Chọn trường tốt khi du học

Không tự tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi cho con em du học, nhiều gia đình đã bị một số công ty tư vấn lừa gạt, ăn chặn tiền đóng góp, bị “lái” sang học những trường kém chất lượng. Nhưng biết chọn lựa như thế nào trước một thị trường đang rộn ràng như hiện nay?

Sẽ không khó nếu học giỏi...

 

Nếu bạn là một học sinh xuất sắc, việc tìm kiếm học bổng du học nước ngoài không phải là khó lắm. Có thể đơn cử trường hợp 5 chàng trai của trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) là Huỳnh Quang Thuận, Trần Đình Nguyên, Phạm Thanh Phong, Nguyễn Cẩm Thạch, Huỳnh Ngọc Đăng Trình đều giành "Học bổng ASEAN" của ĐH Quốc gia Singapore (NUS).

 

Hhay như cô gái Nguyễn Bảo Nguyên của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) theo học NUS sau đó một năm đều có thành tích học tập xuất sắc tại nước bạn. Họ đều đạt danh hiệu "sinh viên ưu tú", tốt nghiệp thủ khoa của NUS.

 

Sau đó không lâu, người thì nhận học bổng của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) qua cuộc tuyển chọn gắt gao, người thì nhận được nhiều lời mời của các trường ĐH danh tiếng và hiện tại thì tất cả đều đang là nghiên cứu sinh tại Mỹ. Các học sinh, sinh viên giỏi khác cũng còn có nhiều cơ hội du học bằng học bổng do các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước tuyển chọn.

 

Nguyện vọng được du học, nhất là du học tự túc, còn có thể thực hiện được nếu bạn biết tự tìm thông tin học bổng trên mạng hoặc nhờ đến sự trợ giúp của các công ty tư vấn du học (TVDH) có uy tín.

 

Để đạt hiệu quả trong việc cho con em du học, nhiều gia đình đã nghiệm ra được một điều mà tưởng chừng như ai cũng hiểu: cần có sự đầu tư lâu dài cho con em về mặt kiến thức cũng như lối sống trước khi đi học xa, có một quá trình tự tìm hiểu và sàng lọc thông tin du học. 

 

Cơ hội bất ngờ trên mạng

 

Để phục vụ tốt cho mục đích học tập, ngày nay nhiều bạn đã chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng internet. Chỉ cần một vài từ khóa phù hợp (học bổng, ngành học, việc làm, quốc gia muốn đến học...) được gõ bằng tiếng Anh trên mục "web" của website Google ở địa chỉ http://news.google.com/, cộng thêm sự kiên trì tìm hiểu trên những thông tin đó, không ít bạn đã có những cơ hội bất ngờ.

 

Nếu muốn tìm hiểu về điều kiện xét duyệt học bổng của các quỹ học bổng cụ thể (Fulbright, Ford, World Bank Scholarship, British Chevening...), tại sao bạn không gõ những từ khóa đó vào Google?

 

Theo thống kê của các công ty TVDH, Mỹ là điểm du học được nhiều người quan tâm nhất hiện nay vì ở đó có rất nhiều trường có khả năng đào tạo rất tốt, luôn dẫn đầu (với số lượng áp đảo) trong danh sách các trường đại học tốt nhất thế giới. Tuy vậy, Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Huy Thịnh (Giám đốc Trung tâm đào tạo khu vực SEAMEO) cảnh báo ở đất nước này cũng có nhiều trường chưa được yên tâm về chất lượng đào tạo, không được các tổ chức kiểm định uy tín công nhận, thậm chí "có vấn đề về pháp luật", không chú tâm đào tạo mà chỉ chuyên lo việc cấp bằng...

 

Để tìm hiểu chi tiết về các trường ở Mỹ, người học có thể vào trang web http://www.chea.org/, http://www.ed.org/... hoặc xem tập sách Ultimate College Guide (mỗi năm in 1 tập, ấn bản năm 2007 dày 1.763 trang khổ A4) để biết đầy đủ thông tin của tất cả các trường như: tiêu chuẩn tuyển chọn, kiểm định, địa chỉ website, đóng trên khu vực đô thị hay ngoại ô, loại văn bằng được cấp, ngành học được nhiều SV học, học phí, sinh hoạt phí...

 

Một lợi điểm thấy rất rõ của việc tìm kiếm trên mạng là nuôi dưỡng được hoài bão của mình để rồi một lúc nào đó sẽ tìm ra nơi phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của cá nhân. Những thông tin trên mạng thường chưa có kết quả tức thì, nhưng chắc chắn đó sẽ là những gợi ý để người học có thể có những "đường dẫn" phù hợp cho kế hoạch học tập của mình.

 

Những lưu ý khi tìm hiểu thông tin du học tự túc

 

Nhu cầu du học ngày càng lớn, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng có nhiều cách để đưa khối lượng thông tin du học đồ sộ đến với người học. Gia đình người học cần có bước "chuẩn bị từ xa" như tham dự các cuộc hội thảo lớn về du học do các tổ chức giáo dục uy tín đại diện cho các nước (như Hội đồng Anh, Cơ quan xúc tiến giáo dục thuộc Tổng cục du lịch Singapore...) tổ chức để có dịp trực tiếp tìm hiểu chuyên viên tuyển sinh của các trường về những vấn đề cần quan tâm.

 

Bộ phận giáo dục của các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán là một địa chỉ mà phụ huynh nên tiếp xúc vì ở những nơi này sẽ phổ biến những thông tin chính thức, khách quan để người học tìm hiểu.

 

Để tránh những rủi ro khi làm việc với những công ty TVDH, ông Trần Hữu Phúc Tiến (Giám đốc Trung tâm Việt Nam hợp điểm) nêu lên một số điểm phụ huynh và người học cần lưu ý khi làm việc với các công ty này. Đầu tiên, phải quan niệm việc TVDH là một loại dịch vụ, trong đó các công ty TVDH là nơi đại diện của một trường hay một nhóm trường để giới thiệu với người học.

 

Có thể xem công ty TVDH như là "người bán hàng", có trách nhiệm giới thiệu đúng sản phẩm mà mình định "bán". Còn người học có thể xem như là "người mua hàng" thì phải tìm hiểu kỹ món hàng định "mua", phải có trách nhiệm xem kỹ hợp đồng để bỏ tiền ra mua và đặt bút ký nhận "sản phẩm". Vậy thì người học khi tiếp xúc với các công ty TVDH thì phải yêu cầu các công ty này xuất trình các "tài liệu gốc" giới thiệu về trường mà công ty làm đại diện; về nội dung chương trình học cần được xem bản chương trình gốc, địa chỉ trang web của trường để tự kiểm tra được khi vào mạng.

 

Ngoài ra, người học cần yêu cầu có công bố riêng khoản học phí để có thể kiểm tra trên trang web của trường (thay vì chỉ kê chi phí chung chung); học phí và các khoản đóng góp chính thức cho nhà trường nên chọn cách chuyển tiền thẳng qua ngân hàng (hình thức trả tiền này hiện nay đang rất phổ biến và bảo đảm, khoản chi phí không đáng kể). Các khoản dịch vụ khác đề nghị được trả tiền 1 lần để tránh những "phát sinh" mà những khách hàng thiếu kinh nghiệm rất dễ bị một số công ty TVDH lập lờ lừa đảo.

 

Làm thế nào để nhận biết một công ty TVDH tin tưởng được? Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Huy Thịnh đưa thêm một số tiêu chuẩn như:

 

1. Công ty đó có truyền thống hợp tác, thể hiện qua những bản ghi nhớ, thỏa thuận của các bên liên quan, được công chứng hoặc các cơ quan có thẩm quyền như các đại sứ quán xác nhận là tốt nhất.

 

2. Lưu các tư liệu chứng minh (như các tập sách kiểm định, bảng xếp hạng...) để phụ huynh tìm hiểu.

 

3. Giới thiệu với những sinh viên Việt Nam đã và đang học tại trường, cung cấp địa chỉ e.mail của những sinh viên này để phụ huynh trực tiếp liên lạc tìm hiểu thêm.

 

4. Kiểm chứng thông tin qua các đại sứ quán, tổng lãnh sứ quán... vì ở những cơ quan này thường có bộ phận chuyên trách giáo dục, du học.

 

Theo Nhựt Quang
 Thanh Niên