Chương trình phổ thông mới: Giới thiệu kiến thức “nhạy cảm” từ lớp 4

(Dân trí) - GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giới thiệu kiến thức về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản - vốn được coi là nội dung nhạy cảm, tế nhị - bắt đầu từ lớp 4 (sớm hơn chương trình hiện hành 1 năm).

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong Chương trình giáo dục phổ thông” chiều ngày 28/8 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm tham vấn đại diện các bộ/ngành, chuyên gia để đưa ra các khuyến nghị lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong chương trình và SGK phổ thông mới. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì hội thảo.

Đưa sớm liệu có “vẽ đường cho hươu chạy”?

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nội dung bình đẳng giới và giáo dục giới tính sẽ được chú trọng trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Đặc biệt, GS Thuyết cho hay, ở chương trình phổ thông mới, kiến thức về giáo dục sinh sản, tình dục/sinh dục sẽ được đưa vào SGK từ lớp 4 (sớm hơn chương trình hiện hành một năm).

Đây vốn là những nội dung kiến thức được coi là nhạy cảm, tế nhị. Do đó dư luận xã hội còn hai luồng quan điểm trái chiều về thời điểm giới thiệu cho học sinh: Đưa muộn thì học sinh thiếu kiến thức, mờ mịt về sức khỏe sinh sản và giới tính. Đưa sớm thì dễ “vẽ đường cho hươu chạy”.

GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể).
GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể).

Nói về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Bây giờ trẻ em lớp 4 cũng đã lớn rồi, nhất là các trẻ em ở đô thị. Do đó, nhu cầu được giáo dục về giới tính là quan trọng, rất cấp thiết và nên dạy”.

“Còn cách chúng ta dạy thế nào cho hiệu quả thì là việc khác. Ví dụ mình có thể có nội dung dạy chung, có nội dung tách nam - nữ riêng để dạy… để có thể dạy được sâu hơn”, ông quan điểm.

Cũng theo Tổng chủ biên chương trình phổ thông tổng thể, kiến thức sinh sản về người được giới thiệu từ lớp 4, còn kiến thức về bình đẳng giới sẽ được đưa vào ngay từ mầm non. Tuy nhiên, bình đẳng giới không phải là cào bằng, bình đẳng giới là tôn trọng đúng mức sự khác biệt về giới vì hai giới khác nhau mới hấp dẫn nhau.

Theo GS Thuyết, kiến thức về bình đẳng giới được lồng ghép vào chương trình GDPT tổng thể trong nhiều môn học. Cụ thể như sau:

Cấp Tiểu học: Đạo đức, Tiếng Việt, Khoa học (lớp 4,5), Tự nhiên xã hội (lớp 1, 2, 3), Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Cấp THCS: Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm.

Cấp THPT: Lồng ghép nhiều môn, chủ chốt là Ngữ văn, Sinh học, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất, Giáo dục kinh tế và Pháp luật…

“Có những môn chúng ta lồng ghép vấn đề bình đẳng giới như môn Tiếng hay Ngữ văn. Lúc này bình đẳng giới là không phải là nội dung chính của các môn thì mình lồng ghép, tích hợp vào. Còn có những môn học thì giáo dục giới tính phải là một trong những nội dung chính như Đạo đức ở Tiểu học, Giáo dục thể chất, Khoa học tự nhiên và xã hội”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều “sạn” bất bình đẳng giới

Tại hội thảo, ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT chỉ rõ, chương trình SGK hiện hành vẫn còn nhiều “sạn” bất bình đẳng giới.

Theo số liệu báo cáo nghiên cứu của Bộ GD&ĐT và UNESCO, những ví dụ trong SGK Việt Nam từ lớp 1-12 về nhân vật quan trọng, nổi tiếng có 95% là nam. Xu thế số lượng nhân vật nam “lấn át” nhân vật nữ ngày càng lên cấp học cao càng rõ rệt.

Sự chênh lệch nhân vật giữa nam và nữ có khác biệt. Và càng lên cấp học cao lại càng mất chênh lệch, nhân vật nam tiểu học theo hướng nhân vật nam xuất hiện ngày càng nhiều. Cụ thể số lượng nhân vật nam ở cấp tiểu học (56%), trung học (57%), đại học (71%).

Nghiên cứu của Bộ GD&ĐT và UNESCO tiến hành phân tích 76 cuốn SGK của 6 môn học từ lớp 1- lớp 12 có 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản và 7.987 nhân vật trong các hình ảnh. Trong tổng số 8.276 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản, nam giới chiếm 69%, nữ 24%, còn lại 7% là trung tính về giới. Về hình ảnh, trong tổng số 7987 hình ảnh thì nam giới chiếm 58%, nữ chiếm 41%, còn lại là trung tính hoặc không rõ giới tính.

Ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT.
Ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT.

“Đáng chú ý, những ví dụ trong SGK về nhân vật quan trọng, nổi tiếng có 95% là nhân vật nam. Hình ảnh, nội dung mang định kiến giới trong SGK, chương trình giáo dục có thể làm khắc sâu định kiến giới trong nhận thức trẻ em, làm chậm tiến trình đạt được sự bình đẳng giới thực chất”, ông Trần Kim Tự nhấn mạnh.

SGK phổ thông còn chứa nội dung, hình ảnh mang tính rập khuôn, chưa cập nhật kịp thời những thay đổi theo xu hướng tích cực về vai trò, vị thế, sự tham gia và đóng góp của nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhân vật nữ chỉ thường được gán vào các nghề như giáo viên tiểu học, nội trợ; nhân vật nam luôn làm các nghề kỹ sư, bác sĩ, phi công, nhà khoa học… Một vấn đề giáo dục giới tính mới nổi là đồng tình chưa được quan tâm đề cập trong SGK.

Theo Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, dù Bộ Giáo dục tiến hành rà soát từ năm 2011 đến nay và có số liệu về hiện trạng nhưng thừng chỉnh lý được từng bộ/cuốn SGK trong từng năm chứ chưa làm tổng thể được.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, hiện chúng ta đi chậm hơn so với nhiều nước trên thế giới về giáo dục bình đẳng giới.

Theo TS Hoa, bình đẳng giới có nhiều nội dung đa dạng cần làm như giáo dục về giải phẫu sinh dục, sinh sản, quan hệ tình dục, sức khỏe sinh sản, các quan hệ tình cảm, quyền sinh sản và các trách nhiệm.

TS. Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).
TS. Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).

“Chúng ta cứ loay hoay mãi, còn nhiều bất cập về giới trong chương trình. Nếu không tăng tốc, quyết liệt trong giai đoạn này thì mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam bị bỏ rất xa”, TS Hoa trăn trở.

TS. Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, mấu chốt của việc đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình GDPT là nâng cao quan điểm, nhận thức về giới và lồng ghép giới trong GDPT cho các nhà giáo dục, các thầy cô giáo.

Bố mẹ cũng phải vào cuộc!

Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, bình đẳng giới sẽ được quán triệt trong xây dựng chương trình SGK mới. Bình đẳng giới là vấn đề toàn cầu và là biểu hiện của một quốc gia văn minh.

Theo Thứ trưởng, bình đẳng giới trước tiên là cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em trai và trẻ em gái như nhau. Và đáng mừng là ở Việt Nam đã cơ bản làm được điều này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đồng chủ trì Hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình GDPT”.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đồng chủ trì Hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình GDPT”.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, có nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm. Chẳng hạn như thực trạng giáo viên mầm non, tiểu học hầu hết là nữ, hiếm có nam. Tuy vậy, giáo dục mầm non rất phù hợp với các cô giáo - điều này liên quan đến đặc điểm giới chứ không hẳn là bất bình đẳng giới. Bình đẳng giới là tôn trọng sự khác biệt giới.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, việc giáo dục về giới tính sức khỏe sinh sản một mình nhà trường không làm được, rất cần sự vào cuộc của xã hội đặc biệt là gia đình.

“Hiện nay nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm con cái, phó mặc việc giáo dục kiến thức giới tính cho nhà trường”, bà lưu ý.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm