“Chúng em không biết học nhiều môn để làm gì?”
(Dân trí) - Có những học sinh đến trường nhưng hoàn toàn không biết mình học môn đó để làm gì. Điều này dẫn đến các em thiếu động lực và thái độ chủ động trong học tập.
“Chúng em không biết học nhiều môn như Vật lý, Lịch sử, thậm chí là nhiều nội dung trong môn Toán và môn Văn để làm gì? Liệu những môn học này có giúp cho cuộc sống và tương lai của mình hay không?”, nhiều học sinh (HS) Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TPHCM) đưa ra câu hỏi tại chương trình Tư vấn học đường 2013 “Tự tin bước vào năm học mới” do chuyên đề VTM (Văn - Thể - Mỹ) báo Giáo dục TPHCM kết hợp phối hợp với 6 trường THPT tổ chức.
Học Lý để ném bạn... cho chuẩn
Khi hỏi môn học đáng sợ nhất, hàng trăm học trò đồng loạt giơ tay biểu quyết cho môn Vật lý. Nhiều HS cho hay, môn Lý quá khó làm các bạn mất hứng thú, đồng thời cũng không nắm hết được vai trò của môn học này.
Thầy Mộng Linh, giáo viên Lý tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho rằng kiến thức môn Lý ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Với lứa tuổi học trò, trong giờ học các bạn rất khoái ném phấn vào người khác. Anh chàng thích cô bạn nào đó hay cô gái ghét cậu bạn nào cũng khoái ném phấn cho bõ tức.
“Bạn phải căn được chiều dài giữa hai điểm, trọng lượng và tốc độ của viên phấn thì mới ném trúng mục tiêu được. Không nắm được những thông số này, ném đến lần thứ 3 vẫn trượt thì chẳng những bị “đối phương” phát hiện mà còn bị thầy... bắt ngay tại trận. Vậy học Lý có ích hay không?”, thầy Linh hóm hỉnh.
Dẫn chứng về “tác dụng của học Lý” gần gũi, dễ hiểu với tuổi học trò mà thầy Linh đưa ra làm hàng ngàn HS vỗ tay cuồng nhiệt. Tác dụng của việc học gắn liền trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày nhưng không phải học trò nào cũng nhận ra. Thế nên nhiều HS hiện nay có suy nghĩ mình đang phải học, bị học chứ chưa thấy được rằng việc được đến trường tiếp thu kiến thức là điều hết sức cần thiết.
“Đỉnh núi cao nhất thế giới Everest có chiều cao bao nhiêu?”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TPHCM) đưa ra câu hỏi. Một nữ sinh nhanh chóng trả lời: “Everest cao 8.848m so với mức nước biển”.
“Hoan hô bạn đã có câu trả lời đúng. Nhưng xin thưa, thông tin đó đã cũ, dưới tác động của sự biến đổi trái đất và mực nước biển, Everest đã cao thêm 8m. Bây giờ nếu ai hỏi các bạn Everest có chiều cao bao nhiêu thì đáp án sẽ là?”, sau khi cung cấp thông tin cho HS, thầy Hiếu tiếp tục đặt câu hỏi. Hàng ngàn HS cùng nhẩm tính rồi đồng thanh đưa ra đáp án mới là 8.856m.
“Các bạn tính toán rất nhanh nhưng các bạn đã bị... thầy bịp một cách quá dễ dàng bởi chiều cao hiện nay của Everest là 8.848m. Không học, không có kiến thức khi ra đời bạn sẽ dễ dàng bị người khác bịp là như vậy”, thầy Khắc Hiếu chia sẻ.
Đồng thời, chuyên gia này trả lời câu hỏi trước đó của một học trò "Học Văn để làm gì? Sao phải học những bài như Mảnh trăng cuối rừng, người ta yêu nhau mắc mờ gì đến mình?" - “Môn Văn nuôi dưỡng tâm hồn, để chúng ta phân biệt được cái đẹp, cái xấu, đồng thời giúp phát triển ngôn ngữ, tư duy. Học Mảnh trăng cuối rừng để hiểu thế nào là một tình đẹp, tình yêu thực sự thì bạn mới phân biệt được đâu là người yêu thương mình và đâu là... Sở Khanh”.
Ý nghĩa của các môn học khác như Toán, Hóa, Sử... đều được thầy cô lần lượt giải đáp một cách ví von, gần gũi và dễ hiểu với học trò. Thông qua đó, các em hiểu được rõ nét về mục đích của việc học và từng môn học cụ thể.
Biết cách học để bớt gian nan
Nhiều HS đưa ra là các em học rất nhiều, học thức đêm thức hôm, học đến... thâm quầng cả mắt nhưng hiệu quả lại chẳng bao nhiêu. Theo ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, vấn để ở chỗ các bạn chưa tìm được phương pháp học phù hợp.
Để các em hiểu rõ vai trò phương pháp học, 4 HS được mời lên tham gia trò... ném giấy. Mỗi em nhận một tờ giấy A4, làm bất kỳ cách nào trong vòng 10 giây để ném tờ giấy đi được xa nhất. Một em vì gấp gáp để nguyên tờ giấy ném, tờ giấy bay ngược trở về đúng vị trí cũ; một HS nhanh tay gấp chiếc máy bay, tờ giấy bay được 3m; hai em còn lại vò tờ chặt tờ giấy rồi mới ném đi nên ném được xa nhất.
Qua trò chơi này, Th.S Hoàng Khắc Hiếu phân tích, các em có các phương tiện, nội dung học tập giống nhau nhưng nếu không chọn được phương pháp thông minh, hợp lý thì sẽ không đưa lại kết quả như mong muốn. Muốn kết quả học tập tốt HS cần hiểu về yêu cầu của từng môn học, hiểu về bản thân mình để chủ động đưa ra phương pháp tốt nhất. Khi đó việc học sẽ nhẹ nhàng hơn chứ không còn nan giải, đáng sợ.
Sau khi diễn ra tại TPHCM, chương trình Tư vấn học đường 2013 sẽ tiếp tục được tổ chức tại Vũng Tàu với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý và sức khỏe nhằm trang bị kỹ năng sống cho học trò bậc THPT.
Hoài Nam