Chưa ra trường, SV FPT được doanh nghiệp trải thảm đỏ chào đón
(Dân trí) - Trong khi các bạn đồng trang lứa đang loay hoay nỗi lo thất nghiệp, Đỗ Thành Đạt- SV CNTT, ĐH FPT đã thành quản lý dự án trong một doanh nghiệp công nghệ. Song song với đó, chàng trai 9X này vẫn giành được vô vàn các thành tích nổi bật trong học tập.
Chắt chiu cơ hội từ kỳ thực tập
Hiện Đạt đang trong kỳ OJT (On the job training - thực tập tại doanh nghiệp) cuối cùng của đời sinh viên. Trước đó, cậu đã có kinh nghiệm làm việc tại một doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn thành phố với vai trò Full-stack Developer. Đạt đảm nhiệm việc lên kế hoạch thiết kế và kiểm thử các ứng dụng web, đồng thời tham gia xử lý các sự cố kỹ thuật của khách hàng. Trong nhiều dự án, Đạt trực tiếp là người quản lý (project manager), thúc đẩy mọi người hoàn thành công việc.
Ít ai biết, trước khi có được vị trí như vậy, Đạt cũng trải qua những quãng thời gian chật vật trong văn phòng làm việc. “Lần đầu tiên đi OJT tại TP. Hồ Chí Minh, em đã gặp những thứ mình chưa từng được học. Không có kỹ năng để giải quyết vấn đề, em cảm thấy khá bối rối”.
Không nản chí, chàng sinh viên Trường ĐH FPT mạnh dạn nhờ các anh chị đi trước chỉ dạy, đồng thời chủ động tìm kiếm các kiến thức công nghệ mới để học theo. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, Đạt đã bắt nhịp được với công việc và dần lấy lại được sự tự tin khi bắt tay vào xử lý các vấn đề được giao.
Với Đạt, việc thực tập từ sớm mang lại cho cậu những trải nghiệm rất thực tế và đa chiều về ngành công nghệ. “Kỷ niệm em nhớ nhất là khi cùng các anh chị trong nhóm tranh luận cực kỳ nhiệt tình về một bài toán khá hay trong dự án. Màn tranh luận diễn ra đến vài ngày, thậm chí đến cả khi nhóm nhận được thông báo là vấn đề đó đã được loại bỏ khỏi yêu cầu thì mọi người vẫn tiếp tục tranh luận” - Đạt nhớ lại. Nhờ đó, cậu rèn cho mình khả năng đi đến tận cùng của vấn đề và không bao giờ bỏ dở giữa chừng.
Sớm có công việc và cả thu nhập khi ngồi trên ghế nhà trường, Đạt cho biết điều đó có cả hai mặt “được” và “mất”. Một trong những áp lực lớn nhất là việc phải đảm bảo song song giữa việc học và làm. “Có những ngày cao điểm, bài trên lớp và công việc ở công ty dồn đến cùng lúc làm em thực sự rất mệt. Lúc đấy em chỉ biết cố gắng “chạy đua” với sức lực xem ai lì hơn thôi”. Cẳng thẳng là vậy nhưng nếu lựa chọn lại, nam sinh Cần Thơ vẫn sẽ không từ bỏ công việc của mình: “Khi đi làm, chúng ta sẽ có cơ hội để học hỏi thêm những kỹ năng chuyên ngành mà khi ở trường, chúng ta không được học, đặc biệt là kỹ năng giải quyết các vấn đề thực. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp cũng là điều rất quan trọng mà chúng ta có thể học khi bắt tay vào làm việc”.
Kinh nghiệm “chinh chiến” online
Giữa mùa dịch, ngoài làm việc, Đạt vẫn tranh thủ “cày” thêm một số chứng chỉ về CNTT để chuẩn bị ra trường. Cách đây 4 năm, trong thời gian ôn thi THPT Quốc gia, Đạt từng có một cách học rất khác người: thay vì đến các “lò” luyện, cậu suốt ngày ở nhà “ôm” máy tính, xem hết bài giảng này đến bài giảng khác trên một trang giáo dục trực tuyến.
Theo Đạt, “đa phần mọi người ngại học trực tuyến vì cho rằng bản thân khó tập trung học. Vậy thì điều mình cần chính là cấp tốc rèn luyện sự tập trung. Thực tế kỹ năng này trở thành vô cùng cần thiết khi ra trường đi làm”. Ngồi trước máy tính, Đạt sẽ tạm gác tất cả những việc không liên quan như chơi game, đồ ăn, phim ảnh… qua một bên để dồn toàn bộ sự tập trung cho bài giảng. Đồng thời, cậu cũng vạch sẵn thời gian biểu và mục tiêu cho bản thân để có thêm động lực tập trung học tập.
Nhờ khả năng tự học tốt mà suốt những năm học phổ thông cho đến khi lên đại học, Đỗ Thành Đạt trở thành “gương mặt thân quen” tại các sân chơi công nghệ như HCĐ Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc, Giải Ba Tin học Trẻ toàn quốc, Á quân FPT Edu Hackathon, HCB cuộc thi lập trình ICPC Việt Nam…
Nói về dự định sắp tới, chàng sinh viên ĐH FPT hào hứng: “Sau khi tốt nghiệp, mình dự định sẽ làm việc tại một công ty công nghệ tại TP. HCM để phát triển các kỹ năng bản thân, học hỏi thêm những kiến thức mới, đồng thời tích lũy kinh nghiệm. Xa hơn, mình vẫn luôn mong muốn có một start-up riêng với một sản phẩm có giá trị để giải quyết những vấn đề của cộng đồng, cũng như nâng cao đời sống người dân”.