"Chữa lành" bằng công nghệ cao, sinh viên Cơ khí đạt giải nhất Sáng tạo trẻ
(Dân trí) - Với công trình nghiên cứu "chữa lành" bằng công nghệ cao, nhóm sinh viên Trường Đại học Cơ khí (ĐH Bách khoa Hà Nội) giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ toàn quốc 2024.
Cuộc thi Sáng tạo trẻ toàn quốc được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. Trải qua nhiều vòng thi đấu cam go, 5 đội thi lọt vào vòng chung kết diễn ra ngày 28/12 tại Hà Nội.
"Chữa lành" bằng công nghệ cao
Đội DNA Mechatronics gồm Mai Bá Nghĩa, Tăng Hoàng Đức và Lê Đức Anh, sinh viên K66 Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ban đầu, 3 chàng trai là những đồng minh cùng phòng lab, không hề có ý định tham gia cuộc thi. Tuy nhiên, nhờ sự động viên và kết nối của giảng viên hướng dẫn, cả 3 quyết định cùng nhau thử sức.
Theo em Mai Bá Nghĩa, trưởng nhóm DNA Mechatronics, bản thân em từng bị tai nạn ở tay, đến nay vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại. Thấu hiểu nỗi đau và khó khăn của người bệnh, Nghĩa cùng cộng sự nghiên cứu ra sản phẩm "chữa lành" bằng công nghệ cao.
Công trình "găng tay phản hồi xúc giác trong không gian ảo" là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và y học để tạo nên thiết bị tiên tiến hỗ trợ phục hồi chức năng vận động tay thông qua công nghệ thực tế ảo.
Trong đó, sản phẩm gồm hai phần, cứng và mềm, phần cứng là găng tay phản hồi xúc tác còn phần mềm là môi trường ảo. Xuyên suốt quá trình tập luyện, bác sĩ sẽ thấy bệnh nhân có tiến triển trong quá trình tập luyện hay không.
Sản phẩm được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân trong quá trình phục hồi chức năng vận động sau chấn thương - lĩnh vực vốn còn nhiều hạn chế tại Việt Nam.
Thiết bị sử dụng công nghệ thực tế ảo mô phỏng môi trường tương tác trực quan, giúp bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động tay một cách hiệu quả và sinh động hơn.
Hệ thống cảm biến tích hợp trong thiết bị có khả năng ghi lại các thông số quan trọng như lực cầm nắm, độ rung của ngón tay hay phạm vi chuyển động. Những dữ liệu này sẽ được phân tích và cung cấp cho bác sĩ, giúp đánh giá tiến trình hồi phục, điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
Không dừng lại ở đó, với kính ảo, bệnh nhân giảm thiểu cảm giác nhàm chán và áp lực trong quá trình phục hồi chức năng. Các bài tập được thiết kế theo gói với từng độ khó khác nhau cho người bệnh.
Cũng theo Mai Bá Nghĩa, hiện người bệnh khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ cao trong phục hồi chức năng hoặc nếu có cũng chưa phù hợp với túi tiền người Việt.
"Với nghiên cứu này, có thể giảm bớt gánh nặng nhân lực chăm sóc bệnh nhân, nâng cao việc tập luyện cho bệnh nhân so với việc tập luyện truyền thống.
Đặc biệt, sự đa dạng trong không gian ảo có thể giúp bệnh nhân tích cực luyện tập", Nghĩa nói.
"Hồi sinh" cho những cánh tay
Theo Tăng Hoàng Đức, thành viên của nhóm, mỗi người trong nhóm có thế mạnh riêng. Ban đầu từng thành viên chưa nghĩ đến việc kết hợp những thế mạnh đó cho đến khi biết đến cuộc thi này.
Đặc biệt đây là đề tài mới, chưa có nhiều tài liệu tham khảo, cả đội gần như phải bắt đầu từ con số 0, vừa sáng tạo vừa đảm bảo tính ứng dụng thực tế.
Thời gian chuẩn bị gấp rút, chỉ vỏn vẹn 3 tháng, buộc các thành viên phải cân bằng giữa việc học, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Không ít lần, cả đội ở lại trường đến tối muộn để cùng nhau hoàn thiện từng chi tiết nhỏ. Là dân thuần kỹ thuật, cả nhóm tự học cách thuyết trình, phản biện, thiết kế và xây dựng phương án kinh doanh.
Những bất đồng và tranh cãi là điều không thể tránh khỏi, nhưng cuối cùng, họ luôn tìm được tiếng nói chung. Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với đội là những lần "chạy deadline" để kịp tiến độ cuộc thi.
Có thời điểm, sản phẩm tưởng chừng "toang" ngay trước hạn nộp. Nhưng nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ và một chút may mắn, cả đội đã kịp thời khắc phục.
"Khi tiến vào chung kết, cảm xúc của cả đội là sự đan xen giữa vui mừng và lo lắng. Ban đầu chúng tôi chỉ định thi cho biết, để có kỷ niệm, không ngờ đoạt giải nhất", Nghĩa nói.
Theo đánh giá chung từ Hội đồng Ban Giám khảo, các dự án năm nay không chỉ có lĩnh vực phong phú mà còn bám rất sát các vấn đề thời sự trong nông nghiệp thông minh, y tế, giáo dục...
Các đội thi cũng thể hiện tầm nhìn phát triển sản phẩm dài hạn khi mạnh dạn đề xuất các mô hình kinh doanh và dịch vụ hỗ trợ khả thi. Đây là điểm trưởng thành vô cùng lớn của các đội sau thời gian tham gia từ Vòng Ý tưởng khi xuất phát điểm đều là các cô, cậu sinh viên kỹ thuật vốn chưa quen với khía cạnh kinh doanh.
Đánh giá về công trình của đội DNA Mechatronics, các thành viên Ban giám khảo đánh giá cao.
Góp ý cho công trình này, một thành viên ban giám khảo cho rằng, việc phục hồi chức năng nên theo liệu trình của bác sĩ, thay vì tự tập dẫn đến "tiền mất tật mang".
Công trình nên áp dụng chủ yếu cho những người bị đột quỵ nhẹ. Còn những người phục hồi chức năng ở mức độ nặng, phải có sự can thiệp của bác sĩ theo lộ trình cụ thể.
Không dừng lại ở cuộc thi Sáng tạo trẻ 2024, đội DNA Mechatronics hy vọng sản phẩm này sẽ mang đến giải pháp tối ưu, góp phần cải thiện cuộc sống của các bệnh nhân cần phục hồi chức năng.
"Hiện giá thành sản phẩm bán ra khoảng 4 triệu đồng, gồm găng tay, camera và hệ thống phần mềm.
Với giải nhất 50 triệu đồng hôm nay, chúng em sẽ tiếp tục giữ lửa đam mê, mở rộng tính năng sản phẩm, chẳng hạn thêm vào chi tiết hỗ trợ nắm tay cho người bệnh, đồng thời chúng em mong muốn sớm thương mại hóa sản phẩm", Nghĩa cho biết.
Thông tin từ Bộ Y tế hồi đầu tháng 12 vừa qua, với 10.000 người dân chỉ có 0,25 nhân viên y tế phục hồi chức năng. Trong khi đó, mức nhân lực khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 0,5 -1 người/10.000 dân.
Phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng và là một trong các trụ cột của hệ thống y tế. Hiện nay, nhu cầu phục hồi chức năng của người dân ngày càng tăng do xu hướng già hóa dân số, nhiều người mắc các bệnh lý mạn tính.