Chưa có chủ trương bỏ biên chế với giáo viên, dự kiến điểm sàn ĐH là 15 điểm

(Dân trí) - Một nữ tiến sĩ Việt Nam vào tốp 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chưa có chủ trương bỏ biên chế với giáo viên; Dự kiến điểm sàn đại học năm 2017 sẽ không thấp hơn năm trước... là những thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.

Một nữ tiến sĩ Việt Nam vào tốp 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á

Theo bình chọn của tạp chí Asian Scientist , PGS. TS Lê Thị Kim Phụng - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM) là nhà khoa học duy nhất của Việt Nam lọt vào tốp 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2017.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng hiện là Phó Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Hóa học của trường ĐH Bách khoa TP.HCM. TS Kim Phụng sinh năm 1975 tại Thừa Thiên - Huế, tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM năm 1999 loại xuất sắc với điểm luận văn đạt tối đa 10/10 và là thủ khoa của khoa, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng được Tạp chí Asian Scientist bình chọn trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng được Tạp chí Asian Scientist bình chọn trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á

PGS Lê Thị Kim Phụng được Tạp chí Asian Scientist đưa vào mục các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học nông nghiệp của danh sách. Nghiên cứu của PGS Kim Phụng tập trung vào việc tạo ra nhiên liệu sinh học từ chất thải của ngành nông nghiệp như dầu hạt cao su, hạt cà phê hay hoa quả.

Asian Scientist là một tạp chí của Singapore ra đời bản online từ năm 2011. Bản in chính thức được xuất bản từ năm 2014.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng cũng là người được trao giải thưởng Khoa học ASEAN-Hoa kỳ dành cho phụ nữ vào năm ngoái. Giải thưởng này trao cho các nhà khoa học công tác trong lĩnh vực khoa học ứng dụng với mục tiêu cải thiện sự an toàn, bền vững và an ninh của các thành phố trong thời đại đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.

Thủ tướng: Chưa có chủ trương bỏ biên chế với giáo viên

Trong buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng ngày 26/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chưa có chủ trương bỏ biên chế với giáo viên. Mọi nhà giáo yên tâm”.

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp thu, trao đổi và trực tiếp giải đáp, làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm.

Về vấn đề bỏ biên chế với giáo viên, Thủ tướng cho biết, một số trường đại học, cơ sở giáo dục có đề án, chương trình tự trang trải được kinh phí thì ký hợp đồng với giáo viên, còn nếu áp dụng hình thức này cả với giáo viên vùng sâu, vùng xa, cả đời gắn bó với nghề giáo thì không ổn.

Thủ tướng khẳng định: “Chưa có chủ trương đó. Mọi nhà giáo yên tâm”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó, trả lời chất vấn Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây mới là ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT chưa hề có văn bản đề xuất và trong nhiều lần làm việc với Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng cũng chưa bao giờ nghe thấy đề xuất này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định cho tới nay, chưa có chủ trương bỏ biên chế đối với giáo viên, ngay cả với các trường đại học, và cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Nghị định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập và Nghị định về cơ chế tự chủ trong các trường giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và trung cấp. Trong dự thảo hai nghị định này vẫn giữ biên chế công chức và viên chức.

Tổ ra đề môn Lịch sử giải thích về phương án "gây nhiễu" trong đề thi

Trước nhiều băn khoăn của giáo viên, thí sinh về đề thi môn lịch sử THPT quốc gia năm 2017, chiều ngày 29/6, Tổ ra đề thi môn Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia phát đi thông báo và khẳng định: "Đề thi, đáp án đã công bố là chính xác hoàn toàn".

Theo thông báo phát đi của Tổ ra đề môn Lịch sử thì Tổ đã rà soát cẩn thận, kĩ càng từng câu hỏi trong các mã đề thi theo phản ảnh và khẳng định đề thi, đáp án đã công bố là chính xác hoàn toàn. Thí sinh yên tâm kết quả làm bài của mình sẽ được đánh giá chính xác.

Nội dung các câu hỏi đều bám sát kiến thức trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016.

Tổ ra đề môn Lịch sử cho rằng, đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đổi mới thi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan và dùng dạng thức câu hỏi ở dạng trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, trong 4 phương án lựa chọn sẽ có một phương án đúng, các phương án còn lại được đưa vào có tác dụng “gây nhiễu” đối với người làm bài và được gọi là các phương án nhiễu.

Đặc biệt, câu hỏi ở các cấp độ vận dụng và vận dụng cao, theo kỹ thuật viết câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn thì các phương án nhiễu buộc phải có vẻ như “có lý” và “hấp dẫn” như phương án đúng nhưng không phải là phương án đúng.

Hà Nội: 43 trường công lập thay đổi điểm chuẩn vào lớp 10

Ngày 30/6, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn năm học 2017- 2018. Theo đó, có 43/108 trường thay đổi điểm chuẩn trúng tuyển theo hướng hạ xuống.

Trước đó, tối 26/6, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2017-2018. Năm nay, Hà Nội có 76.000 thí sinh dự thi, nhưng chỉ tiêu của các trường công lập chỉ gần 51.000.


Học sinh Hà Nội căng thẳng “giành suất” vào lớp 10 công lập.

Học sinh Hà Nội căng thẳng “giành suất” vào lớp 10 công lập.

Với mức điểm chuẩn bổ sung theo hướng hạ điểm này, nhiều học sinh sẽ có tin vui “từ trượt thành đỗ” trường công lập trên địa bàn thủ đô. Ngoài các trường công lập thì năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng hạ điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT chuyên từ 0,5 đến 2,5 điểm, tùy từng lớp chuyên ở từng trường THPT.

Dự kiến điểm sàn đại học năm 2017 sẽ không thấp hơn năm trước

Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ sẽ công bố điểm sàn sau khi có điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia 2017. Tuy nhiên, điểm sàn năm nay sẽ không thay đổi nhiều so với năm trước, dự kiến điểm sàn đại học là 15 điểm.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay với đề thi năm nay, điểm cao, điểm tuyệt đối sẽ không nhiều vì có những câu hỏi rất khó chỉ những thí sinh giỏi mới làm được.

Mặc dù chưa có điểm thi nhưng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điểm sàn sẽ không thay đổi một cách đột biến so với năm trước vì điểm sàn đại học đã ổn định nhiều năm nay. Do đó, thí sinh yên tâm về điểm sàn đại học năm nay.

Hiện các địa phương đang khẩn trương chấm thi THPT quốc gia 2017. Nhiều nơi dự kiến thời sẽ công bố kết quả chấm thi theo đúng lịch hoặc sớm hơn ngày 7/7/2017.


Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2017. (Ảnh: Mai Châm)

Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2017. (Ảnh: Mai Châm)

Được biết, đ​iểm sàn xét tuyển đại học năm 2016 là 15 điểm, áp dụng cho tất cả các khối thi A, A1, B, C, D.

Mức 15 điểm là tổng điểm 3 môn thi THPT quốc gia năm 2016 không nhân hệ số, chưa tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.

Nguyên Chi (Tổng hợp)