GS.TS. Phạm Tất Dong:

Chương trình giáo dục mới: “Chưa tính toán kỹ lưỡng”

(Dân trí) - Theo GS.TS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, vấn đề chưa được tính toán kỹ lưỡng trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chính là chuyên môn của các nhà mô phạm.

 

gs-pham-tat-dong-5d14e-4f7fd

GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT) hay còn gọi Chương trình tổng thể (CTTT), GS.TS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá rằng, CTTT đã có nhiều ý tưởng đối mới, bắt kịp với xu hướng thế giới, nhất là những quan điểm mà thế giới đang chú tâm là năng lực học sinh. Đây là chương trình gọn nhẹ, tích hợp được nhiều kiến thức mà học sinh có thể nhìn thấy bức tranh tổng quát của thế giới nhấn mạnh vào vấn đề đạo đức, lối sống, phẩm chất nhân cách.

Tuy nhiên, chương trình này chưa được tính toán kỹ lưỡng, rất dễ gây ra sai lầm mới, ví dụ như ngành Lý – Hóa – Sinh là những lĩnh vực phát triển và mang lại nhiều kiến thức mới, vậy tại sao có thể tích hợp 3 ngành đó vào 1.

Việc tích hợp có thể dựa trên những kiến thức khác nhau vào 1 môn, như giáo dục Sinh học có thể đưa giáo dục dân số, kế hoạch hóa gia đình,… thành một tổ hợp môn.

Một thầy giáo nghiên cứu lại những kiến thức đã từng học qua, không thể “đem đi” dạy lại được.

Cũng theo GS.TS. Phạm Tất Dong ,CTTT vẫn theo hình thức phân ban, nhưng phân ban kiểu tự chọn, và tự chọn là rất khó, bởi có được bao nhiêu giáo viên hướng dẫn tự chọn? Một học sinh chọn môn ABC, học sinh khác chọn môn ABD, BDE,… chắc chắn không thể xếp chúng thành một lớp rồi hướng dẫn từng học sinh.

Việc phân ban của Bộ GD chưa bao giờ thành công, nguyên nhân chính là do không có giáo viên, mà đúng hơn là không có giáo viên nào làm được việc này.

Về việc áp dụng CTTT theo hình thức học sinh tự chọn môn học nghĩa là có sự phân hóa môn học. Nói về cái khó trong giáo dục phân hóa để đem lại kết quả, GS.TS. Phạm Tất Dong cho biết, giáo dục phân hóa là một hướng tiến bộ tác động học sinh sớm thể hiện những năng lực sẵn có, những tiềm năng được bộc lộ.

Nhưng để bộc lộ ra được những năng lực, trước hết thầy phải giỏi, phải hướng dẫn được học sinh có thể bộc lộ được năng lực ấy. Bởi việc dạy phân hóa là không để học sinh này rập khuôn với học sinh khác, mà phải đào tạo phát triển theo đa dạng.

Dạy học phân hóa khó hơn những kiểu dạy truyền thống rất nhiều; trước đây, đào tạo tất cả giống nhau rồi tự học sinh phát triển, nhưng bây giờ, người thầy phải tác động đến sự phát triển, để tạo ra sự phân hóa ngay trong lớp học.

Trước tiên, phải có một hệ thống giáo dục đồng bộ và đồng bộ cả một xã hội, từ việc học trên lớp, học tự chọn, đến sinh hoạt câu lạc bộ,…

Trước vấn đề nhiều bậc phụ huynh cho rằng, áp dụng một số điểm trong mô hình CTTT đối với bậc Tiểu học là không phù hợp, theo GS.TS. Phạm Tất Dong, tiểu học không thể tự chọn được, cấp bậc tiểu học chưa thể tự biết được mình thích học môn gì, theo lĩnh vực nào, mà chỉ đánh vần và học những phép tính cộng trừ nhân chia, tập đọc, đọc nhanh,…

Tiểu học là cấp bậc phát hiện chứ không phải cấp bộc lộ hết năng khiếu. Còn khi bắt đầu lên lớp 5-6, học sinh mới có thể phát triển năng khiếu, từ đây mới bắt đầu gọi là phân hóa.

Để có được thành công trong việc áp dụng CTTT vào giáo dục, theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, một trong những điều kiện cơ bản để có thể theo kịp thế giới là phải đổi mới hoàn toàn ngành Sư phạm, nâng cao chất lượng sư phạm để phát triển xa hơn nữa.

Trước tiên, ngành Sư phạm phải tiến lên trước một bước, đào tạo những giáo viên thật đầy đủ kiến thức chuyên môn trong việc dạy phân hóa, mới có thể dạy và hướng dẫn tự chọn, hướng dẫn theo những "ý đồ" tiên tiến của thế giới.

Chính phủ và các trường học phải đầu tư kinh phí hiện đại hóa mô hình nhà trường thì mới có thể áp dụng CTTT thành công.

Phạm Huệ - Lê Tú

(Email: lengoctu@dantri.com.vn)