Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm diễn giả tại lễ khai khóa ĐH Quốc gia TPHCM

(Dân trí) - Sáng ngày 3/10, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức lễ khai khóa năm học 2016-2017. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự với vai trò diễn giả đã chia sẻ với sinh viên nội dung Thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thời cơ và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 4


Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu trước 1.000 sinh viên tại Lễ Khai khóa của ĐHQG TPHCM sáng nay 3/10.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu trước 1.000 sinh viên tại Lễ Khai khóa của ĐHQG TPHCM sáng nay 3/10.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh hình thức tổ chức lễ khai khoá và vui mừng khi được mời làm diễn giả nói chuyện với sinh viên ĐH quốc gia TPHCM. Để buổi nói chuyện đi vào trọng tâm, Chủ tịch nước đề nghị sinh viên đặt câu hỏi về vấn đề mình quan tâm.

Ngay sau đó, em Trần Hoàng Lộc, sinh viên năm 4 ngành Kỹ thuật máy tính, trường ĐH Công nghệ thông tin cho biết muốn hiểu rõ hơn đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cùng mối quan tâm, em Trương Văn An - sinh viên năm 4 khoa công tác xã hội, trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn thì quan tâm rằng cuộc cách mạng này ảnh hưởng gì đến Việt Nam ở những lĩnh vực nào? Còn sinh viên Trương Phương Nam - trường ĐH Bách khoa thì băn khoăn, vấn đề phát triển công nghiệp với môi trường.

Trước ba câu hỏi của sinh viên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã giải đáp thông qua bài phát biểu dài hơn 30 phút với chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống”.

Chủ tịch nước cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn liền với thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” đã làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất - giá trị. Chủ tịch nước nhấn mạnh cuộc cách mạng này tác động mạnh mẽ đến kinh tế, xã hội và môi trường cả mặt tích cực nhưng đồng thời cũng mang nhiều thách thức trung hạn và dài hạn.

Chủ tịch nước cùng lãnh đạo ĐHQG TPHCM
Chủ tịch nước cùng lãnh đạo ĐHQG TPHCM

Theo Chủ tịch nước, ”Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới, tốc độ ứng dụng và phát triển Internet ngày càng tăng nhưng cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức, tiềm ẩn những yếu tố đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng mạng viễn thông, Internet để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị ở nước ta”.

Trước những thách thức đó, Chủ tịch nước lưu ý việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể, toàn diện, phát triển công nghệ về bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam. “Cần chính sách phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học về công nghệ thông tin nói chung và lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng nói riêng. Đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Xây dựng chương trình khung về an toàn thông tin, an ninh mạng cho mọi cấp học....”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Tri thức là sức mạnh của đất nước


Dịp này, Chủ tịch nước tặng sách do mình làm tác giả cho ĐH Quốc gia TPHCM.

Dịp này, Chủ tịch nước tặng sách do mình làm tác giả cho ĐH Quốc gia TPHCM.

Chủ tịch nước cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kỷ nguyên thông tin đã làm biến đổi sâu sắc công cụ lao động và phương thức sản xuất tạo nên năng suất lao động cao. Giá trị của sản phẩm được quyết định không phải bởi sức lao động đơn giản, lao động tự nhiên mà bởi hàm lượng tri thức kết tinh trong đó. tri thức là sản phẩm của trí tuệ, vì thế sức mạnh của đất nước chúng ta tuỳ thuộc vào sự huy động sức mạnh trí tuệ của toàn dân. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế làm cho cuộc cạnh tranh về nhân tài và trí tuệ trở thành một cuộc đua tranh toàn thế giới trong đó ưu thế đang thuộc về các nước phát triển. Trong bối cảnh đó, để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước thì Việt Nam phải ra sức xây dựng và phát triển nguồn lực trí tuệ của toàn dân. Muốn có tri thức mới thì phải đẩy mạnh công cuộc phát triển khoa học, giáo dục và đào tạo.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng ĐH Quốc gia TPHCM là một tổ hợp giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, một hệ thống các trường đại học thành viên, các viện nghiên cứu và đơn vị chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực với 35 đơn vị thành viên và trực thuộc, trong đó có 6 trường đại học hàng đầu phía Nam, 1 viện nghiên cứu thành viên và 28 đơn vị trực thuộc hoạt động ở 5 lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Xã hội, Kinh tế và Khoa học sức khỏe.

Cuối lễ khai khoá, ông cùng lãnh đạo TPHCM trồng cây trong khuôn viên của ĐH hàng đầu phía Nam
Cuối lễ khai khoá, ông cùng lãnh đạo TPHCM trồng cây trong khuôn viên của ĐH hàng đầu phía Nam

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ĐH Quốc gia TPHCM cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục - đào tạo. Phải là nơi thu hút nhân tài, hội tụ của trí tuệ xuất sắc trong giới khoa học, nghiên cứu và giảng dạy; phải là “một thành phố đại học hiện đại,” nơi ươm mầm tài năng của đất nước hôm nay và mai sau. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hoá chương trình, nội dung giảng dạy và quy trình kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo. Đặc biệt chú trọng khơi dậy khả năng sáng tạo của sinh viên, phát triển và đem tri thức phục vụ cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, chất lượng giáo dục - đào tạo có mối quan hệ mật thiết với chất lượng nghiên cứu khoa học và sự kết nối với các doanh nghiệp. Vì vậy, cần tạo điều kiện để giảng viên, các nhà khoa học và sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ gắn kết chặt chẽ với quá trình sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp. Chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học danh tiếng ở các nước trong khu vực và trên thế giới; quan tâm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử chuẩn mực ở cả giảng viên và sinh viên.

“Giảng viên phải là tấm gương sáng để sinh viên nói theo, xác định đúng vai trò trách nhiệm trong việc dạy chữ và dạy người; truyền cho sinh viên niềm say mê học tập và nghiên cứu khoa học, sáng tạo, chủ động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sinh viên phải luôn tích cực học tập, rèn luyện phấn đấu để phục vụ đất nước và vì tương lai của chính bản thân mình”, Chủ tịch nước nhắn nhủ.

Trong lễ khai khóa, PGS. TS Huỳnh Thành Đạt - Phó giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết 5 năm tổ chức, lễ khai khóa đã trở thành buổi lễ truyền thống của ĐH góp phần hình thành văn hóa Đại học Quốc gia, khơi dậy trong sinh viên niềm tự hào ý thức trách nhiệm của sinh viên khi được học tập và rèn luyện tại một đại học hàng đầu của Việt Nam, đồng thời nâng cao tinh thần, trách nhiệm của sinh viên.

Tại lễ khai khóa, nhiều sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và hoàn cảnh khó khăn vượt khó cũng được nhận học bổng từ nhà trường và các tổ chức xã hội trao tặng.

Lê Phương