Chủ đích nào cho giáo dục trong tương lai?
(Dân trí) - Trong đó bao gồm "Tại sao phải đi học?", "Học để làm gì?" rồi sau đó "học những gì?", "học làm sao, bằng cách nào" và cuối cùng "học bao nhiêu năm".
Những câu hỏi này không mới. Từ hơn mười năm nay, Hội đồng giáo dục châu Âu đã đưa ra những đề nghị cụ thể dựa trên cơ sở "đi học suốt đời" mà UNESCO đã khởi xướng (1).
Chủ đích của giáo dục Tiểu và Trung học sẽ phải làm sao giúp các công dân trẻ làm chủ được 8 kỹ năng căn bản để có thể sống và sống tốt.
8 kỹ năng đó là:
. kỹ năng dùng tiếng mẹ trong giao tiếp hàng ngày
. kỹ năng dùng ngoại ngữ
. kỹ năng căn bản về toán, khoa học và kỹ thuật
. kỹ năng về tin học
. kỹ năng tự chủ để bươn chải tiếp tục học thêm suốt đời
. kỹ năng giao tiếp xã hội và có đạo đức cộng đồng công dân giáo dục
. kỹ năng sáng tạo và biết tổ chức gầy dựng sự nghiệp
. có vốn liếng văn hóa và có khả năng rung cảm trước cái đẹp, có óc thẩm mỹ.
Tiếng mẹ là chìa khóa để mở cữa tất cả những tiếp xúc hàng ngày với người khác mà còn là công cụ để giải quyết các vấn đề bằng giấy tờ. Làm chủ được tiếng mẹ còn là điều kiện cần để tiếp thu các kiến thức khác, kể cả kiến thức về một ngoại ngữ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, biết ít nhất là một ngoại ngữ thành một điều kiện cần, nhiều người trẻ ở châu Âu, nhất là trong giới sinh viên, nắm vững hai hay ba ngoại ngữ là điều thường thấy Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha là những ngoại ngữ thông dụng.
Phải có khả năng tiếp cận toán và khoa học. Trường học là nơi thiết bị cho trẻ những kiến thức cơ sở. Ở trường tiểu học, khám phá tóan, khám phá khoa học, khám phá môi trường vật chất, xã hội là những bài học đầu tiên để giải mã những hiện tượng chung quanh mình.
Tin học thành một dụng cụ tối cần thiết. Nói một cách quá đáng, nhiều bé biết dùng máy tính trước khi biết cầm dao cắt thịt. Ở các trường mẫu giáo, màn hình máy tính mang đến cho các bé những bài hát, truyện cổ tích. Lên bậc tiểu học, học sinh dùng máy tính tích cực như cầm bút.
Trường học là nơi giúp trẻ tập tành sống với xã hội và tiếp cận những giá trị cũng như những cấm kị của xã hội. Tiếp sức với gia đình, trường học là nơi trẻ tập sống với người khác, với những vai trò khác nhau, rộng hơn gia đình.
Trường còn là nơi để trẻ kém may mắn có thể bằng kiến thức của mình, tiến thân. Sứ mạng chống bất bình đẳng xã hội của trường học là một sứ mạng mà châu Âu tranh đấu từ thập niên 1960 tới giờ. Với tri thức, dù không được sinh ra nơi giàu sang quyền quí, mọi trẻ có thể lấp được phần nào hố cách biệt giữa các giai cấp.
Ngoài ra, phải nói là bàng bạc qua các kỷ năng đó là mục đích "giá trị của đời sống", quality of life, - hay để lập lại câu nói của Descartes "Người có tri thức sống tốt hơn" (Celui qui sait, sachant, vit mieux).
Các nhà tâm lý giáo dục còn cho học đường một vai trò khác nữa: tạo môi trường sống hạnh phúc cho trẻ, một loại gia đình thứ nhì. Điều này đúng vì ngày nay, trẻ đến trường rất sớm, cha mẹ chúng gửi chúng cho các cô nuôi dạy trẻ từ khi chúng chưa đầy hai tuổi. Trường học vì thế phải đảm trách vai trò tình cảm và tâm lý, là nơi để trẻ được bảo bọc, để chúng khám phá và rèn luyện bản thể của mình. Biết mình là ai và biết người khác là ai.
Trẻ thành tự lập và có thể tiếp tục học suốt đời. Thật vậy, vốn liếng đào tạo ở trường có thể sẽ thành vô giá trị với thời gian vì khoa học không ngừng phát triển. Nhưng trẻ được rèn luyện vững chắc sẽ đủ khả năng để suốt đời tiếp tục tự học.
Những kiến thức vô ích?
Sau "hiện tượng" sự trăn trở của một kẻ lười biếng, nhiều tiếng nói đồng tình, đồng tình cho cả việc phải giảm số năm học, số môn học (2).
Tác giả bài này không tham gia và hiện tượng này. Chỉ xin nói rằng giáo dục nước ta hiện có nhiều vấn đề. Nhưng phải làm sao để:
a. Cái thực dụng không thành thước đo giá trị đào tạo. Có ai trong chúng ta dám nói là thuộc vài câu Kiều là vô ích? rằng luật Newton hay định lý Pythagore không cần cho một người quản trị xí nghiệp tương lai? Hay không cần biết là Đức quốc xã đã tàn sát 6 triệu người Do thái?
