Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ như thế nào?

(Dân trí) - Theo tiết lộ của Bộ GD-ĐT, chương trình mới xác định các lĩnh vực giáo dục, mỗi lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với một nhóm môn học, vấn đề, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo được cấu trúc thành một hệ thống chỉnh thể, thống nhất từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông; được chia thành hai loại: Bắt buộc và tự chọn. Nội dung học tập bắt buộc tạo nền tảng học vấn phổ thông, không thể thiếu đối với mỗi học sinh. Nội dung học tập tự chọn đáp ứng nhu cầu, sở thích và khả năng riêng của các đối tượng học sinh khác nhau.

Chương trình cũng xác định nội dung cốt lõi của giáo dục phổ thông trong từng lĩnh vực giáo dục và phân chia vào các môn học theo từng cấp học phù hợp với chuẩn đầu ra, làm căn cứ cho việc biên soạn sách giáo khoa, dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến đánh giá năng lực của học sinh

Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến đánh giá năng lực của học sinh

8 lĩnh vực của chương trình phổ thông mới

Bộ GD-ĐT cho hay, các lĩnh vực của chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm: Ngôn ngữ (Tiếng Việt, ngoại ngữ, tiếng mẹ đẻ/tiếng dân tộc); Toán học; Đạo đức – Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội và Nhân văn; Công nghệ. Cấu trúc và định hướng nội dung cụ thể như sau:

Lĩnh vực Ngôn ngữ bao gồm: Tiếng Việt, Ngữ văn với mục tiêu chủ yếu là tập trung hình thành, phát triển năng lực giao tiếp, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo, năng lực cảm thụ văn học và những phẩm chất tâm hồn cao đẹp; những quan niệm sống và ứng xử nhân văn thông qua các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói là chính; Ngoại ngữ với mục tiêu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng nước ngoài của học sinh; Tiếng nhân tộc nhằm khuyến khích học sinh người dân tộc thiểu số tự chọn các thứ tiếng theo quy định về dạy và học tiếng dân tộc thiểu số của Chính phủ.

Lĩnh vực Toán học nhằm mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực chung, đồng thời phát triển các năng lực đặc thù môn học chủ yếu sau: Năng lực tư duy toán học (chú trọng tư duy toán học, góp phần vào hình thành năng lực tư duy chung); năng lực giải quyết các vấn đề toán học; năng lực mô hình hóa toán học; năng lực giao tiếp toán học (nói, viết và biểu diễn toán học); năng lực sử dụng các công cụ, phương tiện học toán (đặc biệt là công cụ công nghệ thông tin – truyền thông); năng lực tự học toán với phương pháp phù hợp, đồng thời hợp tác được với người khác một cách hiệu quả trong quá trình học tập toán.

Lĩnh vực giáo dục Đạo đức – Công dân với mục tiêu chủ yếu là tập trung hình thành, phát triển ở học sinh các giá trị sống, niềm tin, đạo đức, các năng lực: tự quản lý, làm chủ bản thân; giao tiếp, hợp tác; có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, đất nước, nhân loại và năng lực giải quyết các vấn đề của thực tiễn đời sống phù hợp với chuẩn giá trị đạo đức và quy định của pháp luật.

Lĩnh vực giáo dục Thể chất với mục tiêu chủ yếu là trang bị cho học sinh những hiểu biết về tập luyện thể dục thể thao; kỹ năng vận động cơ bản cần thiết trong cuộc sống; phát triển các tổ chất thể lực; bồi dưỡng hứng thú của học sinh đối với các hoạt động, rèn luyện, bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, góp phần giáo dục đạo đức, ý chí và nhân cách cho học sinh đáp ứng yêu cầu hoạt động trong cuộc sống.

Lĩnh vực giáo dục Nghệ thuật bao gồm: Mỹ thuật với mục tiêu góp phần hình thành, phát triển các năng lực chung và hình thành các năng lực đặc thù (năng lực cảm thụ thẩm mỹ; năng lực thực hành, sáng tạo mỹ thuật); hình thành, rèn luyện kỹ năng thực hành mỹ thuật; Âm nhạc với mục tiêu góp phần phát triển các năng lực chung (tự học, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, ngôn ngữ) và các năng lực đặc thù (cảm thụ, hiểu biết và thực hành âm nhạc). Bồi dưỡng hứng thú của học sinh đối với các hoạt động nghệ thuật của cá nhân và cộng đồng, yêu quý, tôn trọng các giá trị văn hóa nghệ thuật của cộng đồng, quê hương, đất nước và nhân loại.

Lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn với mục tiêu góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển những phẩm chất: Yêu gia đình, quê hương đất nước; nhân ái khoan dung; có trách nhiệm với bản thân cộng đồng và môi trường, tôn trọng pháp luật; trân trọng giá trị văn hóa của đất nước và nhân loại. Đồng thời ngoài những năng lực chung cần hình thành các năng lực chuyên biệt: Giải quyết vấn đề về Khoa học Xã hội và Nhân văn; tái hiện phân tích, tổng hợp, so sánh các sự kiện, hiện tượng trong không gian và thời gian.

Lĩnh vực Khoa học Tự nhiên: Mục tiêu là góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung và các năng lực chuyên biệt môn học, đặc biệt là năng lực tìm hiểu và phám phá thế giới tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm; năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong cuộc sống, ứng xử với tự nhiên phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững xã hội và môi trường tự nhiên.

Lĩnh vực Công nghệ: Có vai trò chuẩn bị cho học sinh sống, tư duy và làm việc trong thế giới công nghệ kỹ thuật số và thông tin thông qua các nội dung về bản chất, vai trò và ảnh hưởng của công nghệ với xã hội; thiết kế, triển khai, đánh giá, sử dụng và thải loại công nghệ thuộc một số lĩnh vực công nghệ phổ biến; làm nền tảng cho học sinh học tập và tư duy để có khả năng đáp ứng một nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI

Có các chuyên đề học tập để học sinh tự chọn

Cũng theo tiết lộ của Bộ GD-ĐT, ở bậc trung học phổ thông, ngoài các môn học, sẽ có các chuyên đề học tập để học sinh tự chọn. Nội dung các chuyên đề nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của học sinh, trang bị cho học sinh một số năng lực, nhất là năng lực đặc thù phù hợp với đặc điểm cá nhân, định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh chuẩn bị học tập giai đoạn giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp có chất lượng.

Hệ thống các chuyên đề học tập được sắp xếp theo các lĩnh vực đào tạo của giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp (khoảng 10 khối ngành) và học sinh sẽ tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động và được chia thành hai loại: Chuyên đề học tập mở rộng nhằm giúp học sinh tiếp tục hoàn thiện hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản và chuyên đề học tập nâng cao nhằm giúp học sinh có những hiểu biết chung, khái quát (có tính nhập môn), định hướng nghề nghiệp, học tập lên trình độ cao hơn. Bộ GD-ĐT sẽ công bố danh mục chuyên đề tự chọn cấp trung học phổ thông và tài liệu học tập tương ứng; Sở GD-ĐT sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, các nghề ở địa phương mà xây dựng bổ sung một số chuyên đề học tập phù hợp; số lượng và thành phần các chuyên đề có thể tăng thêm qua các năm học.

Cùng với các môn học và chuyên đề học tập, chương trình mới thiết kế các hoạt động trải nghiệm sáng tạo: học sinh bắt buộc phải tự chọn (gọi là tự chọn bắt buộc), một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong mỗi năm học từ lớp 1 đến lớp 12, là hoạt động giúp học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học từ nhà trường và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo tập trung hình thành, phát triển các năng lực đặc thù cho học sinh; Năng lực tổ chức hoạt động, năng lực vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết vấn đề thực tiễn, năng lực vượt khó và quản lý cảm xúc, năng lực định hướng và lựa chọn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực chung.

Ở các trường Tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ có thời gian để học sinh tự học ở trường với sự theo dõi và hỗ trợ (nếu cần) của giáo viên, gọi là Tự học có hướng dẫn; do đó giảm tối đa việc học ở nhà; dành thời gian buổi tối cho học sinh tham gia sinh hoạt cùng gia đình, người thân hoặc tham gia các hoạt động xã hội khác.

Với chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc định hướng về đổi mới phương pháp, hình thức và phương tiện dạy học sẽ như thế nào? Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng ra sao? Dân trí sẽ tiếp tục tiết lộ với bạn đọc ở bài kế tiếp.

S.H (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm