối tác, không nắm bắt được chuẩn mực quốc tế dẫn đến thái độ ngán ngại, mất tự tin khi hội nhập và hợp tác quốc tế.

Ông Hiệp nhấn mạnh việc quản lý GDĐH hiện nay chưa bài bản, còn chắp vá tràn lan trong khi cơ chế tự quản của ĐH còn rất hạn chế. Các trường muốn thoát được chương trình khung đã tồn tại từ lâu không phải dễ, khó để học được những cái hay từ những trường có cơ chế tự trị và tự do học thuật mà mình muốn liên kết.

TS Hồ Vũ Khuê Ngọc (ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Đà Nẵng) cho rằng việc thiếu nguồn lực có chuyên môn là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển cũng như hội nhập khu vực và quốc tế của GDĐH Việt Nam. Tình trạng chảy chất xám khỏi ngành giáo dục khi nhiều người giỏi từ chối làm việc ở trường học.

Phải liều?

Từ phân tích thẳng thắn của các chuyên gia trong hội thảo có thể thấy GDĐH Việt Nam đang mang thân thể yếu ớt mà như có người còn so sánh như là “thân thể khuyết tật” để ra với biển lớn. Thế nhưng trong 26 tham luận tại hội thảo của các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý giáo dục và các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đều có tinh thần xây dựng, tìm phương án để GDĐH Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn. 

Các phương án như cần đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, tập trung phát triển nhân lực, tăng quyền tự chủ cho ĐH, chính sách cởi mở, chú trọng phát triển đào tạo từ xa, xây dựng đại học mở … được nhiều đại biểu chia sẻ.

Sinh viên ĐH tại TPHCM.

Sinh viên ĐH tại TPHCM.

Trước tâm huyết mong muốn GDĐH Việt Nam “ra biển” của các chuyên gia, một đại biểu đến từ Hà Nội đặt câu hỏi: “Nếu xem GDĐH Việt Nam như một học sinh trung bình - tôi không muốn dùng từ yếu - thì khi cố để hội nhập có giống như ép một học sinh đó ngồi vào lớp chọn? Học trò đó có thể khá hơn nhưng cũng có thể vì áp lực nên đã kém sẽ lại càng đuối?”.

Trước câu hỏi, đại diện của trường ĐH Quốc gia TPHCM cho hay biết mình đang ở đâu là điều cần thiết. Nhưng không có nghĩa mình luôn nghĩ rằng mình không làm được mà cần giải quyết từng vấn đề và biết con đường nào để đi. 

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Lưu Tiến Hiệp cho rằng, ĐH là nơi nghiên cứu và giảng dạy kiến thức không có giới hạn về quốc tịch, chủng tộc, giới tính nên khi thành lập bản thân nó đã phải là “đại học quốc tế”. Nhưng các trường vì ngán ngại mà định vị mình ra khỏi sự hội nhập quốc tế, tự đặt mình ra khỏi quan niệm được thiết lập từ lâu về vai trò của ĐH.
 

“Vấn đề của GDĐH Việt Nam có quá nhiều mặt phức tạp nên không thể cùng lúc tiếp cận xử lý dàn ngang mà phải tìm được mấu chốt. Khi tìm được những mấu chốt, chúng ta sẽ tìm phương hướng giải quyết và điều này sẽ là hiệu ứng, đầu tàu cho các vấn đề khác chứ không thể chờ một kế hoạch đồ sộ rồi mới bắt tay thực hiện”. - bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên đại sứ Việt Nam tại EU.

Ông Hiệp cho rằng lỗi hệ thống của ngành giáo dục làm quá trình hội nhập quốc tế của các trường chậm hơn nhưng không thể vì thế mà ngồi chờ cho đủ điều kiện rồi mới dám thực hiện. Vì nếu dừng lại thì các khiếm khuyết sẽ càng sâu sắc hơn.

“Nếu dừng lại các khiếm khuyết sẽ càng sâu sắc hơn. Nên các trường nên tự lực cánh sinh trong vấn đề này, định vị mình trong hội nhập quốc tế từ những tác phong nhỏ nhất trong việc đào tạo giáo dục, nghiên cứu rồi hãy nghĩ đến những việc lớn hơn”, ông Hiệp chia sẻ.

Bên dưới phòng hợp, phó hiệu trưởng của một trường học hóm hỉnh nói nhỏ rằng quyết tâm hội nhập dù yếu thế của các đại biểu là quá hợp lý. Cũng như cậu học trò kém vào lớp chọn có thể yếu đi cũng không đáng tiếc bằng việc không dám thử, cam chịu mà không dám thử để biết mình có tiến bộ hơn. Vì như ông nói, cứ liều thôi, có gì để mất đâu mà phải tiếc.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm