Chuyện đặc biệt ở ngôi trường “xin lỗi, cảm ơn”

(Dân trí) - Giờ sinh hoạt đầu giờ và kết thúc buổi học, học sinh Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) lại hát vang bài “Xin lỗi, cảm ơn”. Bài hát thể hiện cho nếp sống văn minh, thanh lịch của nhà trường và cũng là “vũ khí” để hóa giải bạo lực học đường.

Chúng tôi về thăm trường THCS Nam Trung Yên đúng vào thời điểm kết thúc buổi học chiều. Khi tiếng trống trường vang lên cũng là lúc bài hát “Xin lỗi, cảm ơn” được ngân vang ở mọi lớp học. Điều đặc biệt, bài hát do chính thầy cô nhà trường sáng tác ra khi chứng kiến qua báo chí những hình ảnh va chạm của học sinh dẫn đến xích mích đánh nhau.

Vũ khí để phòng ngừa, hóa giải bạo lực học đường đó chính là xin lỗi, cảm ơn.
"Vũ khí" để phòng ngừa, hóa giải bạo lực học đường đó chính là "xin lỗi, cảm ơn".

Cô Đỗ Thị Kim Thoa - Hiệu trưởng Trường THCS Nam Trung Yên chia sẻ: "Có một thực tế mà chúng tôi cảm nhận được, phần lớn các em học sinh đều có những xích mích trước đó rồi mới dẫn đến việc đánh nhau. Chính vì thế, làm thế nào để giải quyết được những xích mích là câu hỏi mà giáo viên chúng tôi đã đặt ra? Bài hát “Xin lỗi, cảm ơn” được ra đời từ sự trăn trở này.

Trong bài hát này, chúng tôi đã đưa ra những điều hết sức thực tế, triết lý đơn giản để giáo dục các em. Chẳng hạn như, “Làm phiền ai phải xin lỗi, nếu ai giúp phải biết cảm ơn”.


Clip học sinh THCS Nam Trung Yên đồng ca bài hát "Xin lỗi, cảm ơn" trước khi tan trường

Em Hoàng Hạnh Trang - học sinh lớp 9A2 tâm sự: Bài hát “Xin lỗi, cảm ơn” mọi người cứ tưởng là điều đơn giản nhưng thật sự nó có vai trò rất qua trọng với mỗi học sinh chúng em. Từ “xin lỗi” cho mình biết những việc mình làm gây ảnh hưởng không tốt đến với người khác, “cảm ơn” là từ để cho mình biết những người đã giúp đỡ mình. Hai từ này đã thể hiện một nếp sống văn minh, thanh lịch bởi nếu chúng ta biết “xin lỗi”, “cảm ơn” trong cuộc sống thì những hiềm khích, dù là nhỏ nhặt nhất sẽ được hóa giải, giúp cho chúng em hiểu rõ hơn về đạo lý truyền thống của dân tộc ta.

“Khi em và các bạn trong lớp có sự hiểu nhầm nào đó, bản thân em nhận ra được lỗi của mình thì em nói xin lỗi bạn ngay. Có những lúc bạn nhặt cho em cái bút thì em cũng nói lời cảm ơn đối với bạn. Khi mình có lỗi mà nói lời “xin lỗi” thì bạn sẽ bỏ qua ngay bởi dân gian có câu “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Khi mình “cảm ơn” thì các bạn cũng cảm thấy rất là vui, thậm chí còn đáp lại những lời nói thân thiện” - Hạnh Trang nói.

Cùng chung quan điểm với Trang, em Phạm Mai Linh dẫn chứng câu chuyện thực tế của mình: Có lần em đi xe ngoài đường va chạm với một người bạn bằng tuổi và bạn có vẻ khá là tức, lúc đó em đã nói lời xin lỗi với bạn và sau cơn giận của bạn đã nguôi được phần nào. Hiện tại em và bạn ấy đã trở thành bạn thân.

“Lời “xin lỗi, cảm ơn” mang đến cho chúng ta một xã hội tốt đẹp hơn. Khi mình làm sai một việc gì đó mà không nói được lời xin lỗi thì cảm thấy bứt rứt trong lòng, sự ân hận. Tuy nhiên khi nói lời xin lỗi ra sẽ giải tỏa được căng thẳng, đầu óc cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn” - Mai Linh chia sẻ.


Nghe giai điệu bài hát "Xin lỗi, cảm ơn"

Ở trường THCS Nam Trung Yên, câu chuyện “xin lỗi, cảm ơn” không chỉ gói gọn đối với học sinh mà ngay cả thầy cô cũng coi đó là nếp sống văn minh, thanh lịch của nhà trường.

Cô Bùi Thị Tuyết Ngà, giáo viên chủ nhiệm nhiều năm ở Trường THCS Nam Trung Yên bộc bạch: “Bài hát “Xin lỗi, cảm ơn” không chỉ giúp cho học sinh lễ phép, biết nói từ “xin lỗi”, “cảm ơn” đối với tất cả bạn bè, thầy cô mà nó cũng chính là một phương pháp để giáo viên chủ nhiệm giáo dục học sinh hàng ngày. Cách giáo dục của nhà trường cũng rất nhẹ nhàng và gần gũi. Chẳng hạn, đối với học sinh lớp 6 mới vào trường thì chưa thật sự quen với việc “xin lỗi, cảm ơn” thì thầy cô sẽ định hướng, giúp đỡ các con khắc ghi những điều gửi gắm trong bài hát...”.

Cũng theo cô Ngà, bản thân cô vẫn phải dùng từ “xin lỗi, cảm ơn” đối với học trò của mình. Khi cô giảng dạy trên lớp mà chẳng may nói nhầm, hay khi đi trên đường chẳng may đang suy nghĩ mà va vào các con, rồi chẳng may cô vào lớp muộn... thì đều dùng từ “xin lỗi” đối với học trò.

“Học trò ngày này được tự do hơn thế hệ của chúng ta trước đây, không còn có chuyện là học sinh phải luôn sợ thầy cô. Ở Trường THCS Nam Trung Yên, nếu cô giáo vào lớp muộn mà mình không nói lời xin lỗi và nêu lý do thì sẽ có em khó chịu, nhưng nếu mình thực hiện lời xin lỗi và nói rõ lý do thì các em sẽ cảm thấy thoải mái và gần gũi. Chúng tôi xác định, bản thân giáo viên phải là người gương mẫu trước học trò” - cô Bùi Thị Tuyết Ngà bày tỏ.

Trong buổi tọa đàm khoa học “Bạo lực học đường - nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa" do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây, TS. Đặng Thu Thủy đã đánh rất cao sự sáng tạo của Trường THCS Nam Trung Yên. Xuất phát từ việc thăm và làm việc thực tế với nhà trường, TS. Nguyễn Thu Thủy cũng đã tự đặt ra nguyên tắc sống “xin lỗi, cảm ơn” của mình.

“Mỗi ngày tôi vẫn có quyển sổ nhỏ ghi những lời cảm ơn, xin lỗi về những việc mình đã làm và dạy con như vậy. Tôi tin nếu học sinh được nói lời cảm ơn mỗi ngày thì ý thức làm điều tốt đẹp của các em sẽ tốt lên” - TS. Đặng Thu Thủy chia sẻ.

Nguyễn Hùng