Và còn nhiều kiến thức khác mà chúng ta có thể gọi là kiến thức tổng quát mà bất cứ "kẻ sĩ" nào cũng cần có, những kiến thức mà trường trung học cung cấp.
Nhiều người còn nhìn xa hơn: ngay tới những môn cổ ngữ như tiếng La tinh và tiếng Hi lạp cũng cần cho "thể dục trí tuệ" và làm giàu vốn văn hóa về những văn minh xưa, những kho tàng triết lý và đạo đức của nhân loại.
Giáo dục Cao đẳng và Đại học thiên về chuyên khoa và ngành nghề. Cao đẳng và Đại học lại cần một cơ sở tối thiểu.
Cái cơ sở tối thiểu ấy là giáo dục Tiểu và Trung học.
b. Không đưa ra những quyết định vội vàng.
Đa số các nước Âu Mỹ đều có chương trình tiểu và trung học 12 năm và hiện họ không có dự án giảm số năm này. Một cách tổng quát, học sinh 18 tuổi rời Trung học, 3 năm cho bằng Bachelor, 2 năm nữa cho bằng Master và 3 năm cho bằng Tiến sĩ. Đó là chương trình chung theo qui ước Bologne cho cả châu Âu. Toàn cầu hóa có những «luật» của nó. Nếu ta giảm chương trình Trung học phổ thông còn 9 hay 10 năm thì ta theo ai đây? Và liệu số năm đó có đủ để đào tạo, một cách thoải mái chứ không nhồi nhét, những công dân tương lai?
c. Thận trọng cho việc chọn môn sớm tùy khả năng và tùy theo ý thích của học trò với lý do để tránh quá tải. Như thế học sinh không phải bị bắt buộc học những môn không hứng thú?
Điều này, nhiều nhà giáo dục đã nghĩ tới, nhất là trong bối cảnh của phương pháp dạy học khác nhau (pédagogie différenciée) tùy đối tượng và đặt tâm điểm trên học trò (pédagogie centrée sur l'élève). Chứ không phải cho phép học trò chọn môn mình thích.
Cho phép học trò chọn môn tùy theo sở thích không hẳn là một giải pháp tốt:
. nhiều khi cha mẹ hay bạn bè quản lý sự chọn lựa này theo cái mà các nhà xã hội học gọi là conformisme socio-culturel - sự tuân thủ theo văn hóa gia đình hay văn hóa nhóm.
. ví dù cho học trò có khả năng tự bản thân mình chọn lựa đi nữa thì chọn môn hay chọn nghề sớm cũng là một hình thức bất bình đẳng bị ảnh hưởng của môi trường sống. Thông thường học trò, nhất là lúc còn vị thành niên, có khuynh hướng chọn môn học theo những «mẫu» của những người chung quanh.
. đẩy cái tự do chọn môn học tới cùng sẽ đưa đến một tình trạng bất khả thi vì không phải bất cứ trường nào cũng có thể cung ứng được cho tất cả nhu cầu khác nhau của tất cả học sinh của trường.
. Đó là chưa nói tới sự ích lợi của một số môn mà mới nhìn qua học sinh có thể cho là "khó tiêu hóa".
Đối với chính bản thân người viết bài này, bất cứ môn nào cũng "dễ tiêu hóa", cái cần là có những giáo viên biết cho... thêm mắm thêm muối, cho chất xúc tác và gây lôi cuốn - Nhưng đó là vấn đề phương pháp sư phạm.
Trong đấu ngoặc, nếu ta theo phương thức của Phần Lan thì ba năm chót của Trung học phổ thông có thể là ba năm học nghề cho một số học sinh không định học tiếp Đại học. Nhưng với điều kiện, cũng như Phần Lan đang làm, là ba năm này được xem là tương đương với chương trình phổ thông nếu sau đó, các học sinh này thay đổi định hướng. Phương thức này có thể thích hợp cho những học sinh thích thực hành, lại có thể đào tạo một cách có bài bản, những «thợ» có tay nghề chuyên môn cao.
Từ đầu thập niên 1960 tới nay, thế giới đã đi những "bước bảy dậm" về tâm lý nhi đồng, về phương pháp sư phạm và về xã hội học cho giáo dục. Có lẻ ta cần cập nhật gấp những chậm trể trong các lĩnh vực này để việc cải tổ giáo dục có hiệu quả. Giảm quá tải không hẳn chỉ là đồng nghĩa với cắt bớt các môn học mà có thể là thay đổi cách tiếp cận các nội dung hay thay đổi phương pháp dạy học.
Cuối cùng, xin bớt tranh luận và bắt tay vào việc sửa đổi giáo dục với một hay nhiều phương án có cơ sở, có quá trình, có phương tiện và nhân lực để thực hiện và có bộ phận kiểm tra thành quả, từng giai đoạn, của phương án. Và bước đầu tiên có lẽ phải là một nghiên cứu tổng thể về hiện tình giáo dục.
(1) Rapport du Conseil «éducation» au Conseil Européen sur les objectifs concrets, futurs, des systèmes d’éducation et de formation. Document 5980/01, 14.02. 2001.
L’école de demain. Repenser l’enseignement : Des scénarios pour agir. OCDE, 2006.