Chương trình môn Toán mới: Đề xuất bổ sung công cụ đánh giá năng lực

(Dân trí) - Trong chương trình môn Toán mới phổ thông, giáo viên sẽ lúng túng trong khâu đánh giá năng lực học sinh khi triển khai chương trình.

Dễ sa vào việc “dạy để thi”

Trong một nhóm trao đổi, chúng tôi, các giáo viên dạy Toán bày tỏ sự phấn khích khi chương trình môn toán được trình bày trong dự thảo có vẻ “nhẹ” hơn so với chương trình hiện hành, kiến thức mang tính ứng dụng của Toán được quan tâm hơn nhất là mạch nội dung Thống kê xác suất.

Tuy nhiên, có nhiều giáo viên trao đổi rằng họ hoang mang khi đọc chương trình này. Một giáo viên nói: “Trong chương trình không nói rõ đánh giá học sinh thế nào, cho nên tôi nghĩ sẽ khó thay đổi được việc dạy toán, người ta rất dễ sa vào tình trạng dạy để thi, không quan tâm đến yêu cầu cần đạt, đến mục tiêu giáo dục thực sự của môn học”.

Băn khoăn này của giáo viên hoàn toàn có cơ sở khi bài học từ chương trình hiện hành vẫn còn. Trong chương trình hiện hành, các nhà soạn thảo đều xác định rất rõ mục tiêu của môn Toán ở trường phổ thông là: cung cấp cho học sinh những kiến thức, kĩ năng, phương pháp toán học phổ thông cơ bản, thiết thực; Góp phần quan trọng vào việc năng lực trí tuệ, hình thành khả năng suy luận đặc trưng của Toán học phát triển cần thiết cho cuộc sống; Góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất, phong cách lao động khoa học, biết hợp tác lao động, có ý chí và thói quen tự học thường xuyên; Tạo cơ sở để học sinh tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống… (trích Chương trình năm 2002, tr2 và tr26).


Dù chưa có một đánh giá chính thức nào, nhưng giáo viên và học sinh đã dạy và học Toán để thi, vượt qua áp lực thành tích là chính. (Ảnh minh họa)

Dù chưa có một đánh giá chính thức nào, nhưng giáo viên và học sinh đã dạy và học Toán để thi, vượt qua áp lực thành tích là chính. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, thực tế gần 20 năm qua, việc dạy và học Toán đã không giúp đại đa số người học đạt được những mục tiêu đó. Dù chưa có một đánh giá chính thức nào, nhưng giáo viên và học sinh đã dạy và học Toán để thi, vượt qua áp lực thành tích là chính.

Có giáo viên còn thẳng thắn cho rằng: “Chúng tôi rất chờ đợi đề thi minh họa, để chúng tôi còn biết cách mà “dạy”. Việc học đáp ứng thi dẫn đến thói quen “luyện” các dạng bài có trong kỳ thi, mà hầu như học sinh nào cũng phải học, (dù không muốn, không có mục tiêu thi cử) nên học sinh sợ, chán học, không thấy được những gì thuộc Toán cần thiết cho cuộc sống, cho lao động, và cũng không nắm được phương pháp toán học cơ bản… các phẩm chất cũng chẳng thể được rèn luyện và đo lường trong dạy học”.

Trong khi đó lần này, chương trình lại đi theo một xu hướng giáo dục hoàn toàn mới “định hướng năng lực”, khác rất nhiều với chương trình năm 2002 “giáo dục định hướng nội dung”. Giáo viên khó hình dung đánh giá năng lực như thế nào vì thế họ hoang mang là có lý do.

Đề xuất bổ sung công cụ đánh giá năng lực

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước, để giúp cho việc triển khai chương trình môn học vào thực tiễn, một yêu cầu bắt buộc đối với chương trình đó là phải có phần chú thích (còn gọi là giải thích/ hướng dẫn) với những minh họa cụ thể.

Chẳng hạn với chương trình của Australia, người ta mô tả rất rõ đặc điểm, thành tố… của năng lực và biểu hiện để giúp đo lường, biện pháp phát triển năng lực đó trong thực tiễn dạy học.


Hình minh họa chụp màn hình website đăng tải chương trình môn Toán của Australia trên website: https://www.australiancurriculum.edu.au/f-10-curriculum/mathematics/

Hình minh họa chụp màn hình website đăng tải chương trình môn Toán của Australia trên website: https://www.australiancurriculum.edu.au/f-10-curriculum/mathematics/

Hiện nay, Luật giáo dục của Việt Nam quy định: “Chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học hoặc trình độ đào tạo.

Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính hiện đại, tính ổn định, tính thống nhất; kế thừa giữa các cấp học, các trình độ đào tạo và tạo điều kiện cho sự phân luồng, liên thông, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.” (trích khoản 1,2 điều 6) cho nên việc làm rõ chuẩn kiến thức, kỹ năng, phương pháp giáo dục và cách thức đánh giá kết quả giáo dục không những khiến các giáo viên lúng túng mà còn không đáp ứng về tính pháp lý của chương trình.

Do đó chúng tôi mong rằng, ban soạn thảo sẽ bổ sung thêm trong phần giải thích, hướng dẫn thực hiện những trường hợp cụ thể giúp định hướng việc đánh giá năng lực toán học của học sinh cũng như công cụ giúp đánh giá các năng lực đó.

PGS. Chu Cẩm Thơ

(Nhà sáng lập chương trình Toán POMATH)