Chuyên gia chỉ cách dạy dỗ đúng đắn khi con trẻ gây rối nơi công cộng
(Dân trí) - Đối với việc trẻ gây rối nơi công cộng, nếu cha mẹ không đưa ra những phương án xử lý phù hợp có thể khiến trẻ "thao túng tâm lý" bố mẹ.
Việc trẻ nhỏ gây rối nơi công cộng, từ la hét, quậy phá, cho đến làm hỏng đồ đạc khá thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên cha mẹ không có trách nhiệm dạy dỗ sẽ hình thành tính cách không tốt ở trẻ.
Đặc biệt gần đây, trên mạng xã hội, các bậc cha mẹ bàn luận khá nhiều về những sự việc một số ông bố bà mẹ nuông chiều con cái, để mặc con đi "xin ăn" của người lạ, hay phá hỏng đồ tại cửa hàng của người khác...
Sự khác biệt giữa giáo dục ứng xử nơi công cộng và giáo dục ứng xử trong gia đình
Đứng trước vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) cho biết, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm tới giai đoạn xây dựng nền móng thói quen hành xử của trẻ ở độ tuổi từ 0 đến 6.
"Một nhà giáo dục rất nổi tiếng là Makarenco đã khẳng định rằng "Nền móng của giáo dục được xây dựng vững chắc từ trước 6 tuổi khi chiếm 90% cả quá trình giáo dục", PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Để làm rõ hơn cho quan điểm của mình, chuyên gia cũng đưa ví dụ về giai đoạn được gọi là "khủng hoảng tuổi lên 3" ở trẻ.
"Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu có những hành vi nghịch ngợm như một cách để kiểm tra giới hạn của mình đến đâu, xem mình có quyền hành và ảnh hưởng thế nào đến cha mẹ", Phó Giáo sư phân tích.
Ông Nam cũng nói thêm, đây là giai đoạn trẻ "chỉ muốn làm theo ý mình" bằng cách tự làm nhiều thứ: Tự tập đi vệ sinh, mặc quần áo, xúc ăn, giao tiếp với bạn mới, khám phá thế giới xung quanh theo cách mình mong muốn.
"Trong mắt người lớn có thể định nghĩa là "hư" nhưng thực tế đó là sự phát triển bình thường của trẻ", ông Nam nói.
Tuy việc trẻ có những hành vi nghịch ngợm, muốn làm theo ý mình là điều bình thường nhưng đây cũng là lúc thích hợp để dạy trẻ về cách kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình.
Những câu hướng dẫn của bố mẹ như: "Lúc này thì không được, con phải đợi đến sau khi ăn cơm…" là cực kỳ quan trọng vào lúc này. Điều này nhằm mục đích để dạy con vừa hình thành năng lực kiềm chế bản thân vừa tăng cường khả năng chấp nhận sự ấm ức, đồng thời trì hoãn những điều làm trẻ thích thú và hài lòng.
Thời điểm này, cha mẹ cần trở thành tấm gương để trẻ nhỏ noi theo và hình thành lối ứng xử trong cả gia đình và nơi công cộng.
"Đây cũng là giai đoạn quan trọng để dạy trẻ về việc chấp hành các quy tắc, nền nếp trong gia đình một cách đơn giản để trẻ dần ý thức về hành vi ứng xử của mình ra môi trường công cộng.
Cha mẹ cần làm mẫu các chuẩn mực hành vi ứng xử vì độ tuổi này trẻ rất thích bắt chước người khác, trẻ sẽ bắt chước thử nghiệm nó nhưng sẽ "sáng tạo" theo cách của mình và mong muốn nhận được lời khen từ cha mẹ", Phó Giáo sư nói thêm.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, giáo dục trẻ ứng xử nơi công cộng khó khăn hơn giáo dục trẻ ứng xử trong gia đình vì môi trường công cộng có nhiều biến số mà chúng ta không thể kiểm soát như: Sự can thiệp từ những người xung quanh, hạn chế trong môi trường riêng tư để trẻ có thể trấn tĩnh, mặc cảm xấu hổ của cha mẹ… Ngoài ra, môi trường công cộng cũng có nhiều thứ thú vị, mới lạ khiến trẻ nghịch ngợm, hưng phấn dẫn đến thiếu kiểm soát hành vi hơn.
Biết cách quản lý hành vi để ngăn con gây rối ở nơi công cộng
Giải mã về xu hướng gây rối nơi công cộng ở trẻ, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết hành vi này đôi khi là một hành vi có ý đồ ở trẻ. Đằng sau những sự gây rối này có thể đến từ việc trẻ đang cảm thấy khó chịu, bất an hoặc gây rối nhằm thu hút sự chú ý từ người khác.
Bên cạnh đó, nhiều đứa trẻ sử dụng hành vi gây rối như một hình thức "mặc cả" để bố mẹ phải thỏa mãn một nhu cầu nào đó của bản thân mình hoặc trốn tránh thực hiện một nhiệm vụ nào mà con đang được giao phải thực hiện.
Thông thường, cha mẹ không có sự chuẩn bị cho những tình huống gây rối của trẻ, cộng thêm áp lực về cái nhìn và sự phán xét của người khác. Lúc này, cha mẹ có xu hướng xấu hổ và thỏa hiệp trước những yêu sách của con.
"Điều này càng củng cố hành vi "gây rối" ở nơi công cộng của trẻ trong tương lai vì trẻ cảm thấy có thể "thao túng được tâm lý" bố mẹ để đòi quyền lợi", chuyên gia nói.
Ông Nam cũng cho biết thêm, nếu trẻ đang chịu ảnh hưởng của một số vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần như lo âu, tăng động giảm chú ý thì tần suất và mức độ hành vi gây rối sẽ ở mức cao hơn, khó kiểm soát hơn.
Để ngăn chặn hành vi gây rối nơi công cộng ở con trẻ, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng bố mẹ cần có những kế hoạch và sự dự đoán từ trước để quản lý những hành vi không mong muốn ở nơi công cộng của con.
"Phải xác định được những tình huống nào con thường có hành vi sai để dự phòng các chiến lược quản lý hành vi hiệu quả", PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.
Sau khi đã dự đoán được những vấn đề có thể nảy sinh, cha mẹ cần có sự hội ý và thống nhất với con. Để minh họa rõ hơn cho giải pháp quản lý hành vi của con, PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra ví dụ về việc đưa trẻ đi siêu thị.
Một số vấn đề thường gặp trong việc trẻ có thể gây rối tại siêu thị mà cha mẹ có thể dự đoán được từ trước có thể là: Con thường chạy biến mất khỏi tầm mắt cha mẹ, với tay lên giá khi đi qua các kệ hàng để chọn đồ chơi. Sau khi đã tiến hành bước dự đoán, cha mẹ cần thống nhất với con từ trước khi bước vào siêu thị về những nguyên tắc như: Phải luôn ở trong tầm mắt của mẹ, hai tay để bên mình và không với tay lên giá đồ.
Ngoài ra, bố mẹ có thể giao cho con việc kiểm tra một số món đồ sẽ mua để con bận rộn và cảm thấy bản thân có ích. Cha mẹ cũng cần đưa ra những phần thưởng phù hợp khi con đã hoàn thành hết những cam kết đã thống nhất từ trước với cha mẹ, đồng thời cũng phải đưa ra những lời cảnh báo về hệ quả khi không vâng lời.
Có nên dùng cách "về nhà đóng cửa bảo nhau" khi con có hành vi sai trái nơi công cộng?
Tuy lên những phương án dự phòng nhưng vẫn không thể tránh được việc trẻ vẫn có thể có những hành vi gây rối nơi công cộng. Lúc này, cha mẹ cần tìm một góc ít người để trẻ có thể trấn tĩnh lại.
"Ví dụ như trong siêu thị cũng có những góc bán đồ nhựa hoặc rượu mà ít người qua lại. Bố mẹ có thể thành lập "góc trấn tĩnh" ở đó, nhẹ nhàng đưa trẻ đến góc đó để ngồi trấn tĩnh lại", ông Nam cho hay.
Ngoài chuẩn bị tâm lý cho trẻ, cha mẹ cũng cần có sự chuẩn bị tâm lý cho chính mình để có thể ứng phó với những phản ứng từ người khác, sự xấu hổ của bản thân và kiểm soát hành vi để không làm tổn thương con.
Bên cạnh việc đưa ra những giải pháp để xử lý tình huống trẻ hành xử sai trái ở nơi công cộng, PGS.TS Trần Thành Nam cũng phản đối cách thức giáo dục "về nhà đóng cửa bảo nhau" khi mỗi lần trẻ mắc lỗi. Theo ông, đây là cách thức giáo dục sai lầm và không hiệu quả.
"Cách giáo dục để trẻ có thể nhớ nhất là ngay khi hành vi xảy ra cần có phản ứng điều chỉnh phù hợp ngay lập tức thì trẻ mới nhớ và thay đổi hành vi được", ông Nam nhấn mạnh.
Ông Trần Thành Nam cũng giải thích thêm, phương pháp "đóng cửa bảo nhau" thể hiện việc cha mẹ không biết cách xử lý phù hợp để không làm tổn thương trẻ, đồng thời không để bản thân rơi vào tình huống khó xử hoặc xấu hổ.
Bênh con bất chấp vì bố mẹ cảm thấy mất thể diện
Trên thực tế, không phải cha mẹ nào cũng nhận thức được việc cần đưa ra những sự kỷ luật khi con có hành vi sai trái nơi công cộng. Không khó để bắt gặp hiện tượng gia đình bênh vực con cháu mình "bất chấp" dù hành vi sai trái của trẻ đã rất rõ ràng. Trao đổi về hiện tượng này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, đây là biểu hiện của việc cố gắng bảo vệ thể diện của cha mẹ.
"Việc bênh con "bất chấp" dù cái sai của con rất rõ ràng và làm phiền đến người khác ở nơi công cộng nhiều khi cũng không phải là "bênh con" mà cơ bản là bố mẹ cảm thấy mất thể diện và muốn bảo vệ thể diện của bản thân bố mẹ mà thôi.
Cách thức đó cũng không làm cho đứa trẻ nhận biết và tuân thủ các quy tắc để về sau hội nhập với cuộc sống. Chúng sẽ ỷ lại vào bố mẹ và càng lớn càng có những hành vi phá luật và không chấp hành nội quy các tổ chức", chuyên gia nói thêm.
Ngoài hiện tượng bênh con bất chấp của một số cha mẹ, PGS.TS Trần Thành Nam cũng nói thêm về hiện tượng nhiều không gian công cộng có thái độ cực đoan khi đưa ra quy định không đón tiếp trẻ nhỏ.
Đứng trước hiện tượng này, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: "Dân số Việt Nam đang ngày càng trở nên già hóa. Nếu chúng ta không trân trọng thế hệ trẻ, chỉ biết vì những nhu cầu ích kỷ của bản thân mà cấm đoán, không tạo đủ không gian, sân chơi và các môi trường thực tế để trẻ em được trải nghiệm và học những chuẩn mực hành vi, thì trong tương lai, khi bước vào tuổi già, chúng ta cũng sẽ trở nên cô độc vì những người trẻ không có kỹ năng ứng xử và cũng không có thói quen kết nối với người lớn".